Kinh tế

Nông nghiệp

Làm thế nào để có "đầu ra" ổn định cho nông sản?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thông tin trên 2 ngàn ha cây mắc ca khu vực Tây Nguyên (trong đó có Gia Lai) đang khó khăn về thị trường tiêu thụ từ khuyến cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên thêm một lần gióng lên hồi chuông cảnh báo số phận chẳng lấy gì làm tươi sáng của một loại cây trồng. Không kể mắc ca, nhiều cây trồng khác, trong đó có những cây hàng hóa giá trị cao cũng không thoát khỏi điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Giá hồ tiêu đang thấp kỷ lục trong khi Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng là “thủ phủ” của hồ tiêu. Tình cảnh trong Nam ngoài Bắc dưa hấu, chuối, ớt, dứa thiệt hại do ô nhiễm, mất giá khiến ai cũng không khỏi xót xa.

 Thu hoạch dưa hấu. Ảnh: V.N
Thu hoạch dưa hấu. Ảnh: V.N

Những sáng “bù khú” bên ly cà phê với đám bạn vong niên, tôi không khỏi ngưỡng mộ vì dù ở tuổi “tri thiên mệnh” họ vẫn chưa hết “xông pha”, hăng hái khi đi thuê hoặc mua đất trồng cà phê, bơ, đinh lăng, chanh dây, tiêu. Hễ nghe cây gì, con gì có giá là họ “sôi” lên như tóp mỡ trong nồi. Và không biết tự bao giờ, từ công chức, viên chức, nhân viên trở thành nông dân, kiến thức nông nghiệp trở nên “thâm hậu”, vào hàng chuyên gia (!). Trong khi mình biểu hiện chấp nhận bằng lòng, thấy họ như vậy, cảm phục lắm lắm !

Song đôi lúc trước câu hỏi của tôi: “Mấy ông có biết sắp tới giá cả nông sản sẽ như thế nào không?” thì ai nấy đều tắc tị, ngắc ngứ. Dẫu là trí thức, công chức, nhà kinh tế “khoác” áo nông dân, họ đều không thể tự tin, không khỏi lo lắng cho thị trường nông sản nói chung, cho những cây trồng mà họ đang sản xuất nói riêng. Nỗi lo ấy thực ra là nỗi lo triền miên của người nông dân xứ ta. Tất nhiên ngoài yếu tố tự nhiên ảnh hưởng, ngành chuyên môn, chính quyền đều đã thường trực tuyên truyền, vận động bà con nông dân trồng cây gì, nuôi con gì, hướng dẫn kế hoạch gieo trồng mỗi mùa vụ. Nhưng sự thực là khi làm theo, chưa chắc đã hiệu quả. Một bài báo mới đây xác nhận Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương vận động nông dân miền Tây giảm diện tích lúa IR50404 còn 15-30% nhưng giá lúa này luôn ở mức cao, xấp xỉ lúa hạt dài, lợi nhuận nhiều hơn, nông dân… không làm theo khuyến cáo song lại thu lợi lớn! Chuyện tuyên truyền, vận động và cả khi dùng biện pháp hành chính, chưa chắc nông dân đã hưởng ứng, có lý do là vậy. Trong khi đó bao đời nay, bà con vốn quen với lối sản xuất manh mún, nhỏ lẻ tự phát, kinh nghiệm, chạy theo cái lợi trước mắt.

Vậy làm sao để có đầu ra ổn định cho nông dân? Không thể khác là  tiếp tục kế thừa và thực hiện tốt hơn Quyết định 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về liên kết “4 nhà” để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Lại phải làm tốt hơn công tác quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn với các cơ sở chế biến. Bảo hiểm nông nghiệp phải mở rộng hơn đối tượng, chính sách phải đi vào thực chất, thực sự chia sẻ rủi ro với nông dân trong quá trình sản xuất. Chú trọng phát triển thị trường nông sản trong nước, đi đôi với cập nhật, phân tích dự báo tình hình thị trường khu vực và thế giới; chủ động lo cho dân bằng việc nắm chắc thông tin thị trường và định hướng trồng cây gì, thời điểm nào. Không chỉ cập nhật, phân tích thông tin trên mạng mà đó còn là thông tin từ các đại sứ, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài giúp ngành nông nghiệp và ngành liên quan, các địa phương trong nước xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả, “bắt mạch” đúng giá cả thị trường cho nông sản quốc gia. Quan tâm đầy đủ hoạt động sau thu hoạch, bảo quản, sơ chế, tinh chế,… nhằm gia tăng giá trị nông sản nước nhà. Ở phương diện khác, trước biến đổi khí hậu và xu thế cạnh tranh, hội nhập, bên cạnh sự “bảo hộ” của chính quyền, ngành chuyên môn, đòi hỏi mỗi nông dân phải rũ bỏ lối sản xuất cũ, chủ động vươn lên trong sản xuất và đời sống. Quan trọng nhất hiện nay là bà con cần liên kết, tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, tham gia vào các hợp tác xã, đẩy mạnh quá trình tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa, hình thành cánh đồng mẫu lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất ổn định, hiệu quả, tránh thua thiệt, rủi ro, cũng là hưởng ứng chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Nông dân cần mẫn, siêng năng để thu được thành quả, cải thiện và nâng cao đời sống. Bởi dù cuộc sống đã thay đổi rất nhiều nhưng nhìn chung, nông dân vẫn chưa hết khổ. Họ đang là đối tượng thua thiệt và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Lo cho dân, cho nông dân không thể nói suông mà phải bằng việc làm cụ thể, thiết thực, liên quan mật thiết đến miếng cơm manh áo của họ. Quý lắm thay khi nông dân, khi ai đó có thừa ý chí làm giàu. Người có điều kiện, có tri thức và đam mê làm giàu là nhân tố đi đầu trong phong trào khởi nghiệp mà Chính phủ đang chủ trương. Đừng để niềm tin, niềm đam mê này thui chột hay “đứt gánh giữa đường” chỉ vì những bế tắc như bế tắc thị trường!

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm