Xã hội

Gia đình

Làm gì để xây dựng gia đình hạnh phúc?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuộc sống càng chịu nhiều áp lực thì các gia đình càng phải đối mặt với không ít khó khăn. Các đôi vợ chồng trẻ khi về chung sống với nhau chưa chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt nên khi mâu thuẫn phát sinh không biết giải quyết, từ đó dễ dẫn đến ly hôn.

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ông Phạm Hồng Phong-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch,l Gia Lai cho biết: “Thiếu kỹ năng sống là một trong những nguyên nhân khiến các đôi vợ chồng trẻ đưa nhau ra tòa ly dị. Khi hôn nhân không như mong đợi, họ ít chịu ngồi nói chuyện một cách bình tĩnh mà vội vã chia tay để tìm hạnh phúc mới”.

 

Hạnh phúc là khi vợ chồng biết sẻ chia. Ảnh: Đ.Y

Cũng theo ông Phong, một số cặp vợ chồng trẻ chưa cảm nhận được hết giá trị của gia đình, thậm chí còn thường xuyên sử dụng từ “ly hôn” để dọa nhau mỗi khi xảy ra mâu thuẫn. Bên cạnh đó, giới trẻ ngày nay nghiêng về lối sống cá nhân nhiều hơn nên khi gặp khó khăn, sợi dây tình cảm liên kết vợ-chồng không đủ mạnh để giúp họ vượt qua hoàn cảnh. Ông Phong cho rằng: “Nếu cuộc sống vợ chồng không hòa hợp thì cả 2 phải nhìn nhận vấn đề cho đúng và cùng nhau khắc phục chứ không nên đổ lỗi cho nhau, không nên chịu đựng sự bất hòa”.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy-Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa Gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), thời gian qua, đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững”. Hàng năm, Sở tổ chức ký kết chương trình phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể để đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng gia đình hạnh phúc. Theo đó, các đơn vị đã chủ động phối hợp với các ban, ngành tổ chức tuyên truyền, vận động các gia đình chuyển đổi các mô hình kinh tế hiệu quả, thực hiện lồng ghép nhiều mô hình, câu lạc bộ đa dạng. Đến nay, 222 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập các câu lạc bộ như: gia đình hạnh phúc, bình đẳng giới, phụ nữ nuôi dạy con tốt, “Gia đình 5 không, 3 sạch”; thực hiện “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”...

Nhờ sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả nên phong trào đã có sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành nền nếp và mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình. Thông qua các tiêu chí thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, các hộ gia đình đã nghiêm túc thực hiện đầy đủ hương ước, quy ước ở địa phương. Phong trào đã loại bỏ các tập tục lạc hậu, gia đình duy trì nếp sống lành mạnh, tình trạng bạo lực gia đình giảm đáng kể. “Song, để xây dựng một gia đình hạnh phúc bền vững thì ngoài sự nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành, mỗi thành viên trong gia đình phải là nhân tố chính làm nên hạnh phúc. Hạnh phúc không tự nhiên mà có, vì vậy để có được gia đình trọn vẹn, hạnh phúc thì mỗi thành viên trong gia đình đều phải vun đắp, có trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau và cùng chung tay xây dựng hạnh phúc”-bà Thủy nhấn mạnh.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm