Phóng sự - Ký sự

Làng chỉ có người già, trẻ nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
2 - 3 năm nay, ở làng tái định cư này là vậy. Vắng tanh chừng vài ba tháng, rồi cha mẹ lũ trẻ làng lũ lượt kéo về. Non chừng một tháng, đám người khỏe mạnh lại đi tây, về đông. Làng lại buồn với núi rừng
 
Làng của người Cadong, H.Sơn Tây. Ảnh: Phạm Anh
Những ngôi nhà rất khang trang ở khu tái định cư Anh Nhoi 2, xã Sơn Long, H.Sơn Tây (Quảng Ngãi) nhưng chỉ có người già và trẻ con trú ngụ bởi người khỏe mạnh đã đi tìm chốn mưu sinh hoặc tìm về làng cũ sinh sống. Đây chính là làng tái định cư của dự án thủy điện Đăk Đrinh.
"Lỡ ai chết sẽ không có người khiêng"
Từ UBND xã Sơn Long, chúng tôi cùng anh Đinh Văn Bây, Phó công an xã, theo đường bê tông tìm đến làng Anh Nhoi 2. Mùa đông, cái lạnh của rừng se sắt mang theo sương trắng cuốn chân người. Đi dọc từ đầu đến cuối thôn, nhà cửa khang trang san sát nhưng rất lạ, không thấy gà, heo thả rông như các làng vùng cao khác.
Anh Bây dẫn tôi đi từ đầu đến cuối thôn, tay chỉ trỏ, miệng giải thích: Những ngôi nhà khóa cửa im ỉm, hơi gỉ sét là do đi nhiều tháng chủ chưa quay về. Những ngôi nhà có quần áo trẻ con phơi, treo ngoài hiên nhà là gia đình còn con nhỏ, cha mẹ đi gửi cho ai đó nuôi giùm, còn mình đi tìm việc làm kiếm tiền gửi về nuôi con.
Gần cuối làng Anh Nhoi 2, tôi gặp một phụ nữ Cadong tên Đinh Thị Vưn nhai trầu bỏm bẻm, đang đứng trước cửa nhà. Hỏi chuyện, bà thở dài thườn thượt, nhớ làng cũ. Nó bây giờ ở phía bên kia dãy rừng, phần thì nằm trong biển nước hồ thủy điện Đăk Đrinh, phần phủ xanh bởi cỏ cây hoang dại.
Năm 2013, gia đình bà nhường hơn 4 ha đất ruộng, rẫy ở xóm Ra Mun, thôn Ra Manh, xã Sơn Long cho thủy điện, rồi nhận căn nhà và 600 m2 đất ở bây giờ. Sống trong căn nhà khang trang, bà con ở cách nhau vài sải tay, nhưng vui chưa nhiều thì tiền đã hết. "Tôi mua đất ở thôn Tà Mục, xã Sơn Dung, H.Sơn Tây và qua cả xã Ngọc Tem, H.Kon Plông (Kon Tum) để trồng mì. Thế nhưng bán hết mì cũng không đủ tiền mua gạo. Lũ trẻ còn sức thì đi các tỉnh Tây nguyên, vào TP.Quảng Ngãi để kiếm việc, còn gái già này, hai chân bước không nổi qua ngọn đồi trước mặt. Đợi nhà nước cấp cái ăn thôi", bà Vưn nói.
2 - 3 năm nay, ở làng tái định cư này là vậy. Vắng tanh chừng vài ba tháng, rồi cha mẹ lũ trẻ làng lũ lượt kéo về. Non chừng một tháng, đám người khỏe mạnh lại đi tây, về đông. Làng lại buồn với núi rừng. Chỉ còn người nhà canh cửa. Tiếng trẻ con thỉnh thoảng đọc bài, thút thít nhớ mẹ. Hôm tôi ở làng, trời lạnh, một số em không đến trường, lôi thôi quần áo, mặt mày nhem nhuốc và thương nhất là ánh mắt đờ đẫn thèm mồ hôi của cha, thèm vòng tay mẹ. "Ở đây không có đất rẫy, ruộng lúa nước. Suốt ngày ngồi không, rủ nhau uống rượu đến bệnh cả người. Bọn trẻ mới rủ nhau đi kiếm việc làm, chắc tết mới về. Giờ này mà có ai chết, sẽ không có người khiêng", bà Vưn nói, mặt cúi xuống, giấu tiếng thở dài.
 
