Kỳ vọng du lịch Gia Lai khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, các điểm đến nổi tiếng của Gia Lai đón lượng lớn du khách thập phương. Cùng với sự thích thú, hài lòng với cảnh quan, du khách cùng kỳ vọng Gia Lai sẽ được đầu tư nhiều hơn để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Ảnh
Ngay từ sáng 30-4, Khu du lịch sinh thái Biển Hồ đã tấp nập du khách đến tham quan, ngắm cảnh. Ảnh: Quang Tấn

Trong suốt 3 ngày của kỳ nghỉ lễ, ngay từ sáng sớm, các điểm đến như Biển Hồ nước (TP. Pleiku), Biển Hồ chè, chùa Bửu Minh, hàng thông trăm tuổi, đập Tân Sơn (huyện Chư Păh), thác 50 (huyện Kbang) cùng nhiều thắng cảnh khác của tỉnh đã tấp nập, nhộn nhịp bởi du khách khắp nơi đổ về ngắm cảnh, tham quan. Mặc dù dự báo trong dịp lễ sẽ có mưa song tiết trời của Gia Lai trong suốt kỳ nghỉ khá dễ chịu, chỉ xuất hiện vài cơn mưa nhỏ nên không ảnh hưởng nhiều đến lịch trình của các đoàn khách chọn phố núi làm điểm dừng chân để vui chơi, nghỉ ngơi. Đáng mừng hơn khi trong dịp này, đến Gia Lai có rất nhiều du khách từ các tỉnh, thành trong cả nước như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Bình Định, Phú Yên… Thiên nhiên tươi đẹp, không khí mát dịu của Gia Lai đã làm xiêu lòng du khách.

1
Rất đông du khách đến từ mọi miền Tổ quốc thích thú, cùng nhảy điệu xoang với đội cồng chiêng làng Tiêng 2 (xã Tân Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: Quang Tấn

Có sở thích đi tham quan, du lịch, những năm qua, anh Trần Lê Thanh (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) đã đặt chân đến nhiều vùng miền của Tổ quốc. Trong chuyến hành trình khám phá Tây Nguyên, anh Thanh đã đến Gia Lai trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, núi non hùng vĩ của địa phương như Biển Hồ, núi lửa Chư Đang Ya, thác 50, Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo…

“Gia Lai có rất nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, lịch sử. Để phát huy được lợi thế địa phương nên đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cơ sở tại các điểm du lịch; xây dựng khu trưng bày, giới thiệu con người, bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa; đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá và các loại hình dịch vụ kèm theo. Ngoài danh lam thắng cảnh, tỉnh Gia Lai hiện đang có các công trình điện gió, đập thủy lợi rất đẹp, tỉnh nên xây dựng kế hoạch, kết nối các công trình này với các điểm du lịch khác để đa dạng sản phẩm, thu hút du khách”-anh Thanh chia sẻ.

1
Hàng thông trăm tuổi là điểm đến thu hút lượng khách đông đảo trong suốt kỳ nghỉ lễ. Ảnh: Phương Linh

Dịp lễ năm nay, thị xã Ayun Pa cũng đã đón nhiều đoàn khách du lịch từ các địa phương khác đến tham quan, trải nghiệm. Là du khách từ TP. Hồ Chí Minh tới Gia Lai trong dịp nghỉ lễ năm nay, bà Trương Kim Duyên (quận Phú Nhuận) cảm thấy bất ngờ trước những cảnh đẹp của vùng đất Tây Nguyên. Đặt chân đến TP. Pleiku ngày 29, đoàn của bà gồm 9 người cùng đi tham quan Biển Hồ nước, Biển Hồ chè. Ngày 30-4 và 1-5, đoàn di chuyển xuống thị xã Ayun Pa tham dự lễ cầu mưa tại làng Plei Rbai (xã Ia Piar) sau đó đi tham quan hồ sen tại xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện), khu du lịch Suối đá 2, thung lũng hồng (thị xã Ayun Pa).

“Cả đoàn ai cũng cảm thấy thỏa mãn vì không chỉ được “mục sở thị” nhiều cảnh đẹp mà còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ. Tuy nhiên, nhiều địa điểm còn khá hoang sơ, chưa có sự đầu tư, đặc biệt các dịch vụ phục vụ du khách tham quan còn thiếu, chưa có điểm vui chơi, giải trí về đêm. Dù vậy, nếu có cơ hội, tôi nhất định sẽ trở lại Gia Lai để có được thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ khác mà 3 ngày qua bản thân chưa có dịp khám phá hết”-bà Duyên hy vọng.

1
Nhiều du khách đến quán phở khô Hồng (đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku) để được thưởng thức nét ẩm thực đặc biệt của Phố núi. Ảnh: Phương Linh

Cũng với mong muốn tìm về với thiên nhiên thanh bình, bỏ xa thành phố ồn ào, náo nhiệt, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) đã cùng gia đình chọn Gia Lai làm điểm dừng chân. Chị Thảo bày tỏ: “Gia Lai là địa phương có các nhiều điểm đến khá hấp dẫn. Qua tìm hiểu tôi cảm thấy rất tò mò, thích thú với cảnh quan thiên nhiên cũng như các nét văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc bản địa. Vì thế cả gia đình đã chọn Gia Lai để khám phá, trải nghiệm trong 4 ngày nghỉ lễ. Chúng tôi đã ngắm cảnh thanh bình ở đập Tân Sơn, dạo chơi dưới hàng thông trăm tuổi, cùng thưởng thức gà nướng cơm lam, phở khô Gia Lai cũng như được hòa nhịp với cồng chiêng. Kỳ nghỉ này thật sự rất đáng giá và tôi sẽ còn quay lại Gia Lai vào một dịp gần nhất”.

Chị Thảo cũng cho rằng, du lịch Gia Lai rất giàu tiềm năng tuy nhiên vẫn còn thiếu các sản phẩm du lịch, mặt hàng quà lưu niệm vẫn còn khá hạn chế, các điểm đến còn hoang sơ chưa được đầu tư nhiều về hạ tầng cũng như chưa có sự đầu tư sâu vào các dịch vụ trải nghiệm cho khách. Tôi mong là sắp tới, với tiềm năng đa dạng, phong phú này, du lịch Gia Lai sẽ được phát triển xứng tầm hơn. 

NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm