Phóng sự - Ký sự

Làng Vân, một thập kỷ rời xa chân sóng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Vậy là hơn 10 năm, kể từ ngày bà con rời ngôi làng bé nhỏ dưới chân đèo Hải Vân vào sống trong khu nhà liền kề tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Ngày đi, những giọt nước mắt ngắn dài khắc khoải nhớ thương từng mái ngói mảnh vườn. 'Vào trong ấy biết sống kiểu răng, mần chi ăn chớ? Ai cũng hỏi rứa cả. Bây chừ thấy tụi nhỏ sáng ra tung tăng đi học, thanh niên đi làm, nhà cửa đường sá đèn điện sáng trưng. Mừng lắm', ông Ái trải lòng.

Họ là những người bị bệnh phong sống trong ngôi làng biệt lập bên chân sóng ở phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) suốt mấy chục năm. Năm 2012, toàn bộ dân làng Vân được di dời để hòa nhập cộng đồng.

Học đủ thứ, tiện bao đường

Tôi còn nhớ như in cái Tết Nguyên đán đầu tiên của bà con làng Vân ở khu nhà liền kề vào đầu năm 2013. Những căn nhà màu xanh tinh tươm, sáng sủa san sát nhau. Lũ trẻ con nô đùa trước con đường phả mùi nhựa mới, người lớn nao nức treo tờ lịch đón Tết. Mùa xuân đầu tiên rạo rực đến thế. Lần này quay lại, hàng cây đã cao quá mái tôn, những căn nhà ngày nào “trần trụi” giờ đã có cổng, hàng rào kiên cố.

Xa khu làng biệt lập dưới chân đèo, các em nhỏ hòa nhập với cộng đồng, mở mang tầm mắt Ảnh: Thanh Trần

Xa khu làng biệt lập dưới chân đèo, các em nhỏ hòa nhập với cộng đồng, mở mang tầm mắt Ảnh: Thanh Trần

Anh N.A. (49 tuổi) loay hoay sửa lại chiếc xe đạp cho con đi học, xong cầm bàn đạp quay một vòng, dây xích chạy ngọt, anh chậc lưỡi: “Tụi nhỏ sướng quá, đi học gần xịt, đứa nào cứng cứng không cần ba mẹ đưa đón nữa. Thời của tui ở ngoài làng chỉ có trường cấp 1, học xong đùm khăn áo gạo muối vào trong này ở trọ. Nhớ nhà thì lội đường núi, hoặc chờ ba mẹ bơi thúng vô đón về, cực lắm”.

Hàng xóm quanh đó ngậm ngùi, nhớ như in vì nhà nghèo khó, không thuê được phòng cho con, chỉ xin ở nhờ nên cứ năm bữa nửa tháng vui thì người ta cho ở, bực bực là đuổi con mình đi. Quặn cả ruột gan. Anh A. tiếp lời, vào đây con mới có điều kiện đi học thêm ngoại ngữ, năng khiếu, được mở mang tầm mắt, cọ xát với môi trường nhiều màu sắc, nhiều đỉnh cao cần chinh phục hơn.

Câu chuyện đang dở dang, cô con gái đầu của anh về, tôi xin phép chụp tấm ảnh thì anh cản lại. “Mình thì chẳng sao cả, đã quen với cuộc sống ở đây và hòa nhập rồi. Nhưng cháu còn nhỏ, lỡ bạn bè cháu chưa nhận thức được, vô tình kêu “nhà nó ở xóm làng Vân, làng phong” thì tổn thương cháu lắm”, anh nói và dặn tôi đừng đưa hình, giấu tên giúp bà con trong xóm.

Một góc làng Vân dưới chân đèo Hải Vân. Mùa nắng ráo, thỉnh thoảng có vài nhóm bạn trẻ tìm tới đây cắm trại, vui chơi. Ảnh: Thanh Trần

Một góc làng Vân dưới chân đèo Hải Vân. Mùa nắng ráo, thỉnh thoảng có vài nhóm bạn trẻ tìm tới đây cắm trại, vui chơi. Ảnh: Thanh Trần

Trời tháng 10 Đà Nẵng bắt đầu chuỗi ngày mưa bão, vô tình khơi lại thước phim những ngày cách trở nơi khu làng lưng tựa núi mặt hướng biển. Ông Đỗ Ngọc Ái, người gắn bó với làng Vân mấy chục năm, nay là Phó Ban Công tác mặt trận chi bộ 11 phường Hòa Hiệp Nam không đếm xuể bao nhiêu người bị ốm phải khiêng cáng vượt đèo, chèo thúng vượt biển vào phố cấp cứu. Có sản phụ chuyển đi không kịp đẻ ngay ở đường ray.