Bà Đinh Thị Vưn: "Giờ này mà có ai chết, sẽ không có người khiêng". Ảnh: Phạm Anh
Một thời “làng đại gia”
6 năm trước, làng này được gọi là "làng đại gia" ở huyện miền núi Sơn Tây. Chuyện là, nhiều gia đình chỉ đủ ăn, bỗng thành tỉ phú. Những ngôi nhà kiểu mới được xây khang trang, như đô thị thu nhỏ mọc lên giữa rừng. Vậy mà giờ đây, nhà nhà vắng tanh, các “đại gia” giờ đang nghèo trở lại, phải nhận gạo trợ cấp hằng tháng. Anh công an xã bảo, nguyên nhân là nhận khối tiền đền bù của dự án thủy điện Đăk Đrinh, nhiều người giàu lên, đâm ra ăn chơi thả cửa.
Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, chua chát bảo, trong 33 hộ dân ở làng tái định cư này, người nhận tiền đền bù ít nhất vài trăm triệu đồng, người nhận nhiều đến mấy tỉ đồng. Do tiêu xài xả láng, nên chẳng mấy chốc mà trắng tay. Bây giờ 4 hộ thoát nghèo, còn lại là tái nghèo. Ngày đó, bỗng dưng ôm một cục tiền, nhiều người mua ô tô, xe máy, xây nhà khủng, sắm dàn karaoke, bàn ghế xịn... Làng vùng cao rộn rã đàn ca, bia rượu suốt ngày. Giờ thì đâu lại hoàn đó.
Rồi anh Bây đưa tôi đến nhà ông Đinh Văn Điều. Ngôi nhà khóa trái cửa. Thì ra ông Điều đã bán căn nhà cho chủ khác rồi về làng cũ sinh sống. Anh Bây cho biết, ông Điều từng nhận 3 tỉ đồng tiền đền bù. Từ người mỗi năm bán mì, cau trái… kiếm dăm ba triệu đồng, giờ cầm 3 tỉ đồng trong tay, biết làm gì cho hết tiền? Vậy là cậu quý tử hơn 20 tuổi đời lấy tiền đi mua ô tô, nhậu triền miên.
Ở thôn Anh Nhoi 2, Đinh Văn Thiên được xem là tay tiêu tiền có tiếng. Để ra dáng công tử, Thiên tậu ô tô 400 triệu đồng; xin tiền cha mua nhà lầu sát đường Đông Trường Sơn gần 1,9 tỉ đồng. Trên núi có gì vui, vậy là "công tử" Thiên lái xe xuống chơi bời ở TP.Đà Nẵng, TP.Quảng Ngãi. Chơi hết tiền, Thiên bán xe tiêu xài. Căn nhà tiền tỉ bây giờ cũng đóng cửa, còn chàng “công tử” kia giờ cũng bỏ nhà đi. Còn ông Điều quay lại kiếp nghèo. Tạm bợ vài năm, ông Điều bán nhà dắt díu nhau về lại làng cũ.
Nhận số tiền đền bù 3 tỉ đồng, ông Đinh Văn Rê và bà Đinh Thị Vưn (thôn Anh Nhoi 2, xã Sơn Long) dựng căn nhà trị giá 300 triệu đồng để ở và mua sắm đồ dùng trong nhà. Lẽ ra số tiền còn lại sẽ giúp vợ chồng ông dưỡng già đến cuối đời. Thế nhưng, thú vui của cậu quý tử Đinh Xa Thanh đã ngốn sạch. “Giờ bà Vưn đang trở thành hộ nghèo, trong nhà chẳng có gì đáng giá”, Chủ tịch xã Đỗ Thanh Vượt cho hay.
 
Khu tái định cư Anh Nhoi 2. Ảnh: Phạm Anh
Trở về làng cũ
Anh Đinh Văn Công được đền bù 800 triệu đồng, dùng tiền ấy xây nhà để ở, số còn lại anh mua đất trồng rừng, mua trâu bò, dê về nuôi. Giờ có trong tay 20 ha rừng keo, 40 con bò và 50 con dê, tài sản vậy nhưng anh vẫn không ở khu tái định cư có điện đường thông thoáng, trường học, y tế đầy đủ mà quay về làng cũ, bởi cái cần nhất lại thiếu: đó là đất sản xuất tại chỗ. Vậy là anh không ly hương kiếm cơm, mà chọn cách quay về làng cũ ở xóm Ra Mun, thôn Ra Manh, xã Sơn Long để mưu sinh.
“Ở khu tái định cư, phải đi, về nơi ở mới và đất canh tác, nhưng việc đi lại quá khó khăn, nhất là mùa mưa. Mỗi ngày xe máy đi, về 15 - 16 km đường rừng, đến rẫy. Trưa tối ăn vội cơm ở lán trại, chiều tối mò về nhà. Tính ra, mỗi ngày mất 30.000 đồng đổ xăng, chưa tính tiền sửa xe hư dọc đường do lội vật vã leo dốc, vượt suối. Đó là chưa kể không giám sát được tài sản, trâu, bò, dê trên rẫy nhà mình”, anh Công nói.
 
Căn nhà bề thế nhưng luôn vắng chủ. Ảnh: Phạm Anh
Chị Đinh Thị Hiếu thì đã rời khu tái định cư về làng cũ sống được 3 năm nay. Về lại làng rồi, chị Hiếu thoát cảnh chạy ăn từng bữa, chồng chí thú làm ăn, không còn nát rượu. “Chỗ ở mới, hạ tầng đầy đủ, sướng hơn ở đây rất nhiều. Nhưng ở đó chỉ ăn rồi chơi, chứ không có việc để làm. Phía sau nhà thì sạt lở, mưa đến là nơm nớp lo sợ. Làng cũ, đất rẫy đủ để trồng trọt, thu vài chục triệu đồng/năm. Lúc đói ăn thì chồng mang lưới ra lòng hồ kiếm con cá, con tôm; mang cái gùi vào rừng hái được mớ rau”, chị Hiếu tâm sự.
Theo ông Đỗ Thanh Vượt, tình trạng người dân rời bỏ khu tái định cư về làng cũ ở đã vài năm nay. Xã biết, nhưng đành chịu vì bà con ở khu tái định cư không có kế sinh nhai. Thống kê cho biết, khu tái định cư Anh Nhoi 2 có 33 hộ, thì 8 hộ đã về làng cũ, còn lại hầu hết ly hương kiếm sống, cứ vài ba tháng lại về, rồi lại đi. Nhiều trường hợp khác thì chưa chuyển hẳn về nơi ở cũ, nhưng họ đã dựng lại nhà ở làng cũ, cứ đi về giữa làng cũ và làng mới.

Ông Đinh Quang Ven, quyền Chủ tịch UBND H.Sơn Tây, cho biết người dân rời bỏ khu tái định cư có nhiều lý do: gia đình có người chết, vợ chồng ly hôn, việc đi lại giữa nhà và rẫy quá xa… nhưng nguyên nhân chính vẫn là do thiếu đất sản xuất. Theo ông Ven, thiếu đất sản xuất là do trước đây khi đền bù, Công ty CP thủy điện Đăk Đrinh muốn dùng một phần tiền đền bù để mua lại đất và cấp cho người dân sản xuất, song người dân không đồng ý, đòi phải trả đủ tiền mặt. Bây giờ hết tiền, không có đất sản xuất mới nảy sinh tình cảnh này.

Phạm Anh (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm