Lạc bước trên con đường thơ mộng ở Chư Pah

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bỏ lại sau lưng làn khói bụi và những ồn ào nơi phố thị, chỉ mất chừng 30 phút thong dong cùng xe máy, du khách đã có thể đặt chân đến con đường thơ mộng nối liền 3 xã Ia Ly-Ia Mơ Nông-Ia Phí của huyện Chư Pah, Gia Lai.
Bắt đầu từ điểm giao tỉnh lộ 661 với tuyến đường liên xã Ia Ly-Ia Mơ Nông-Ia Phí, du khách để lòng thư thái, thảnh thơi vãn cảnh trên tuyến đường, đi đến hết địa phận huyện Chư Pah, nối sang tỉnh Kon Tum. Con đường ngang qua những ngôi làng đẹp như tranh với vườn cà phê xanh mướt thấp thoáng những mái nhà sàn. Màu đỏ tươi của mái lợp, màu xanh dịu mát của cây lá, ngước nhìn lên là chạm vào khoảng biếc xanh của bầu trời. Tất cả quyện hòa cùng sắc óng vàng của nắng và rời rợi gió cao nguyên mang theo ấm nồng mùi hương cây cỏ, đem đến cho ta niềm hứng khởi cùng sự sảng khoái đến vô cùng.
 Đập thủy lợi ngăn dòng Ia Nú thơ mộng nằm bên cây cầu Ru Ai. Ảnh: L.H
Đập thủy lợi ngăn dòng Ia Nú thơ mộng nằm bên cây cầu Ru Ai. Ảnh: L.H
Mặc dù là tuyến đường kết nối 3 xã của huyện Chư Pah nhưng hầu như tuyến đường chỉ cắt ngang một vài ngôi làng của 2 xã Ia Mơ Nông và Ia Phí. Ngôi làng nào cũng đẹp, cũng xứng đáng trở thành điểm ghé thăm của du khách để cảm nhận vẻ đẹp đặc trưng đậm nét văn hóa dân tộc của đồng bào Tây Nguyên. Giữa không gian trong lành, thanh lặng, chỉ chút xao động của lá cây cũng khiến du khách dễ dàng cảm nhận được. Sự tĩnh lặng ấy-một cách dịu dàng và vô tư-như đang xoa dịu tâm hồn. Du khách nghe được tiếng gió trở mình, tiếng chim ríu ran và cả tiếng róc rách nước chảy nơi dòng suối mà tuyến đường ngang qua. 
Tháng 5, khi Tây Nguyên chưa hết cơn khô khát thì có mặt nơi tuyến đường này, lữ khách vẫn dạo bước giữa không gian đậm sắc màu. Đó là màu xanh ngắt ngút tầm mắt của những vườn rẫy cà phê, cao su, bời lời; đây đó điểm xuyết nét xanh non mơn mởn của lớp cỏ mọc trên mặt hồ Ia Mơ Nông-một hồ bán ngập tự nhiên nằm ngay sát bên đường liên xã. Suốt dọc tuyến đường có sự hiện diện của một vài ngôi trường và các điểm trường làng nằm ngay cạnh. Trong những khoảng sân trường ngập nắng rực lên sắc phượng thắm đỏ cùng những đóa bằng lăng tím ngát. Tất cả tạo thành một sự hài hòa đến lạ giữa thiên nhiên cảnh sắc và bàn tay sắp xếp rất có chủ đích của con người.
Qua vùng giáp ranh giữa Ia Mơ Nông và Ia Phí, du khách sẽ bắt gặp một con đập nhỏ. Con đập ngăn dòng Ia Nú, nằm hiền hòa dưới chân cầu Ru Ai. Bao năm nay, con đập điều tiết dòng nước quý giá cho những cánh đồng của người dân làng A (Ia Mơ Nông), làng Yăh, Vân (thị trấn Ia Ly)... Xung quanh con đập này cũng có đến hàng chục thửa ruộng bậc thang ngọt thơm hương lúa. “Nhà mình làm lúa bên dòng Ia Nú từ sau giải phóng đến nay. Trước đây, vợ chồng mình khai hoang được 8 sào, giờ chia cho con cái gần hết, chỉ giữ lại 1 sào cấy lúa để hai vợ chồng ăn thôi”-bà Rơ Châm Alíuh (làng A, xã Ia Mơ Nông) cười vui cho hay. 
Đứng trên cầu Ru Ai nhìn ngắm bốn bề cây cối xanh tươi và làn nước trong veo từ dòng Ia Nú, du khách cảm nhận được sức sống bao phủ trong từng mảnh đất, khe suối nơi này. Và hơn hết, cung đường mới đang kết nối những câu chuyện mới, cuộc đời mới. “Tôi là người Ia Mơ Nông nhưng “bắt” vợ về Ia Phí. Ngày xưa tuyến đường cấp phối, ngay cả cây cầu Ru Ai cũng chưa có, mỗi lần đi lại khổ lắm. Giờ chuyện đi lại thuận tiện rồi, vợ chồng mình còn mở một quán tạp hóa nhỏ ở Ia Phí nữa”-anh Rơ Châm Soan (xã Ia Phí) bộc bạch.
Theo Chủ tịch UBND xã Ia Phí Đinh Duy Nguyên thì xã Ia Phí đã chiếm trọn một nửa chiều dài tuyến đường này. Kể từ năm 2018 đến nay, sau khi con đường được nâng cấp, bộ mặt nông thôn nơi đây có nhiều khởi sắc. Giao thương thuận lợi hơn, các cháu học sinh đến trường an toàn hơn và con đường mở ra cho địa phương thêm nguồn động lực phát triển. Toàn xã có trên 1.700 hộ với 6.800 nhân khẩu (trong đó 97% là người Jrai), sinh sống tại 13 làng. “Ia Phí là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, cũng là vùng đất người Jrai bản địa còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống với hệ thống lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp. Các làng vẫn giữ được nhiều nét sinh hoạt đặc trưng của người Jrai, từ nhà rông, nhà sàn, dệt thổ cẩm… Đặc biệt, trong một số dịp, người làng vẫn còn tổ chức các lễ hội khá lớn và nguyên vẹn (lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả…) thu hút nhiều người quan tâm đến văn hóa Tây Nguyên về tham gia”-ông Nguyên cho biết.
...Trong chuyến hành trình khám phá cung đường này, còn có thêm một điểm đến đủ sức níu chân du khách, đó là Nhà máy Thủy điện Ia Ly. Chỉ ngần ấy lý do cũng đủ để những ai theo “chủ nghĩa xê dịch”, thích những chuyến đi khám phá những miền đất mới muốn “xách ba lô lên và đi”.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm