(GLO)- Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao. Bản đồ dịch tễ ghi nhận thêm nhiều bệnh nhân ở các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên; các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... Nguồn lực cả nước đang dồn cho công tác chống dịch. Trong bối cảnh đó, liệu nền kinh tế có đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay.
Báo cáo của Chính phủ mới đây cho thấy, mặc dù bị ảnh hưởng từ làn sóng bùng phát lần thứ 4 của dịch Covid-19, nhưng 6 tháng qua, tăng trưởng kinh tế nước ta vẫn đạt 5,64%. Tuy có thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng đây vẫn là mức tăng khá cao so với khu vực và thế giới. Vì vậy, thảo luận tại kỳ họp thứ nhất khóa XV, Quốc hội vẫn đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ và thấy chưa cần phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của năm nay.
Liệu nền kinh tế có đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay? (Ảnh nguồn internet) |
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong 6 tháng qua cho thấy chúng ta đã duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá cao trong bối cảnh hết sức khó khăn. Thật đáng mừng khi kim ngạch xuất-nhập khẩu đạt hơn 316 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020; thu ngân sách ước đạt 775 ngàn tỷ đồng, bằng 57,7% dự toán, tăng 15,3% so cùng kỳ năm ngoái; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 3% của năm 2020. Điều đó cho thấy, nền kinh tế nước ta có sự chống chịu cao, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Vì lẽ đó, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình-Giám đốc Economica Việt Nam-cho rằng, cách thức điều hành của Nhà nước, Chính phủ cũng như sự thích ứng của doanh nghiệp và người dân trong thời gian qua đã được cải thiện rất nhiều. Đặc biệt là công tác điều hành của Chính phủ, vẫn kiên trì “mục tiêu kép”, không bỏ lỡ những cơ hội tăng trưởng và đã đạt được tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng.
Mặc dù vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% cho cả năm như Chính phủ đã đề ra, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khả năng bị đứt gãy một phần chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là xuất khẩu nông-lâm-thủy sản, may mặc… đang đặt ra thách thức rất lớn cho công tác điều hành nền kinh tế của Chính phủ cũng như các địa phương. Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần nhanh chóng tháo gỡ các nút thắt thể chế. Cùng với đó là phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo ông Nguyễn Quốc Hải-Viện trưởng Viện Đào tạo-Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE) thì đây là động lực quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế nhanh chóng phục hồi. Lúc này, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành Trung ương và sự tích cực của các địa phương trong việc cụ thể hóa các nghị quyết, biện pháp điều hành của Chính phủ vào cuộc sống. Phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách hành chính, mạnh dạn cắt bỏ những thủ tục rườm rà, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến lạc quan, vẫn còn không ít băn khoăn, nhất là khi dịch Covid-19 vẫn lây lan mạnh, tấn công vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gây đình đốn sản xuất tại các khu công nghiệp. Cùng với đó là những cản trở do hoạt động chống dịch cũng sẽ ảnh hưởng đến giao thương, làm tăng chi phí vận chuyển, logistic… Sản phẩm nông-lâm-thủy sản khó tiêu thụ, sản lượng công nghiệp giảm, tất yếu sẽ kéo kim ngạch xuất-nhập khẩu giảm theo. Công nhân, người lao động mất việc làm, mất thu nhập đang trở thành gánh nặng cho xã hội, rất cần các gói hỗ trợ an sinh của Nhà nước. Nếu không, đây sẽ là nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Cần phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuống từ 5,5% cho đến 5,8% là phù hợp. Đồng thời, phải ưu tiên hàng đầu cho việc kiểm soát dịch và những tổn thất mà dịch bệnh có thể gây ra đối với tính mạng con người, cũng như đối với nền kinh tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi toàn Đảng, toàn dân chung tay chống dịch. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng dành phần lớn sự quan tâm của mình, luôn chỉ đạo sát sao công tác chống dịch để bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời không để đứt gãy nền kinh tế. Sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương lúc này là thiết thực chia sẻ một phần gánh nặng cho các đầu tàu kinh tế ở hai đầu đất nước; không chỉ giữ vững chỉ tiêu tăng trưởng của từng địa phương mà còn góp phần cùng cả nước đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể.
ĐÌNH CƯƠNG