Làng Đê Kjiêng làm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cách trụ sở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh chừng 15 km, làng Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang, Gia Lai) là một trong những ngôi làng được tỉnh chọn để phát triển du lịch cộng đồng. Đón nhận tin vui này, dân làng đang tích cực sửa sang các thiết chế văn hóa để sẵn sàng đón tiếp du khách.
Nhiều lợi thế
Chúng tôi đến làng Đê Kjiêng khi mặt trời đang dần đứng bóng. Những ngôi nhà sàn nằm trải dài trên sườn đồi thoai thoải, xung quanh bao bọc bởi ngọn núi Kon Hyer. Trong làng, người lớn đều đã lên rẫy, chỉ còn lũ trẻ con được nghỉ học lang thang bày trò chơi dưới những gốc cây xanh mát. Cái nắng tháng 3 chói chang chảy tràn xung quanh. Dù không có người nhưng ngôi nhà nào cũng hé cửa. Đi cùng chúng tôi, chị Nguyễn Thị Vững-nhân viên Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Mang Yang-cho hay: Trong tháng 4 này, dân làng Đê Kjiêng sẽ thay thế ngôi nhà rông mái tôn kia thành nhà rông truyền thống. Quả thật, tại sân nhà rông của làng, bà con đã tập kết những bó cây lồ ô thật to, thật thẳng. Từ cuối năm ngoái, dân làng đã chia nhiều nhóm thay phiên nhau lên rừng để lấy tranh, tước mây về tập trung tại nhà anh Djưng-cán bộ Mặt trận thôn. Người dân và chính quyền xã cũng đang tìm mua gỗ về dựng nhà rông. Mong mỏi của làng Đê Kjiêng là sẽ hoàn thành nhà rông mới ngay trước dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác 19-5.
Nói về điều kiện thuận lợi để biến Đê Kjiêng thành làng du lịch cộng đồng, ông Võ Văn Sơn-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Mang Yang-chia sẻ: “Đê Kjiêng hiện có hơn 200 hộ, phần lớn là đồng bào Bahnar, là ngôi làng giàu truyền thống cách mạng. Làng nằm trên tuyến đường dẫn đến Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nên rất thuận tiện cho du khách dừng chân nghỉ ngơi, khám phá. Bên cạnh đó, làng Đê Kjiêng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét nguyên sơ, nhiều phong tục tập quán, lễ hội, văn hóa truyền thống; người dân nhiệt tình, hiếu khách, có kiến thức về du lịch nên rất thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng”.
 Những ngôi nhà sàn truyền thống là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách khi đến tham quan làng Đê Kjiêng. Ảnh: P.L
Những ngôi nhà sàn truyền thống là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách khi đến tham quan làng Đê Kjiêng. Ảnh: P.L
Cùng với nhà rông, làng Đê Kjiêng hiện có 2 khu nhà mồ, trong đó khu nhà mồ cũ nằm trên đường dẫn xuống cánh đồng, ngang qua suối Ayun vẫn còn rất nhiều tượng gỗ. Để phục vụ cho du khách tham quan, dân làng dự định sẽ phát quang và phục dựng lại. “Bến nước của làng cũng sẽ được sửa chữa, thay thế ống nhựa bằng ống tre, lồ ô để khôi phục nét truyền thống, phục vụ du lịch”-ông Sơn cho biết.
Khi người dân trở thành chủ thể
Trước khi làng Đê Kjiêng được tỉnh chọn để phát triển du lịch cộng đồng, làng Đê Ktu (thị trấn Kon Dơng) cũng đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là làng văn hóa truyền thống kiểu mẫu, gieo niềm hy vọng phát triển du lịch cho huyện Mang Yang nói riêng và tỉnh nhà nói chung. Tuy nhiên, như đốm lửa chóng tàn, làng Đê Ktu dần chìm vào quên lãng, người dân cũng không còn thiết tha với chuyện làm du lịch. Các thiết chế văn hóa như nhà rông, làng nghề truyền thống, bến nước... từng được đầu tư hàng tỷ đồng nay đều bị xuống cấp, hư hỏng nặng nề. Từ bài học của Đê Ktu, huyện Mang Yang đã có kinh nghiệm hơn trong việc xây dựng kế hoạch phát triển làng du lịch cộng đồng Đê Kjiêng. Xác định chủ thể của du lịch cộng đồng chính là dân làng, vì vậy xã, huyện đã vận động bà con trực tiếp tham gia, góp phần đưa Đê Kjiêng trở thành làng du lịch.
Thời gian qua, bên cạnh đầu tư cho làng một bộ cồng chiêng trị giá 90 triệu đồng, thành lập đội cồng chiêng, cử cán bộ, người dân tham gia các lớp tập huấn về du lịch cộng đồng, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch huyện Mang Yang cũng đã chọn 2 hộ có đủ điều kiện để làm homestay. Đó là nhà của ông Djưng và anh Gun với đặc điểm có kiến trúc truyền thống và đều làm bằng gỗ. Chủ nhân của 2 ngôi nhà kể trên cũng cho biết, họ sẵn sàng cải tạo nhà cửa để làm homestay đón tiếp du khách. Anh Gun bày tỏ: “Làng được chọn phát triển du lịch mình vui lắm, vì sẽ có nhiều du khách đến tham quan, ở lại, sinh hoạt cùng dân làng. Văn hóa truyền thống của dân tộc Bahnar sẽ được biết đến nhiều hơn, và quan trọng là bà con trong làng có thêm thu nhập từ việc làm du lịch”. Còn ông Djưng trước mắt cũng đã tự bỏ tiền túi để xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh mới, sửa sang nhà sàn truyền thống và sẵn sàng chặt bỏ một số cây trước nhà để lấy không gian phục vụ khách du lịch. Ông Djưng cho hay: “Mình hiểu văn hóa của dân tộc, hiểu về rừng Kon Ka Kinh nên sẵn sàng dẫn du khách đi tham quan, tìm hiểu, vui chơi. Lâu nay, thỉnh thoảng mình cũng có đoàn đi, nấu các món ăn truyền thống phục vụ du khách nên đã có chút kinh nghiệm. Nếu làng làm du lịch thì bà con sẽ được hưởng lợi rất nhiều”.
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin và Thể Thao huyện Mang Yang cho biết thêm: “Hiện dân làng Đê Kjiêng đang rất hào hứng, đoàn kết, quyết tâm làm du lịch. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng đi đôi với phục dựng các lễ hội, khôi phục nghề truyền thống. Đồng thời, huyện sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng phù hợp với tiềm năng và lợi thế du lịch của làng”.
 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm