Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Kỳ vọng vào kỳ họp đổi mới của Quốc hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV với nhiều đổi mới nằm nâng cao trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội trong một không khí nghị trường sôi động, tranh luận đa chiều về những vấn đề quan trọng của đất nước. Một kỳ họp gần với cử tri hơn, hứa hẹn nhiều ấn tượng với một chương trình dày đặc. Nhất là ngay từ những ngày đầu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Minh Thăng
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh nguồn: Vietnamnet)
Trong 24 ngày làm việc của kỳ họp này, có 15 phiên được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi, nhiều nhất từ trước tới nay. Điều này cho thấy một không khí nghị trường dân chủ, cởi mở, hướng đến người dân của Quốc hội. Việc này cũng cho thấy các đại biểu Quốc hội đã sẵn sàng trước sự giám sát, dõi theo của toàn thể đồng bào, cử tri cả nước. Họ phải làm việc nghiêm túc hơn, trách nhiệm hơn khi thảo luận, biểu quyết thông qua một vấn đề nào đó ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh.
Đặc biệt, việc Quốc hội thống nhất cao bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021 được cho là một dấu ấn đáng nhớ, không chỉ với lịch sử hoạt động Quốc hội mà còn của lịch sử chính trị Việt Nam hiện đại.
Thực tế lịch sử xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gánh cả hai vai khi vừa làm Chủ tịch Đảng, vừa làm Chủ tịch nước. Đó là giai đoạn mà trí tuệ, bản lĩnh Hồ Chí Minh đã hòa quyện trong phong cách lãnh tụ; là sự gắn kết hữu cơ máu thịt giữa lý tưởng của Đảng và mục tiêu giải phóng dân tộc thoát khỏi ách áp bức, nô lệ, vươn lên làm chủ đất nước, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là thời mà niềm tin của dân với Đảng và vận mệnh, tương lai của dân tộc sáng rõ hơn bao giờ hết, khi mỗi cán bộ, đảng viên luôn lấy tấm gương đạo đức, phẩm chất, lý tưởng của lãnh tụ Hồ Chí Minh làm mục tiêu phấn đấu, rèn luyện, dấn thân cho đất nước, trung thành với Đảng và hạnh phúc của đồng bào hai miền đất nước.
Trên thế giới, việc người đứng đầu một Đảng cùng lúc nắm giữ vị trí lãnh đạo trong bộ máy nhà nước không phải là hiếm. Các quốc gia có thể chế tương đồng với chúng ta đã thực hiện mô hình này từ lâu. Những quốc gia khác, dù là theo thể chế nào, cũng luôn đề cao vai trò nguyên thủ. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, Việt Nam không thể không vận dụng cho mình một mô hình phù hợp với điều kiện lịch sử, chính trị đất nước, đồng thời cũng là để tương thích với thế giới. Bởi mục tiêu cuối cùng là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu nhà nước, để người đứng đầu nhà nước có điều kiện cùng với cả hệ thống chính trị xử lý tốt nhất các vấn đề đối nội, đối ngoại, nâng cao vị thế quốc gia, đồng thời củng cố, nâng cao vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng. 
Nhìn từ thực tế đời sống chính trị hiện nay, việc Quốc hội bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước là yêu cầu tất yếu của một đất nước đang trên đà đẩy mạnh cải cách và hội nhập. Từ địa phương đến Trung ương đang tiến hành sáp nhập các cơ quan, tinh gọn bộ máy, trong đó có việc sáp nhập các chức danh của Đảng với chính quyền nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ quan nhà nước. Một hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cơ sở là điều mà người dân mong muốn lúc này.
Với một chương trình nghị sự dày đặc gồm thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội; đóng góp và thông qua các dự án luật; lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn… Việc ngay trong ngày 23-10, ngày thứ hai của kỳ họp này, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào vị trí Chủ tịch nước là một tín hiệu rõ ràng cho thấy sự đổi mới, cải cách thể chế đã được thực hiện từ trong Đảng và lan tỏa đến các đại biểu của nhân dân. Nhìn tư cách, phẩm chất, năng lực, bản lĩnh được rèn luyện, thử thách qua nhiều cương vị; nghe những lời tuyên thệ trong ngày nhận chức vụ mới của người đứng đầu Đảng ta, người dân càng tin tưởng, kỳ vọng nhiều hơn khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội nhất trí rất cao bầu vào vị trí nguyên thủ quốc gia.
Điều đó không chỉ nâng cao hiệu quả lãnh đạo, điều hành đất nước, khai mở các mối quan hệ vì lợi ích dân tộc, công cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng được tiếp lửa nhiều hơn nữa mà chủ trương “nêu gương” trong những người lãnh đạo cấp cao của Đảng như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 vừa thông qua cũng hứa hẹn đạt nhiều thành quả trong thực tế.
Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm