Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Lặng thầm phía sau cuộc chiến chống dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có dịp ngồi trò chuyện với y-bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai), tôi mới cảm nhận hết sự vất vả, những hy sinh thầm lặng của đội ngũ y tế nơi đây trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Bằng tinh thần trách nhiệm và tình cảm, họ xứng đáng là những chiến sĩ đi đầu trên mặt trận phòng-chống dịch bệnh.
1. “Nếu Nhà nước cần, Nhân dân cần, mình sẽ vẫn tiếp tục xung phong lên đường”, đó là tâm sự của dược sĩ Đàm Xuân Lực-1 trong số 18 y-bác sĩ của tỉnh Gia Lai lên đường chi viện cho tỉnh Bình Dương hồi giữa tháng 9-2021. Khi ấy Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh đang là tâm dịch của cả nước với số ca nhiễm và tử vong cao. Vượt qua tâm lý e ngại, anh Lực đã tình nguyện đăng ký tham gia. Có phần lo lắng bởi thể lực anh không được tốt, nhưng khi anh trình bày rõ lý do, nguyện vọng muốn giúp đỡ những người không may nhiễm bệnh, gia đình đã đồng ý, động viên anh lên đường.
Tham gia làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 3 (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), mặc dù đã rất cẩn thận, tuân thủ các quy định về phòng-chống dịch nhưng bước sang ngày thứ 16, anh Lực không may bị nhiễm bệnh. Trong phòng cách ly, điều trị anh đã khóc, không phải vì sợ mà vì thấy áy náy, cảm thấy mình có lỗi khi để gia đình phải lo, đồng nghiệp phải vất vả. Nhưng chính lúc này, tình cảm anh em đồng nghiệp đã trở thành động lực giúp anh vượt qua tất cả. Mọi người động viên, chăm sóc, giúp đỡ anh như người thân trong gia đình. “Cả đoàn thường nói vui, 18 y-bác sĩ giống như 18 anh hùng Lương Sơn Bạc. Tuy không họ hàng thân thích nhưng quan tâm nhau như anh em ruột thịt. Đây chính là động lực giúp tất cả vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ”-anh Lực tâm sự.
Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân. Ảnh: Vũ Chi
Sau 14 ngày cách ly, điều trị khỏi bệnh, anh lại cùng đồng nghiệp tiếp tục làm nhiệm vụ. Công việc hầu như không có giờ giấc cụ thể, mọi người chỉ luân phiên nhau nghỉ ngơi rồi tiếp tục làm việc vì lượng bệnh nhân điều trị quá đông. Trong khó khăn, hoạn nạn, y-bác sĩ và bệnh nhân trở nên thân quen gần gũi. Anh Lực nhớ nhất là trường hợp một cặp vợ chồng bị nhiễm Covid-19, người vợ đang mang thai tháng thứ 8, thường mệt mỏi, lo âu. Cùng với việc tích cực điều trị, các y-bác sĩ còn thường xuyên trò chuyện, động viên, tư vấn giúp họ cách tự chăm sóc bản thân và hỗ trợ cho nhau. Cảm động trước sự chăm lo ấy, sau khi khỏi bệnh xuất viện, vợ chồng họ vẫn thường xuyên liên lạc, hỗ trợ các y-bác sĩ trong đoàn. Ngày vợ sinh, người chồng gọi điện khoe em bé chào đời khỏe mạnh và không quên nói lời cảm ơn các bác sĩ. Những tình cảm ấy thực sự khiến cả đoàn cảm thấy ấm lòng.
Sau 43 ngày chiến đấu nơi tâm dịch, cả đoàn thực hiện cách ly 14 ngày trước khi trở về nhà. Anh Lực bồi hồi nhớ lại: Nửa đêm về tới khách sạn, thấy vợ đi xe máy, ngồi chờ trước cổng mà thấy thương. Những ngày vắng nhà, vợ anh vừa công tác, vừa chăm sóc 2 con nhỏ. Lặn lội đường xa, đêm hôm lên đón, anh Lực không khỏi xúc động trước tình cảm của vợ, cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Nếu không có một hậu phương vững chắc thì có lẽ anh đã không thể yên tâm lên đường làm nhiệm vụ chống dịch. “Chỉ cần nhìn thấy anh bình an trở về là em yên tâm rồi”-câu nói của vợ khiến anh Lực không khỏi mềm lòng trong ngày gặp lại. 
