45 năm Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lắng sâu lời dặn của Người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chăm chú xem lại những thước phim tài liệu về Bác Hồ và nghe lại bản di chúc của Người, ông Lê Ngọc Viên-nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh vẫn rất xúc động bởi những hình ảnh trong lễ truy điệu của Bác tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Với ông, đây là những thước phim tài liệu vô cùng quý giá và luôn giữ được tính thời sự vì chứa đựng rất nhiều giá trị lịch sử. Trong những thước phim ấy, ông đặc biệt chú ý đến những lời trong bản di chúc của Người do đồng chí Lê Duẩn-Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc trong lễ truy điệu.
 

 Bác Hồ với học sinh miền Nam (Ảnh tư liệu).
Bác Hồ với học sinh miền Nam (Ảnh tư liệu).

Bản Di chúc có đoạn: “Trước hết nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Thời gian qua đi, ông Lê Ngọc Viên càng thấm sâu hơn lời dạy của Người. Ông nhận định: “Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những tư tưởng vĩ đại, sâu sắc, có tính định hướng mạnh mẽ trong việc xây dựng Đảng và nếu Đảng ta thực hiện đúng lời căn dặn của Người thì đất nước sẽ phát triển hơn nhưng tiếc là hiện nay một bộ phận đảng viên đã và đang làm sai lời di huấn của Bác”.

Còn với ông Nguyễn Đoan (164/11 Quyết Tiến, tổ 4, phường Ia Kring, TP. Pleiku)-một trong những học sinh miền Nam đã 2 lần vinh dự được gặp Bác và vẽ bức tranh sơn dầu “Bác Hồ với học sinh miền Nam” thì những thước phim tài liệu về Bác Hồ và bản Di chúc của Người luôn mang lại cho ông một cảm xúc bồi hồi mỗi khi xem lại. Những hình ảnh của Bác đã khơi gợi sâu sắc lại những ký ức của ông về Bác. “Tôi coi những thước phim tài liệu về Bác để nhớ về một thời đầy tự hào của mình. Đối với chúng tôi-những học sinh miền Nam, hình ảnh Bác Hồ luôn được khắc sâu ở một góc trang trọng của trái tim và thế hệ chúng tôi vẫn luôn cố gắng để thực hiện đúng theo những lời căn dặn của Người. Tự hào hơn khi rất nhiều người trong số những học sinh miền Nam ngày ấy đã có những đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của đất nước”-ông Nguyễn Đoan tâm sự.

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung quan trọng thứ 2 chính là về lực lượng đoàn viên thanh niên. Người viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Đoan có ý kiến: “Thế hệ thanh niên Việt Nam vẫn giữ được sức mạnh đoàn kết và khát khao cống hiến. Điều này được phát huy khi đất nước có biến cố, nó đã được chứng minh qua vụ Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển nước ta và trong lễ Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều lớp thanh niên vẫn đang nỗ lực để thực hiện đúng di chúc của Bác Hồ”.

Thạc sĩ Đào Ngọc Bình, hiện công tác tại Phòng Tuyên truyền-Giáo dục, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, là một người trẻ tuổi nhưng đã dày công nghiên cứu và có nhiều bài viết trên các phương tiện truyền thông về những vấn đề trong di chúc của Bác Hồ, cho biết: “Tôi bắt đầu bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu bản di chúc của Bác Hồ từ năm 2011 khi nhận ra nhiều ý nghĩa sâu sắc trong những lời di huấn của Người, đặc biệt là những lời căn dặn cho thế hệ thanh niên. Bác vừa khen nhưng lại vừa nhắc nhở khéo léo thế hệ trẻ cống hiến nhiều hơn nữa. Tôi nghiên cứu khá sâu Di chúc của Bác Hồ nên luôn cố gắng để thực hiện đúng lời căn dặn của Bác”.

N.G

Có thể bạn quan tâm