(GLO)- Giữa đại ngàn hun hút, có một tấm gương lớn áng chừng trên 1,5 km2 soi bóng núi rừng và mây trời của 2 xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) và Ia Tơi (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum). Nơi ấy có hàng chục hộ dân lập nghiệp sinh cơ bằng chài lưới.
Tấm gương khổng lồ kia là mặt hồ của đập thủy điện Sê San, nơi hợp lưu của những dòng sông tình nghĩa anh em: Sông Pô Kô hữu ngạn và sông Đak Bla tả ngạn, sông Sa Thầy cũng chảy về. Vì vậy mà nguồn thủy sản trong lòng hồ hết sức phong phú. Người xưa nói “Đất lành chim đậu” quả không sai! Một ngày nọ, có lẽ gần chục năm nay, 2 anh em Hai Triều và Tư Sơn ở tận huyện Chợ Mới và Châu Phú (tỉnh An Giang) lên Tây Nguyên thăm người thân, cả 2 đứng trên đập Sê San nhìn xuống và không khỏi kinh ngạc trước mặt nước hồ lung linh huyền ảo bao bọc bởi vùng núi rừng xanh thẳm.
Làng chài trên cao nguyên. Ảnh: P.S |
Vốn là dân sông nước miền Tây, thấy những đàn cá đủ chủng loại nô đùa trong bóng nước, cả 2 không thể bỏ qua ý định lưu lại đôi ba ngày để tìm mua mấy tấm lưới làm một mẻ thăm dò. Quả tình “đất cũ đãi người mới”, mẻ lưới đầu tiên ấy đã cho 2 anh đầy cá tôm ngon ngọt! Và câu chuyện hình thành làng chài trên cao nguyên bắt đầu từ đó.
Tình cờ nghe được câu chuyện ấy, tôi hào hứng và nôn nao về một chuyến đi! Vậy là một sáng thu đẹp trời, cùng một số bạn bè tôi khăn gói lên đường.
Xe chúng tôi qua cánh rừng cách xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai khoảng chừng 10 km, chợt hiện ra trước mắt là một mặt hồ mênh mông, phóng tầm mắt nhìn ra ngút ngàn hồ nước thấy một khóm bè có mái che lơ lửng giữa dòng. Đã được báo trước nên 3 chiếc ghe máy nổ xình xịch rẽ nước tiến vào bờ, anh Hai Triều và anh Tư Sơn mà tôi từng biết tên trước đó bước lên bờ hồ hởi đón chúng tôi xuống ghe. Ghe lại rẽ sóng và tấp vào một bè lớn, chung quanh bè phơi những con cá nhỏ mà anh Hai Triều bảo đó là loài cá cơm đá.
Sau khi đã yên vị trên nhà bè, cảm giác bềnh bồng cộng với làn gió mát rượi từ giữa mặt hồ phả lên làm chúng tôi chất ngất. Những loại rau quen thuộc của miền Tây Nam bộ như điên điển, húng, lục bình... được họ trồng và vây lưới chung quanh nhà bè. Chúng tôi được anh Hai Triều, chủ nhà chiêu đãi món lẩu mắm Nam bộ chính hiệu với những lát cá rô to bằng bàn tay, là sản phẩm được lòng hồ Sê San ban tặng. Các anh bảo, hải sản trong lồng hồ rất phong phú, với nhiều chủng loại như: tôm tép, cá cơm đá, cá trắm, cá mè, cá rô, cá lăng vàng, cá anh vũ (hay còn gọi là cá tiến vua)...
Trong bữa ăn, anh Hai Triều và anh Tư Sơn thay phiên nhau kể về quá trình hình thành và ổn định cuộc sống làng chài. “Vạn sự khởi đầu nan”, thời gian đầu khó khăn đủ điều kể cả sự chưa thông cảm của chính quyền địa phương, nhưng bây giờ họ đã được tạo điều kiện, thậm chí được cấp đất định cư, chuyển dần chỗ ở lên đất liền để ổn định đời sống. Mặt khác, con cái của những người dân chài cũng được cắp sách đến trường, đồng thời chính quyền đã tổ chức các nhóm hộ để tương trợ lẫn nhau trong công việc và trong cuộc sống. Ngoài nhóm hộ của dân miền Tây (18 hộ) còn có nhóm hộ của dân chài đến từ huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế (6 hộ). Anh Hai Triều cũng kể về kế hoạch thành lập tổ hợp tác do chính quyền kết hợp với các ban ngành, đoàn thể đứng ra tổ chức để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của bà con. Hiện nay sản phẩm của họ đã được khách tham quan xa gần biết đến, trong đó có đặc sản cá cơm ép bánh tráng và các loại cá lóc, cá rô phơi khô một nắng rất được thực khách ưa chuộng. Bình quân mỗi lao động kiếm được từ 150 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng/ngày.
Chia tay làng chài trong một buổi chiều gió lộng mát rượi, cái mát lành không chỉ đến từ hơi nước lòng hồ Sê San mà còn từ ý chí của con người nơi đây, tôi thầm nghĩ: vùng đất cao nguyên này sẽ không phụ những giọt mồ hôi từng ngày đang hòa tan vào con nước Sê San của những người dân làng chài đã có một cuộc di dân ngoạn mục!
Phùng Sơn