2. “Chị ơi cứu em với, em chết mất, em ngã dưới cầu thang, gần nhà xác”, câu nói đứt quãng vang lên trong điện thoại khiến bác sĩ Nông Thị Nhân-Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật/HIV/AIDS vội giật phăng dây truyền dịch đang cắm ở tay mình rồi vùng dậy lao đi, kịp dìu đồng nghiệp lên phòng cấp cứu. Đó không phải trường hợp duy nhất, nhiều y-bác sĩ vì quá vất vả trong cuộc chiến chống dịch đã ngất xỉu trong lúc làm nhiệm vụ, phải chuyển gấp vào cấp cứu. Thương anh em đồng nghiệp nhưng chị cũng chỉ biết động viên mọi người cùng cố gắng. “Mình tuyến đầu chống dịch mà ngã quỵ thì bà con biết bấu víu vào ai. Thế là hôm sau, tất cả xốc lại tinh thần, tiếp tục làm nhiệm vụ”-bác sĩ Nhân trải lòng.
16 năm trong nghề, chưa cuộc chiến nào chị thấy gian khổ như cuộc chiến chống Covid-19. Chồng làm tài xế xa nhà, ông bà nội ngoại đều ở dưới quê, hơn 1 năm qua, 2 đứa con 8 tuổi và 4 tuổi gần như khép kín trong 4 bức tường. Chúng tự cơm nước, chăm sóc lẫn nhau bởi công việc đòi hỏi chị đi ra khỏi nhà khi trời chưa sáng và trở về khi đêm đã về khuya. Là đầu mối công tác liên quan đến dịch Covid-19 từ lập kế hoạch, truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, quản lý F0 khiến chị Nhân không còn biết đến thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ hay ngày Tết. Mỗi khi nhận được thông tin F0 từ trên tỉnh báo về, cả đội lại lập tức lên đường truy vết xuyên đêm nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh. Nhiều F0 không nhớ rõ lịch trình khiến công việc càng thêm vất vả. Chị nhớ nhất có lần cả đoàn phải vượt hàng chục cây số lên rẫy để xét nghiệm cho một trường hợp F1. Khi đi trời nắng, lúc về đã khuya, mưa tầm tã, anh em lội bộ, đường trơn, té ngã thâm tím khắp người.
Bác sĩ Nông Thị Nhân (thứ 2 từ trái sang) trực tiếp xuống từng thôn làng tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: Vũ Chi
Để tạo miễn dịch cộng đồng, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, chị cùng các y-bác sĩ của Trung tâm phải xuống từng thôn làng, hỗ trợ trạm y tế các xã, thị trấn tiêm vắc xin cho bà con. Ban đầu, chưa thông suốt, một số người không hợp tác, gây khó khăn, chị phải nhờ lực lượng Công an can thiệp giúp. “Đuối, mệt, áp lực lắm nhưng mình là Trưởng khoa, phải đi đầu. Niềm mong mỏi lớn nhất của chúng tôi là bà con hợp tác chung tay cùng đội ngũ y tế chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh”-bác sĩ Nhân trải lòng.
Bác sĩ Phạm Chí Quang-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện-cho hay: Trực tiếp tham gia truy vết, xuống từng thôn, làng vận động người dân tiêm chủng mới cảm nhận hết những vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Không chỉ những giọt mồ hôi mà còn cả nước mắt đã đổ xuống, nhưng vượt lên tất cả, đội ngũ y-bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện đã nêu cao tinh thần vì Nhân dân phục vụ với mong muốn dịch bệnh sớm qua.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm