(GLO)- Đến Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang), du khách không phải mua vé vào cổng và được chiêm ngắm những hiện vật, nghe kể những câu chuyện thú vị về đời sống văn hóa của đồng bào Bahnar, về Anh hùng Núp.
Tôn vinh truyền thống cách mạng
Làng Stơr nằm yên bình bên bờ suối Tơ Tung. Nơi đây, Anh hùng Núp được sinh ra, lớn lên và lãnh đạo đồng bào Bahnar chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để bảo vệ dân làng. Dựa vào địa hình rừng núi hiểm trở, Anh hùng Núp đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn dân làng Stơr đoàn kết, mưu trí, dũng cảm, sử dụng những vũ khí thô sơ như dao rựa, giáo mác, cung tên, chông tre, bẫy đá... đánh tan nhiều cuộc càn quét của địch và trở thành biểu tượng của thiên anh hùng ca bất tử.
Khắc ghi những chiến công oanh liệt của dân làng và của Anh hùng Núp, ngày 23-3-1993, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa. Ngày 19-5-2009, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng Núp trong khuôn viên rộng 5,25 ha, gồm có 16 hạng mục công trình chính, với tổng kinh phí xây dựng 19 tỷ đồng. Sau thời gian triển khai thực hiện, ngày 6-5-2011, Khu lưu niệm được khánh thành và đưa vào hoạt động nhân kỷ niệm 97 năm ngày sinh Anh hùng Núp (2/5/1914-2/5/2011).
Khu lưu niệm Anh hùng Núp tọa lạc tại trung tâm làng Stơr, cách trụ sở UBND xã Tơ Tung khoảng 3 km về phía Nam. Ông Trần Xuân Nam-Chủ tịch UBND xã Tơ Tung-thông tin: “Từ ngày đưa Khu lưu niệm Anh hùng Núp vào hoạt động, xã Tơ Tung được nhiều người biết tới, bà con có thêm nhiều việc làm. Các đoàn công tác “Về nguồn” tìm hiểu truyền thống cách mạng, khách du lịch, các đoàn nghiên cứu, sưu tầm... thường xuyên đến đây tổ chức các hoạt động tham quan, dã ngoại, giao lưu văn hóa-văn nghệ”.
Du khách tham quan Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Ảnh: Hoàng Cư |
Cần đa dạng dịch vụ
Làng kháng chiến Stơr được chính quyền địa phương chọn làm địa điểm phát triển loại hình du lịch lịch sử-văn hóa gắn với du lịch cộng đồng và xây dựng những sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc trưng. Làng Stơr được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, tiếp thị và quảng bá các sản phẩm của địa phương, tổ chức các hoạt động du lịch, phục vụ khách lưu trú...
Tuy nhiên, thực tế chưa đáp ứng yêu cầu của du khách và mong muốn của người dân. Nhiều du khách cho rằng, Làng kháng chiến Stơr, Khu lưu niệm Anh hùng Núp mang tầm vóc quốc tế nhưng nội dung hoạt động và hiện vật trưng bày, sản phẩm vẫn còn sơ sài; chỉ có một số hiện vật cũ, một số mặt hàng thổ cẩm, cơm lam, gà nướng, rượu cần truyền thống, chưa có hướng dẫn viên thông thạo tiếng nước ngoài, chưa có người giỏi đưa khách đi tham quan và trải nghiệm những công việc thường nhật của người Bahnar bản địa, chưa có dịch vụ homestay bài bản, chưa có sóng wifi đủ mạnh... Anh Đinh Mỡi-Quản lý Khu lưu niệm Anh hùng Núp-thừa nhận: “Làng kháng chiến Stơr còn nhiều hạn chế trong việc tổ chức cho khách tham quan, du lịch. Mỗi khi có khách, nhất là các đoàn khách có từ 10 người trở lên, dân làng không khỏi lúng túng. Việc chuẩn bị đón tiếp mất nhiều thời gian mới đáp ứng điều kiện và nhu cầu của khách”.
Tham quan làng Stơr và một số làng lân cận như: Kuk Tung, Leng, Đak Pơ Kao, Klếch, chúng tôi cảm nhận đầy đủ cuộc sống sinh hoạt và sản xuất thuần phác, mộc mạc đặc trưng văn hóa của đồng bào Bahnar. Bà con làm ruộng làm nương, quây quần sinh sống yên bình. Gặp người lạ vào làng, anh Đinh Ngơn nói: “Mình là cháu họ của bok Núp, mình làm du lịch ở Làng kháng chiến Stơr”. Rồi anh dẫn khách vào một căn nhà đơn sơ đối diện với Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, chỉ tay vào các vật dụng đan lát và giới thiệu: “Đây là gùi, mẹt, rổ, rá, giỏ... do chính tay mình làm bằng tre. Nay ít người đi du lịch, bán hàng khó khăn nên khách mua ủng hộ mình đi”. Và chúng tôi đã chọn mua vài sản phẩm để ủng hộ sự thân thiện, nhiệt tình của anh Ngơn.
Là người gắn bó với văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên và từng nhiều lần lưu lại Làng kháng chiến Stơr, Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang chân thành góp ý: “Muốn phát triển du lịch bền vững và bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa, dân làng Stơr cần mạnh dạn đổi mới, tổ chức chuyên nghiệp các sự kiện, các tour du lịch lịch sử-văn hóa. Ngoài ra, chính quyền cần vào cuộc tổ chức, đào tạo và hướng dẫn cho bà con đa dạng thêm nội dung hoạt động, các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống, tái hiện đời sống tinh thần độc đáo và phong phú của người dân thông qua hoạt động hòa tấu nhạc cụ t’rưng, goong, klông pút, kní, đàn suối, đàn đá hay chỉ dẫn cho du khách trải nghiệm giã gạo bằng cối gỗ, hái rau rừng, đánh bắt cá suối... Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần kết nối Làng kháng chiến Stơr với các khu di tích lịch sử-văn hóa lân cận như: Vườn mít-Cánh đồng Cô Hầu (xã Nghĩa An), Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, Đền tưởng niệm liệt sĩ Ka Nak...”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Dũng-Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho hay: “Huyện đã nhận thấy lợi thế du lịch của Làng kháng chiến Stơr nên đã đầu tư nguồn lực để xây dựng, khai thác; cùng với đó là tích cực tuyên truyền, vận động bà con sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng các loại hình dịch vụ, tạo cho du khách sự thoải mái, có nhiều sự lựa chọn và trải nghiệm thú vị, ý nghĩa khi đến nơi này”.
HOÀNG CƯ