Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Làng tái định cư thuộc DA Thủy điện Sê San 3A còn nhiều khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 2-11, đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Gia Lai do ông Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát tại làng Dip, xã Ia Kreng, huyện Chư Pah về việc thực hiện tái định cư và chế độ chính sách cho các hộ thuộc vùng dự án thủy lợi, thủy điện.

Quang cảnh buổi giám sát. Ảnh: Q.T

Trên địa bàn huyện có 3 dự án thủy lợi, thủy điện ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp, gồm: Đập thủy lợi hồ chứa nước Tân Sơn, Thủy điện Hà Tây và Thủy điện Sê San 3A. Trong đó, 2 dự án (Đập thủy lợi hồ chứa nước Tân Sơn và Thủy điện Hà Tây) chỉ ảnh hưởng một phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân, doanh nghiệp, đất lâm nghiệp không có rừng và đã được các chủ đầu tư thực hiện hỗ trợ, bồi thường bằng tiền mặt theo yêu cầu.

Còn dự án Thủy điện Sê San 3A phải thực hiện di dời và quy hoạch bố trí lại đất tái định cư cho 155 hộ dân làng Dip, xã Ia Kreng. Cụ thể, tại khu định cư các hộ dân được đền bù, hỗ trợ hơn 5,2 tỷ đồng. Trong đó, đền bù nhà cửa, vật kiến trúc hơn 74,4 triệu đồng; đền bù về cây cối, hoa màu hơn 617,7 triệu đồng; hỗ trợ ổn định đời sống hơn 765,6 triệu đồng; hỗ trợ ổn định sản xuất gần 3,4 tỷ đồng; hỗ trợ khác hơn 433 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị chủ đầu tư còn trực tiếp xây dựng 155 ngôi nhà cấp IV với diện tích 45 m2/nhà và các công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, trường, trạm, nhà rông, công trình nước sinh hoạt… để người dân ổn định ổn định nơi ở mới.

Tuy nhiên, hiện nay đời sống của người dân làng tái định cư Dip còn gặp nhiều khó khăn, hàng năm phải nhờ nhà nước hỗ trợ cứu đói. Người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng do địa hình đất sản xuất đồi núi, đá sỏi, cằn cỏi, bạc màu nên năng suất đạt thấp. Bên cạnh đó, do không có đường vào khu sản xuất nên nhiều diện tích bỏ hoang không sản xuất được; tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô... Do đó, tỷ lệ hộ nghèo của làng còn khá cao, toàn làng có 130 hộ nghèo, chiếm hơn 52%; 75 hộ cận nghèo, chiếm hơn 30%. Thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2017 chỉ đạt 11,5 triệu đồng/người/năm, thấp hơn so với mức thu nhập bình quân chung của người dân các xã khác trên địa bàn huyện gần 10 triệu đồng…

Quang Tấn 

Có thể bạn quan tâm