Thời sự - Bình luận

Kỳ vọng lớn của người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 1-1, ngày đầu tiên của năm 2023, tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.

Đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước.

Việc xây dựng đường cao tốc của Việt Nam được đặt ra từ những năm 2000 trong bối cảnh hệ thống quốc lộ, đặc biệt là Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và một số tuyến quốc lộ huyết mạch khác đã xuống cấp, quá tải. Tháng 12-2004, tại Bến Lức (Long An), tuyến cao tốc đầu tiên TP HCM - Trung Lương được khởi công trong niềm vui của nhân dân cả nước.

Thế nhưng sau 20 năm khởi động, triển khai, tới nay cả nước chỉ có được hơn 1.000 km đường cao tốc. Chính vì vậy, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong 3 đột phá chiến lược. Nghị quyết Đại hội XIII đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc; đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc.


 

 Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2. Ảnh: TỬ TRỰC
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2. Ảnh: TỬ TRỰC



Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với chiều dài 2.063 km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối thủ đô Hà Nội và TP HCM, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, địa bàn chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước, có quy mô rất lớn, vai trò động lực, tác động lan tỏa mạnh mẽ, ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ cho biết nhà nước đã dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt để đầu tư tuyến cao tốc xương sống này, đang đẩy nhanh tiến độ 11 dự án thành phần dài 654 km (quyết định đầu tư năm 2017) và khởi công 12 dự án thành phần dài 729 km (quyết định đầu tư năm 2021). Yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện dự án là bảo đảm tiến độ, không để kéo dài; không được đội vốn, tăng tổng mức đầu tư; bảo đảm chất lượng thi công, yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật; bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để xảy ra, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…

Nhắc nhở này của người đứng đầu Chính phủ là rất cần thiết, bởi nhiều người chưa thể quên vụ án sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khiến hàng chục bị cáo phải hầu tòa, chịu án phạt tù, khi dự án dù mới đưa vào khai thác đã xảy ra rất nhiều điểm hư hỏng, không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông.

Lần này, đại diện các nhà thầu tư vấn, xây lắp, ban quản lý dự án đã đưa ra các cam kết về chất lượng, tiến độ, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. Những lời hứa này không chỉ là sự quyết tâm, khẳng định uy tín, năng lực của các nhà thầu, mà còn là cam kết của họ trước Đảng, nhà nước và nhân dân cả nước.

Và như lời Thủ tướng đã nhấn mạnh tại lễ phát lệnh khởi công, đây là đòi hỏi khách quan của sự phát triển, là mong mỏi lớn của nhân dân, vì vậy để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 nối thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau, các bộ ngành, địa phương, các nhà thầu, phải xem việc này như việc nhà mình, đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm là có hiệu quả.

Theo VĂN DUẨN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm