Báo xuân

Làng hoa Tết ở Đông Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều địa phương phía Đông tỉnh làm quen với nghề mới đã đem lại lợi nhuận không kém việc trồng mía, mì, bắp… Đó là trồng hoa Tết. Hiện khu vực này có khoảng hơn 20 ha hoa thương phẩm và hoa Tết, phục vụ cho thị trường tại chỗ và một số tỉnh lân cận.

Khi đời sống của người dân ngày càng cao thì nhu cầu về cuộc sống tinh thần cũng được nâng lên, trong đó có việc trang trí và làm đẹp cho gia đình. Trồng và kinh doanh hoa, cây cảnh các loại đang là thị trường có nhiều tiềm năng để khai thác, nhất là trong những ngày tết, tạo thêm hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho nông dân giúp họ làm giàu.

 

Ảnh: Lê Nam

Trước đây, một số hộ trồng hoa thương phẩm trên địa bàn như các phường: An Bình, An Tân, An Phú, Tây Sơn (thị xã An Khê)… chủ yếu quy mô nhỏ, mang tính manh mún, với những giống hoa bản địa nên chất lượng hoa kém, lợi nhuận kinh tế không cao. Hiện nay nhờ áp dụng tiến bộ khoa học-công nghệ trồng hoa theo hướng công nghệ cao, trồng hoa theo phương pháp nuôi cấy mô nên “Làng hoa” An Khê vừa phong phú về chủng loại hoa như: Cúc đại đóa, hoa đồng tiền, li li, hồng, cẩm chướng… cho thu nhập cao và ổn định. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, một số người trồng hoa trên địa bàn thị xã An Khê thực hiện các mô hình được tập huấn kỹ thuật trồng, thu hoạch, bảo quản và đóng gói hoa thương phẩm theo hướng công nghệ cao.

Bà Nguyễn Thị Diên, ở tổ 5, phường An Tân (thị xã An Khê) đang chăm sóc hoa cúc đại đóa kịp bán Tết Nguyên đán cho hay: “Hiện gia đình có hơn 3.000 m2 nhà lồng và trồng được các loại hoa như: hoa hồng, hoa đồng tiền, ly, cúc. Để chuẩn bị cho vụ hoa Tết năm nay gia đình tôi đầu tư trồng hơn 300 chậu hoa cúc, hơn 750 chậu hoa ly và 13.000 gốc hoa cúc. Những giống hoa này gia đình mua từ Viện Nghiên cứu giống rau quả Hà Nội, tự ươm cây con giống hoa cúc. Thời tiết năm nay khá thuận lợi cho hoa sinh trưởng và phát triển. Nếu bán được giá như năm trước thì sau khi trừ chi phí cũng thu lời gần 100 triệu đồng”.

Theo những người trồng hoa lâu năm, để có những bông hoa đẹp, ngoài điều kiện thời tiết, đòi hỏi người trồng phải dày công chăm sóc và nắm chắc kỹ thuật. Phân chuồng và phân tro bón cho hoa phải ủ đúng thời gian, kỹ thuật cắt ngọn, tỉa nhánh cũng phải tỉ mỉ, chỉ để lại những nhánh đủ điều kiện cho bông đẹp. Rồi phải tính toán bón phân, tưới nước thế nào để hoa phải nở đúng dịp tết.

Còn một số hộ dân tại huyện Đak Pơ đang xem “nghề trồng hoa Tết” là một nghề cho thu nhập cao và ổn định. Cũng như mọi năm, năm nay gia đình chị Nguyễn Thị Bích Phượng-thôn An Bình, xã Cư An lại xuống giống trồng hoa vụ Tết. Năm nay gia đình chị mạnh dạn mở rộng diện tích và trồng được hơn 40.000 gốc hoa cúc đại đóa Đà Lạt. Đây là giống hoa rất chuộng trên thị trường trong những ngày Tết. Theo chị Phượng thì trồng hoa không khó, nhưng quan trọng là người trồng phải biết nhìn nhận thời tiết, để chọn cách chăm sóc hợp lý, phải biết cách tác động sao cho hoa nở đúng lúc.

Cách đó không xa là vườn hoa Tết của gia đình anh Huỳnh Quý Hải-thôn An Bình, xã Cư An đang chăm sóc hoa cho hay: Cùng với nghề trồng rau thì gia đình đã phát triển thêm nghề trồng hoa Tết khoảng 5 năm gần đây. Tết năm nay, gia đình anh xuống giống 40.000 gốc hoa cúc Đà Lạt. Vụ hoa Tết năm nay, tôi xuống giống đủ loại: cúc mai vàng, saphia, đại đóa.

Còn hơn 10 ngày là đến Tết Nguyên đán, những người trồng hoa khu vực phía Đông tỉnh đang hy vọng sẽ được giá như những năm trước để có mùa hoa Tết bội thu.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm