(GLO)- Một ngày cuối năm, chúng tôi được các anh ở Văn phòng UBND thị xã Ayun Pa cho đi thăm thú ở Suối Đá (cả Suối Đá 1 và Suối Đá 2) cách trung tâm thị xã khoảng 7 km về hướng Tây, nằm trên tỉnh lộ 668.
Đến đây thì tôi lại nhớ về một kỷ niệm khó quên: Hồi những năm 90 thế kỷ trước, tôi còn làm phóng viên và thường xuyên đi công tác về vùng vựa lúa lớn nhất Tây Nguyên-Ayun Pa. Tôi và anh Ba Cẩm (Trưởng phòng Tài chính huyện Ayun Pa bấy giờ) tranh thủ lúc rỗi rảnh đi ngắm lại các vùng thắng cảnh của Ayun Pa trước đây như: Bến Mộng, Thung lũng Hồng, Suối Đá… những cái tên mà chỉ mới nghe thôi cũng đủ hấp dẫn rồi. Thời điểm ấy, Ayun Pa vẫn còn là điểm nóng FULRO nên chúng tôi hết sức cảnh giác mỗi khi đi cơ sở.
Ảnh: Thanh Phong |
Ngày đó, anh Ba Cẩm đưa tôi và một số anh em trong huyện đi picnic ở Suối Đá (bấy giờ chưa có Suối Đá 2-cách Suối Đá 1 khoảng 3 km nên gọi chung là Suối Đá). Xuất phát khoảng 10 giờ sáng từ thị trấn huyện, đi xe Jeep khoảng 15 phút trên con đường đất hoang sơ và để xe lại bìa rừng, chúng tôi lội xuống các bậc đá khoảng chừng 1 km là gặp con suối chảy qua các ghềnh đá nhấp nhô tạo thành một khung cảnh rất đẹp, nên thơ.
Chúng tôi dừng lại nơi có nhiều vũng nước đọng trong vắt để bơi lội, tắm táp. Vui chơi thỏa thích xong, chúng tôi dùng cơm trưa tại chỗ do anh em tự mua sắm ở nhà, có cả mồi và bia rượu. Nghỉ ngơi tại chỗ cho đến gần đầu giờ chiều, anh em lại trở về huyện để làm việc. Vừa về đến huyện thì anh Ba Cẩm được người dân mật báo là có toán FULRO đang quẩn quanh gần Suối Đá. Anh em trong nhóm picnic hôm ấy giật mình, nhìn anh nào mặt mày đều thất sắc. May quá, chúng tôi đã về kịp thời không thì có lẽ đụng độ với toán phỉ này rồi. Và chẳng biết việc gì sẽ xảy ra sau đó trong khi trong tay không một tấc sắt?!
Bây giờ trở lại nơi xưa chúng tôi cảm thấy bình yên, nhẹ nhõm, thỏa thích ngắm nhìn cảnh vật bao đổi thay. Đây là một trong những địa chỉ được thị xã Ayun Pa đưa vào kế hoạch đầu tư để phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên vì điều kiện trong những năm gần đây nền kinh tế cả nước đang gặp khó khăn nên việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này cũng gặp nhiều trở ngại. Suối Đá 2 là điểm mới được phát hiện và hình thành điểm tham quan, du lịch do một hộ tư nhân đăng ký với xã để đầu tư, quản lý nằm trong chuỗi du lịch Suối Đá.
Cũng như Suối Đá 1, nơi đây cũng là đá với đá, chung quanh là rừng khộp thưa thớt. Không biết, có ngụ ý gì với khu thiên nhiên kỳ thú này, người quản lý khu Suối Đá 2 đã sưu tầm mấy chục cái cối đá cũ đem về trưng bày ngay cổng vào khu du lịch (xem ảnh). Mùa này Suối Đá 2 nước còn đục, chảy rì rào qua bao ghềnh đá. Phía trên có một thác nước phủ toàn đá, cao độ 3 mét. Những dòng nước bạc rơi như pháo hoa trông thích mắt. Phía dưới thác là một vực thẳm khá sâu, người ta bắc một chiếc cầu treo bằng tre nứa chông chênh khiến ai đi qua cũng rùng mình. Nhưng đó là cảm giác thú vị khi con người muốn khám phá tự nhiên.
Ảnh: Bùi Quang Vinh |
Khu du lịch được khai thác dọc theo triền suối đá nơi đây kéo dài khoảng 1.000 mét trong một không gian hẹp với bốn bề là đồi núi với cây cối che bóng. Người ta can thiệp bằng cách xây các bậc cấp bằng đá tại chỗ gắn kết với xi măng, làm các cây cầu nhỏ bằng bê tông để du khách qua lại ở chỗ vực cạn, thiết lập các chòi nhỏ bằng tranh tre ven triền đồi để có thể 3-5 người ngồi nghỉ ngơi, ăn uống nhẹ; có khu vệ sinh dành riêng cho khách tham quan.
Nhìn tổng quan, sự bài trí tuy có kế hoạch nhưng tính chuyên nghiệp chưa cao, thiếu thẩm mỹ; sự đầu tư còn ít ỏi, thô sơ. Để khu thiên nhiên Suối Đá (cả Suối Đá 1 và 2) đi vào hoạt động chuyên nghiệp, thu hút du khách thập phương, chúng ta còn phải làm nhiều việc và có sự can thiệp của ngành du lịch tỉnh. Trong tương lai, cần có một đề án kết nối các khu du lịch ở Ayun Pa với các loại hình du lịch khác nhau trong khu vực. Đặc biệt, các khu du lịch tự nhiên như Suối Đá, Thung lũng Hồng, Bến Mộng cần phải giữ lại các nét đẹp nguyên sơ của thiên nhiên ban tặng, không được phá vỡ cảnh quan môi trường.
Cái đẹp tự nhiên là một vốn quý của tạo hóa mà con người cần biết tôn trọng, giữ gìn, kể cả người quản lý và khách du lịch, tham quan. Ngày nay khi nền văn minh nhân loại đạt đến đỉnh cao thì con người lại muốn tìm về với thiên nhiên, sống hòa hợp, gắn kết hơn với những gì vốn có. Ayun Pa đang phấn đấu để khai thác tốt nhất những gì mình đã và đang có.
Câu thơ bạn tôi ngày ấy ghi tặng bên bờ Suối Đá, đến nay tôi vẫn còn nhớ:
Nằm khỏa thân nghìn năm bên suối/Đá lặng thầm úp mặt giấu tên/Dấu chân ai bên đời đánh thức/Mắt nai nhìn đá hát khúc thiên thai.
Bùi Quang Vinh