Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

"Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số..." ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 17-9, tại Trụ sở Tỉnh ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” giai đoạn 2011-2021. Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung dự và chủ trì hội nghị.

Đồng chí Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và 2 Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy có các đồng chí: Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số cơ quan, ban ngành, đoàn thể.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy. Ảnh: Anh Huy
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy. Ảnh: Anh Huy


Nhiều mô hình, cách làm hay

Qua 10 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã tác động mạnh mẽ đến đời sống của Nhân dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số các thôn, làng trên địa bàn tỉnh. Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) đã được hình thành và nhân rộng, tạo được sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng dân cư.

Để cụ thể hóa các nội dung của CVĐ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phát hành Sổ tay tuyên truyền thực hiện CVĐ “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” và cấp phát 11.884 cuốn đến cán bộ, đảng viên và cán bộ làm công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh. Sau khi khảo sát thực trạng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, duy trì 400 mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm với 18.274 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia.

Tham luận tại hội nghị, ông Đinh Ơn-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa-cho hay: Trước thực trạng chuyển nhượng và cho thuê đất sản xuất trái pháp luật trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cùng các tổ chức chính trị-xã hội đã tham mưu Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 12-1-2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc ngăn chặn chuyển nhượng và cho thuê đất sản xuất trái pháp luật trên địa bàn. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã đôn đốc, hướng dẫn Mặt trận cấp xã, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư tuyên truyền thực hiện Nghị quyết đến Nhân dân. Nhờ vậy, người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã hiểu được tầm quan trọng của đất đai, biết giữ đất để phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Hưởng ứng CVĐ, hàng năm, các tổ chức chính trị-xã hội đã cụ thể hóa, lồng ghép vào các nội dung, chương trình công tác, các phong trào, CVĐ của tổ chức mình phát động. Bà Rơ Châm H’Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh-cho biết: Để từng bước tạo chuyển biến, giúp hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi thói quen, biết cách chi tiêu hợp lý, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống gia đình, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trong tỉnh đã thành lập 44 Câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với tín dụng đen”, 235 Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”. Cùng với đó, các cấp Hội còn triển khai xây dựng nhiều mô hình nhằm giúp chị em hội viên phát triển kinh tế gia đình như: “3 biết 2 hỗ trợ”, “3 trong 1”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp gia đình hội viên phụ nữ đi làm ăn xa”...

Thay đổi diện mạo nông thôn

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Anh Huy
Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Anh Huy


Gắn triển khai thực hiện CVĐ với xây dựng làng nông thôn mới theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hàng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ động tuyên truyền, vận động Nhân dân chỉnh trang khuôn viên nhà ở, cải tạo vườn tạp, làm nhà tiêu hợp vệ sinh, di dời chuồng nuôi nhốt vật nuôi ra xa khu nhà ở… Trong 3 năm (2018-2020), Mặt trận các cấp đã tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp được hơn 93,6 tỷ đồng; hiến 86.813 m2 đất ở, đất vườn và hàng ngàn ngày công để tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, làm nhà rông văn hóa, các công trình phụ trợ...

Đề cập đến một số kết quả tại địa phương, ông Rcom Xuân-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện-cho hay: Công tác tuyên truyền, vận động được cả hệ thống chính trị của huyện cùng tham gia, trong đó Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến thôn, làng đóng vai trò chủ đạo. Theo đó, đã vận động Nhân dân đóng góp trên 10,2 tỷ đồng, hiến trên 80.595 m2 đất và tham gia hơn 168 ngàn ngày công lao động cùng với các đơn vị quân đội sắp xếp lại nhà cửa, tu sửa nâng cấp các tuyến đường giao thông, làm nhà văn hóa, xây dựng các công trình phụ trợ như nhà tắm, nhà tiêu, hàng rào, chuồng trại. Đến cuối năm 2020, 13 thôn, làng trên địa bàn huyện được công nhận làng đạt chuẩn nông thôn mới.

Để thực hiện hiệu quả CVĐ, Ban Công tác Mặt trận thôn Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cũng đã phối hợp truyền truyền bà con dân làng không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, bỏ dần tư tưởng không muốn thoát nghèo… Ông Hmrik-Phó Ban Công tác Mặt trận thôn Ia Nueng-thông tin: Người dân trong làng đã thay đổi dần cách thức trong lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai; nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất. Đến nay, 90% hộ dân trong làng có đời sống kinh tế ổn định, có 40% hộ khá với mức thu nhập trung bình mỗi năm từ 100-200 triệu đồng, phấn đấu đến cuối năm 2021 làng không còn hộ nghèo.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân, tập thể. Ảnh: Anh Huy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân, tập thể. Ảnh: Anh Huy
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 5 tập thể, 5 cá nhân và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen cho 10 tập thể, 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện CVĐ “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, giai đoạn 2011-2021.

Tham gia ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch mong muốn, thời gian tới cùng với việc tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể trong việc triển khai thực hiện CVĐ, MTTQ Việt Nam các cấp quan tâm nhiều hơn nữa đến một số chương trình trọng tâm về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… Đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, có những hiến kế quan trọng trong vai trò giám sát, phản biện xã hội.

Báo cáo tại hội nghị khẳng định, qua 10 năm triển khai thực hiện và lồng ghép với các chương trình, dự án, các phong trào do chính quyền, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ đã giúp 29.528 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 97 làng đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung đã ghi nhận, biểu dương những kết quả mà MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh đã đạt được trong quá trình triển khai thực hiện CVĐ. Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, CVĐ đã thể hiện được tính ưu việt của hệ thống chính trị và có ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc. Qua đó đã tạo được mối quan hệ đoàn kết gắn bó, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển, góp phần thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn.

Để cuộc vận động phát huy hiệu quả thiết thực trong thời gian tới, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung đề nghị cấp ủy, chính quyền, mặt trận các cấp cần tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt cuộc vận động gắn với 1 số chương trình, cuộc vận động khác. Đặc biệt là quan tâm đến chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về cuộc vận động, thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động, cụ thể hóa nội dung cuộc vận động sát với tình hình thực tiễn; phát huy vai trò chủ trì, phối hợp của MTTQ với chính quyền, các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong việc triển khai, đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động. Phối hợp với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND các cấp quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục đẩy mạnh CVĐ.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân. Ảnh: Anh Huy


Bên cạnh đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Mặt trận cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc chủ trì, phối hợp với các cấp chính quyền và các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

PHƯƠNG DUNG
 

Có thể bạn quan tâm