Phóng sự - Ký sự

Làng Nôm dung dị hồn quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người ngoài nghe đây từng là làng đồng nát thì ngạc nhiên vì khi đến đây được chứng kiến cảnh quan đẹp mắt, đường làng ngõ xóm ngăn nắp, sạch sẽ.

Một ngôi làng không lớn, nhưng từ cổng làng cổ kính, đình làng rêu phong, bờ ao, giếng nước có từ xa xưa, cây cầu đá bắc qua sông hơn một thế kỷ, đến chợ quê mộc mạc bao đời, ngôi chùa thanh tịnh, tất cả nối nhau trong một khung cảnh như có sự quy hoạch kiến trúc từ xa xưa: làng Nôm.

Nét đẹp cổ kính

Người ngoài nghe đây từng là làng đồng nát thì ngạc nhiên trước cảnh quan đẹp mắt, đường làng ngõ xóm ngăn nắp, sạch sẽ.

Ở đồng bằng Bắc Bộ, không ít thôn, làng đến nay vẫn giữ được cổng làng, cây đa, bến nước bên cạnh sân đình như hình ảnh đặc trưng của miền quê, nhưng làng quê cổ có cảnh quan đẹp chúng tôi đã đến có lẽ là làng Nôm.

Cổng chính làng Nôm là cổng làng đẹp và bề thế nhất những nơi ở Bắc Bộ. Toàn cổng rộng hơn 10 m, xây theo kiểu bát trụ, trên các trụ có hình tượng nghê chầu, phượng múa. Cánh cổng bằng gỗ thật dày và nặng, trên hai cánh cổng khắc nổi hình ảnh long - lân - quy - phụng quần tụ. Bước qua cổng bề thế ấy, vào trong làng, chúng tôi cảm nhận một vẻ đẹp làng quê vừa cổ kính, vừa hiện rõ sự trù phú.

Cổng làng Nôm xây dựng đã hơn 100 năm

Cổng làng Nôm xây dựng đã hơn 100 năm

Ao làng nằm ở giữa, chạy dài từ cổng chính phía Đông đến cổng sau phía Tây như một tấm gương lớn soi bóng những kiến trúc nhà cổ, nhà thờ họ, từ đường. Giữa ao làng có cây cầu gạch bắc ngang nối hai bờ ao, qua thời gian cầu cổ bị hỏng, vừa mới được xây dựng lại. Quanh ao làng là đường rộng lát gạch đỏ, rồi tẻ sang những đường ngang, ngõ tắt chung quanh làng.

Những nhà thờ họ dọc ao làng Nôm

Những nhà thờ họ dọc ao làng Nôm

Trong làng còn một số nhà cổ của người dân đang sinh sống có tuổi đời trên 100 năm. Nhiều ngôi nhà đã được xây lại theo kiến trúc mới bên trong, thêm cổng mới rộng hơn để thuận tiện việc ra vào nhưng cổng và tường rào xưa vẫn được giữ.

Nổi bật trong làng là các nhà thờ dòng họ nối nhau trên trục đường chính, hướng mặt ra hai bên ao làng, chỉ có một nhà thờ họ Lê nằm trong ngõ. Các nhà thờ họ đều được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống Bắc Bộ, mỗi dòng họ đều thể hiện nét riêng qua những hình ảnh chạm trổ, điêu khắc, hoa văn trên cổng và mặt tiền nhà thờ.

Thoáng mát, yên tĩnh

Cũng như nhiều làng quê Bắc Bộ, ở làng Nôm, đình Đại Đồng có cây đa ở sân, giếng cổ cận ao làng là hình ảnh thân quen. Bên giếng có tường bao, cổng rào. Bên trong giếng, các lớp gạch xếp chồng lên nhau ở phần trên thân giếng, thành giếng là đá nguyên phiến ghép vào nhau, miệng giếng có nắp đậy.

Ngoài giếng cổ trước đình này, làng Nôm còn hai giếng cổ nữa, bên cạnh cầu đá cổ đến chợ Nôm và trong chùa. Tuy ngày nay dân không sử dụng nước từ ao làng và giếng cổ, nhưng đây là những tài sản chung mà cả làng cùng giữ gìn.

Giếng cổ được người làng Nôm chung tay giữ gìn

Giếng cổ được người làng Nôm chung tay giữ gìn

Dạo bước trong làng, cảm nhận không gian thoáng mát, sự yên tĩnh cho mình thong thả ngắm từng góc đẹp. Nghe chúng tôi khen làng đẹp, trông trù phú nhưng có vẻ vắng người, ông Lê Đức Việt - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Đại Đồng - cho biết khởi thủy làng làm nông, sau này dân trong làng đi mua đồng phế liệu bán cho các làng nghề ở các vùng lân cận, rồi mua đồ đồng gia dụng mang đi bán khắp cả nước, nên làng còn có danh là "làng đồng nát".

Nhờ nghề đó mà dân làng khấm khá. Ngoài lo nhà cửa, mọi người còn đóng góp để xây dựng làng xóm khang trang, tu bổ đình, chùa, bảo tồn những di tích cổ của làng, xây nhà thờ họ để con cháu ở xa khi về có nơi họp mặt.

Điểm "check-in" thú vị

Trước cảnh quan đẹp mắt, đường làng ngõ xóm ngăn nắp, sạch sẽ, người nơi khác đến không nghĩ nơi đây từng là "làng đồng nát". Ông Việt cho biết trong làng không có cảnh hàng quán, bởi người làng muốn giữ cho làng dáng vẻ cổ kính, luôn đẹp, mới hãnh diện để giới thiệu với khách thập phương. Thường ngày, trong làng vắng vẻ do phần lớn gia đình đều có con cháu đi xa làm ăn. Nhưng năm nào cũng vậy, đến ngày hội làng (12 tháng giêng) và ngày các dòng họ làm lễ tế xuân (13 tháng giêng) thì con cháu về đông vui khôn kể.

Khách tham quan thích vẻ đẹp yên bình của làng Nôm

Khách tham quan thích vẻ đẹp yên bình của làng Nôm

Quần thể di tích làng Nôm còn có cầu đá cổ, chùa Nôm, chợ Nôm ở bên ngoài cổng làng. Theo hướng dẫn của ông Việt, chúng tôi ra cổng làng, đi về hướng cầu đá cổ. Thuở xưa, cầu được làm bằng gỗ lim, đến giữa thế kỷ XIX thì được thay bằng đá nguyên khối ghép khít. Cầu có 9 nhịp, kết cấu độc đáo. Chân cầu là những cột đá hình trụ, được đẽo thô để gác dầm cầu. Mỗi khối đá dầm có hai đầu cong lên, chạm trổ vân mây trông rất nghệ thuật.

Cầu đá cổ thuở xưa bắc qua chi lưu sông Nguyệt Đức, nay lòng sông bị bồi lấp, chỉ còn như một lạch nước chảy qua làng. Thế nhưng, cây cầu độc đáo có dòng nước chảy qua bên dưới, một đầu cầu là cây gạo đến mùa nở hoa đỏ rực, phía sau thấp thoáng mái chùa Nôm, tất cả làm nên một góc cảnh vật thật đẹp mà ai đi qua cũng phải dừng lại giữa cầu để bắt lấy hình ảnh này.

Qua cầu đá là đến Linh thông cổ tự (chùa Nôm) và chợ Nôm ở phía đối diện chùa. Nhìn vào địa thế cảnh quan, có thể thấy chùa và chợ từ xưa đã được dựng ở nơi tách biệt khu dân cư nhưng giáp sông, thuận tiện cho người các vùng lân cận đến viếng chùa và giao thương ở chợ. Chợ Nôm khiến người ta chú ý nhất là những dãy gian hàng được xây bằng gạch đỏ, tuy cũ kỹ nhưng lạ mắt nên cũng trở thành điểm "check-in" của du khách.

Du khách thích thú với những dãy gian hàng xây bằng gạch đỏ của chợ Nôm

Du khách thích thú với những dãy gian hàng xây bằng gạch đỏ của chợ Nôm

Di tích lịch sử cấp quốc gia

Nói đúng thì làng Nôm cổ kính là thôn Đại Đồng, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Song, tên thôn Đại Đồng ít được gọi, mà làng Nôm mới được nhắc đi nhắc lại như một địa danh.

Bởi thế, khi mới đến, chưa kịp tìm hiểu, vừa đi ngang tấm bia "Quần thể Di tích lịch sử văn hóa làng Nôm" trên đường lớn chỉ lối vào, chúng tôi đã nhầm địa danh dân gian này là tên hành chính của thôn.

Chưa hết, trên cổng làng cổ kính được dân làng xác định là đã xây dựng từ năm 1915, có chữ viết bằng tiếng Hán - Nôm: Đồng Cầu Môn (cổng làng Đồng Cầu). Đối diện cổng làng, một bia lớn ghi thông tin "Di tích quốc gia Làng Nôm" do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng vào tháng 1-2020, lại có hai câu: "Đồng Cầu cảnh sắc tráng sơn hà; Cổ ấp chung linh tồn ngọc phả". Tất cả khiến chúng tôi thêm thắc mắc "Đồng Cầu là gì?".

Tìm quanh cổng làng và trong làng không thấy bảng thông tin nào thuyết minh về lịch sử làng Nôm và sự liên quan giữa những cái tên Nôm, Đại Đồng, Đồng Cầu như thế nào. Trong đình thôn, chúng tôi đọc được bảng "Thần phả thượng đẳng Thánh Tam Giang" do ông Tạ Văn Đại - người làng Nôm tóm lược năm 2005, đại ý: Tam Giang là tướng theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống lại nhà Đông Hán vào năm 40. Trên đường mang quân đi đánh giặc đến trại Đồng Cầu, trang Đồng Xá, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An (nay là thôn Đại Đồng), tướng quân Tam Giang đã đóng quân tại đó.

Sau khi đánh tan quân giặc, ngày 12 tháng giêng năm 41, Trưng Nữ Vương phong cho Tam Giang là Điện tiền đô chỉ huy sứ quốc chính tướng quân và giao cho thực ấp ở phủ Thuận An. Tướng quân lấy trại Đồng Cầu làm đồn sở. Năm 43, quân Đông Hán chiếm lại các thành ấp. Khi bị giặc đuổi theo, tướng quân Tam Giang đã dìm thuyền xuống sông Nguyệt Đức và mất cùng mẹ và vợ. Người dân trại Đồng Cầu lập miếu thờ ông. Qua các triều vua Đinh - (tiền) Lê - Lý - Trần đều có gia phong, nhiều mỹ tự ban cho trại Đồng Cầu. Mỗi dịp đón rước mỹ tự vua ban, người dân sửa miếu, xây đình để thờ tự Thánh Tam Giang đến ngày nay.

Đình Nôm - nơi thờ Đức thánh Tam Giang

Đình Nôm - nơi thờ Đức thánh Tam Giang

Trong khi đó, trên bảng sơ lược Di tích lịch sử chùa Nôm ghi: làng Nôm xưa có tên là thôn Tùng Kiều, xã Tùng Xá, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Vào đầu thời Lê (hậu Lê) - Trịnh do kiêng húy Trịnh Tùng nên được đổi thành thôn Đồng Cầu (làng Thông), tổng Đồng Xá, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc.

Đối chiếu hai thông tin ở đình Nôm và chùa Nôm, thật không biết thông tin nào là chính xác với lịch sử. Ông Phùng Văn Chính (56 tuổi) sinh ra và lớn lên ở làng Nôm, hiện làm việc ở TP Vũng Tàu, đang cùng gia đình về nhà thờ họ. Ông chia sẻ rằng chưa từng nghe các cụ cho biết vì sao gọi là "làng Nôm" và tên này có từ bao giờ, chỉ nghe nói Đồng Cầu xưa là thôn Đại Đồng. Dân sống cả đời ở đây như ông Việt cũng không giải thích được, chỉ biết từ "Nôm" được gắn vào tên gọi các di tích chính trong làng như đình Nôm, chùa Nôm, cầu Nôm, chợ Nôm.

Làng Nôm nay đang được nhiều du khách đến tham quan.

Cái hay là những ngôi nhà người dân đang sinh sống, cùng những nhà thờ họ hướng ra ao làng có chiều cao tương đồng và không xây cao tầng. Nhờ đó mà tạo nên một vẻ đẹp dung dị của làng, dễ chịu tầm mắt, đứng từ phía Đông chúng tôi có thể nhìn xuyên suốt đến phía Tây có đình làng.

Có thể bạn quan tâm