Lang thang mũi Ba Làng An

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều nọ, biết tôi về Quảng Ngãi, bạn rủ đi mũi Ba Làng An chơi sau mấy bận lần lữa. Rồi thoáng chốc trong đầu là những mường tượng về địa danh ấy, rất quen, rất gần mà nhiều khi tựa hồ… xa xăm.
 

 

Nếu có điều kiện nhìn từ trên cao xuống, mũi Ba Làng An (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) như dải đất nhô ra ngay khúc biển cong cong quẹo quẹo. Tôi và anh bạn đến đó vào buổi chiều, khi bầu trời vùng ven biển như được pha trộn ít nhiều sương nên ánh vàng nhiều khi dùng dằng mãi không thắm được, mà cũng không vàng vọt được, trước khi lịm đi để dần chìm vào tối. Buổi chiều cứ thế xuống nhẹ nhàng trong tiếng rầm rì của sóng biển hoặc đôi khi là tiếng chim líu lo.

 Vẻ đẹp thơ mộng của bãi biển ở mũi Ba Làng An. Ảnh: Xuân Thọ
Vẻ đẹp thơ mộng của bãi biển ở mũi Ba Làng An. Ảnh: Xuân Thọ



Băng qua những điều rất tình ấy, chúng tôi đến một ngôi nhà màu trắng, có dòng chữ màu đỏ: “Trạm đèn biển Ba Làng An”. Khoảng sân trước nhà có cây bàng rất to, từ đó phóng tầm mắt ra phía trước là biển. Biển chạy một mạch từ trong bờ ra, vút thẳng đến xa khơi đường chân trời, xanh thăm thẳm. Phía thăm thẳm gần như vô định ấy là những cơn tròng trành trên sóng gió của bao đời ngư dân làng chài. Trong bờ, rõ hơn là những chiếc thúng đang được ngư dân neo lại; những rặng san hô, bãi đá ngầm thấy rõ qua mặt trước trong.

Tôi chếch nhìn qua góc phải, nơi vài ba cô gái đang nô đùa cùng nước. Các bạn tôi bảo: “Biển ở Ba Làng An, nếu chịu mở lòng sẽ thấy rất thương và gần gũi”. Còn tôi, trong phút giây ngắm các thiếu nữ thì nghĩ bãi biển hệt như bờ thơ, rất mộng! Nên tôi cứ ở mãi đấy, sau đó mới leo lên ngọn hải đăng được xây từ thời Pháp. Từ trên ngọn hải đăng, tầm mắt được phóng ra bao la hơn. Rồi dừng, rất lâu, trước những phút giây một ngư dân chèo thúng khéo léo né từng đợt sóng bổ vào bãi đá trên đường ra khơi.

Những ý nghĩ về biển trong đầu tôi ngày một nhiều thêm, dù không theo một ý niệm hay trật tự tuyến tính nào. Và nhớ về những dòng tư liệu đã đọc đâu đó rằng cùng với đình làng An Vĩnh ở Lý Sơn, mũi Ba Làng An từ hàng trăm năm trước cũng đã chứng kiến bao lớp hùng binh giong thuyền thẳng tiến Hoàng Sa-Trường Sa. Ở đây, nếu cần sự minh định, nên nhớ rằng đội hùng binh ra đi từ mũi Ba Làng An là do nhân dân chủ động; còn Hải đội Hoàng Sa ở Lý Sơn là do triều đình lập nên.

Song, có một điều thú vị (cũng là đáng trách) đối với tôi khi mà một gã trai lớn lên từ đảo Lý Sơn đến giờ mới biết rằng, tiền nhân đã phát hiện ra đảo Lý Sơn từ mũi Ba Làng An, rồi làm cuộc vượt biển ra Lý Sơn sinh sống. Những dòng sử liệu như thế rất nhiều và cần có thêm thời gian để tìm hiểu thì mới đủ đầy được. Nên tự dặn mình rằng sẽ cố tìm hiểu sau, trước khi rời ngọn hải đăng để đi xuống bãi biển gần đó. Ở một góc biển chiều có những nhóm ngư dân tụ họp, hoặc chuẩn bị ra khơi, hoặc vừa mới vào. Phía bên trong là một số hàng quán; xa xa chút nữa ở vòng cung cánh phải của bãi biển là một số bạn trẻ thư thái ngồi chơi, thi thoảng đùa nghịch cùng nước...

XUÂN THỌ

Có thể bạn quan tâm