Kinh tế

Nông nghiệp

Làm sao để sản phẩm nông nghiệp vươn ra thị trường quốc tế?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo về công tác quy hoạch và định hướng phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tại hội thảo, một số chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp căn cơ để phát triển bền vững các sản phẩm nông nghiệp như: cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả… Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm trong việc tìm ra nguyên nhân và có giải pháp thích hợp để sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ được với thị trường trong nước, hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế.

Quá trình phát triển nông nghiệp của tỉnh ta cùng chung thực trạng với nông nghiệp của cả nước. Đó là chuyển sang nền kinh tế thị trường nhưng tư duy vẫn chưa chuyển kịp hoặc tư duy đã thay đổi nhưng do quán tính nên hành động lại chậm đổi mới. Dưới đây xin tiếp cận một số nội dung mà chúng ta đang “tự làm khó” chính mình trong quá trình đưa nền nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa.

 

Hồ tiêu là cây trồng chủ lực ở Gia Lai.                                                           Ảnh: Đ.T
Hồ tiêu là cây trồng chủ lực ở Gia Lai. Ảnh: Đ.T

Một là, kinh tế thị trường được vận hành theo các quy luật kinh tế tổng hợp, các lý thuyết, các mô hình kinh tế… nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là lấy đầu ra quyết định đầu vào, có thị trường thì mới tính đến sản xuất. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta thường làm ngược lại. Chúng ta thường làm theo chủ quan nên khi giá cả thị trường của một sản phẩm nào đó tăng lên thì nông dân tập trung đầu tư vào cây đó, chặt bỏ cây khác. Có lúc thì chặt cà phê để trồng cao su, có lúc thì chặt cao su trồng cà phê. Lúc giá hồ tiêu lên cao thì chặt cả cao su và cà phê để trồng hồ tiêu. Các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia… cũng thường xuyên thay đổi cơ cấu cây trồng nhưng có tính toán khoa học hơn, không phải ồ ạt và cũng không phải “tăng nóng”. Từ sự tự phát đó, chúng ta thường xuyên gặp rủi ro mà nông dân là người khốn đốn nhất.

Hai là, trong một thời gian dài, ngành nào, địa phương nào cũng hô hào “Tất cả cho sản xuất” và mục tiêu là sản lượng đạt cao nhất. Cuối năm tổng kết vui mừng vì được mùa, phấn khởi vì đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh. Nhưng rồi chúng ta lại phải đối mặt với thực tế hết sức nghiệt ngã: thịt heo không có thị trường tiêu thụ; cao su, cà phê rớt giá không tiêu thụ được vì cung vượt cầu. Trong bối cảnh khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp phải chở ra các cửa khẩu mậu biên Lào Cai, Móng Cái… bị tư thương ép giá, nhiều “đầu nậu” mua đi-bán lại và rơi vào tình trạng thua lỗ, phá sản. Theo nguyên lý “nước chảy về chỗ trũng” thì thiệt hại này cũng là thiệt hại chung cho nền kinh tế. Điệp khúc “được mùa mất giá” được lặp đi, lặp lại luân phiên giữa các chủng loại sản phẩm nông nghiệp.

Ba là, nền nông nghiệp của chúng ta còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu kiến thức, thiếu một bàn tay vô hình để sắp xếp, tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu theo cơ chế thị trường. Xuất phát từ tính tự phát thấy giá sản phẩm nào cao chúng ta tập trung phát triển “nóng” sản phẩm đó, đến khi ứ đọng không tiêu thụ được thì xảy ra tình trạng dưới trách trên, trên trách dưới là có tư tưởng “bầy đàn”, thấy người khác làm thì làm theo, thiếu tính toán, không tuân theo quy luật. Dưới trách trên sao không tìm kiếm thị trường, không tìm kiếm “người giải cứu” hoặc dùng “hàng rào kỹ thuật” không cho hàng hóa của nước người vào nước mình. Lúc được mùa, được giá thì sự liên kết giữa 4 nhà tuy vẫn còn mang nặng lý thuyết, chưa có sự gắn kết mạnh mẽ trong thực tiễn nhưng cũng ít xảy ra việc đùn đẩy trách nhiệm. Nhưng khi có vấn đề thì sự chỉ trích bắt đầu gay gắt. Có một thời gian, mủ cao su dư thừa trong nước nhưng có doanh nghiệp vẫn nhập mủ từ Thái Lan vì mủ cao su đầu vào của thị trường trong nước không đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật để sản xuất săm lốp… Hiện nay, các nhà máy chế biến hạt điều ở Đồng Nai, Bình Phước vẫn nhập hạt điều từ Nam Phi, Campuchia. Trong khi đó, hạt điều của nước ta đang rất khó khăn tìm đường thâm nhập vào thị trường nước ngoài. Nền sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường là bán cái mà thị trường cần chứ không phải bán cái mình có. Cái thị trường cần nôm na là số lượng, chất lượng và giá cả hợp lý.

Bốn là, sản phẩm nông nghiệp của chúng ta nhìn chung có 2 điểm yếu là chi phí cao, chất lượng kém (trừ một số mặt hàng cá biệt). Chi phí cao thì mức cạnh tranh kém nên chúng ta khó xâm nhập vào thị trường khu vực và thế giới. Điều này cũng dễ hiểu vì nông nghiệp nước ta hầu hết là sử dụng nhân công, ít cơ giới. Hàng hóa chất lượng kém thì người tiêu dùng không chấp nhận, trong khi an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Trên thực tế, nhiều sản phẩm nông nghiệp của nước ta xuất khẩu sang thị trường nước ngoài bị vướng vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Năm là, với tư duy đánh giá sự phát triển thông qua năng suất, sản lượng và tổng số lượng hàng hóa tiêu thụ bao gồm xuất khẩu và nội tiêu thì tình trạng “giải cứu” là một tất yếu. Nếu xem sản phẩm nông nghiệp là cơ sở cho công nghiệp chế biến và thương mại thì sản phẩm phải được bảo quản theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, có hệ thống kho lạnh nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa theo yêu cầu của thị trường. Đồng thời phải chế biến sâu nhằm tăng giá trị của sản phẩm hàng hóa nội tiêu và xuất khẩu. Phải tập trung tìm kiếm thị trường, giữ vững thị trường truyền thống, có chính sách tiếp thị để phát triển thị trường mới. Trong sản xuất hàng hóa, đây là vấn đề sống còn.

Sáu là, nếu còn duy trì một nền sản xuất chỉ quản lý bằng các chỉ tiêu diện tích, năng suất, sản lượng trong một tư duy còn mang nặng bao cấp, mệnh lệnh hành chính, xa rời thực tiễn, không theo yêu cầu của thị trường trong môi trường cạnh tranh gay gắt thì chúng ta sẽ còn nếm trải những nghiệt ngã, phũ phàng khi vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt là xuất khẩu. Vì vậy, chúng ta cần có kế hoạch phát triển thị trường, lấy kinh tế tư nhân làm động lực phát triển. Kịp thời có những chính sách phát triển nền nông nghiệp hiện đại có năng suất, chất lượng cao. Nếu chúng ta không đổi mới tư duy thì nền nông nghiệp vẫn còn nằm trong tình trạng lạc hậu, câu chuyện “giải cứu” sẽ xuất hiện với tần suất dày hơn.

Gia Lai là một tỉnh có tiềm năng to lớn về nông nghiệp, trong đó có những sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao như: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều… Toàn tỉnh có 508.672 ha cây trồng các loại, đứng thứ 2 trong 5 tỉnh Tây Nguyên (sau tỉnh Đak Lak). Trong đó, chè 851 ha, đứng thứ 2 sau Lâm Đồng; cà phê 79.732 ha, đứng thứ 4 sau Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng; cao su 102.640 ha, đứng đầu toàn vùng; hồ tiêu 21.411 ha, đứng đầu toàn vùng; điều 17.177 ha, đứng thứ 2 sau Đak Lak. Nền nông nghiệp Gia Lai đang có xu hướng tiếp cận với sản xuất hàng hóa. Vì vậy, tỉnh cần nhanh chóng xác định vị thế nông nghiệp là cơ sở của công nghiệp chế biến và thương mại nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao, chiếm ưu thế thị trường trong nước, hội nhập sâu với thị trường khu vực và thế giới, có sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà “nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước” đưa nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ tiến lên nền sản xuất lớn, có tốc độ phát triển cao trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh.

TS. Lê Đức Tánh

Có thể bạn quan tâm