“Ngoài đó có trạm xá, chỉ lo cho mấy ca trầy xước, phát thuốc đau đầu, đau bụng. Chớ bị thương, ốm nặng là cả làng ới nhau khiêng đi. Tui ớn nhất mấy bận trời mưa gió, ướt nhèm, đường như xối mỡ. Mình tội một, người bệnh tội mười”, ông rùng mình. Còn bây giờ, như lời ông nói, “nghe nhói cái bụng bấm số là có xe chờ sẵn trước nhà”, đi viện cấp cứu, đi mua thuốc trong “ba nốt nhạc”.

Lớp người già như ông Ái còn vui vì thế hệ của con, cháu không còn cách trở địa lý mà xóa nhòa cả khoảng cách xã hội. Từ chỗ dân cư xung quanh ngày nào phản ứng dữ dội khi biết khu nhà liền kề cho “dân làng phong” mọc lên, nay những cuộc vui, ngày hội nào cũng đoàn kết, thắm thiết với nhau. Ông Lê Tấn Cư, cán bộ văn hóa, xã hội phường Hòa Hiệp Nam nói rằng dịp Tết, trung thu, ngày hội đại đoàn kết dân tộc, ngày quốc tế phụ nữ….chính quyền và người dân đều đến khu nhà của bà con để sinh hoạt, liên hoan, vui như hội.

“Từ lúc dịch COVID-19 đến giờ, do khó khăn nên các đoàn từ thiện ít ghé tới đây hơn. Tôi vẫn mong những mạnh thường quân đến để sẻ chia với những hộ khó khăn, nhất là những người già, vừa vật chất, vừa tinh thần”, Ông Đỗ Ngọc Ái, Phó Ban Công tác mặt trận chi bộ 11, phường Hòa Hiệp Nam

“Cày cuốc” vì ngày mai

Buổi sáng, cả dãy nhà im ắng, chỉ có người già ở nhà. Họ chịu di chứng của bệnh phong, không lao động được và đang hưởng trợ cấp xã hội. Còn lớp thanh niên, trung niên, mỗi người tản một phương làm việc. Hai anh em anh L.V. (37 tuổi) vừa xong chuyến thúng buổi sớm mai, bán hết cá, ngồi nghỉ trước hiên nhà. Anh V. người rắn rỏi, da nhuốm nắng, vào đây đã chục năm nhưng vẫn giữ nghiệp biển.

Trừ hôm trời mưa gió đành bó gối, không thì ngày nào hai anh em cũng làm một chuyến thật sớm, kiếm mớ cá tôm về bán lấy tiền. Anh nói, ở ngoài kia đi biển thuận lợi, đánh bắt dễ hơn, còn trong này gió lớn, khó đi, cá cũng ít. “Nhưng dẫu sao, mình vẫn có việc, vợ làm công nhân nữa, gom góp tằn tiện vẫn đủ sống”, anh cười vui. Trong xóm, độ chục người còn thúng lưới bám biển như anh, cũng chừng đó người đi làm công nhân, hoặc thợ đụng.

Khu nhà liền kề của người dân làng Vân có hơn 80 hộ. Những căn nhà san sát nhau, được đưa vào sử dụng vào năm 2012 với một phòng khách, hai phòng ngủ. “Bây giờ không ai gọi là xóm làng phong, làng Vân cả, mà gọi là tổ dân phố số 9. Điều đó chứng tỏ người ta đã không còn kỳ thị, phân biệt bà con nữa rồi”, ông Lê Tấn Cư, cán bộ UBND phường Hòa Hiệp Nam.

Anh N.A. vừa làm công nhân vừa làm thợ điện nước, vợ là dân công sở nên cuộc sống thuộc vào nhóm khá nhất ở khu này. Căn nhà anh lát gạch láng bóng ra tận ngoài hiên, bên trong bàn tủ, ti vi… đủ đầy, phòng nào cũng ngăn nắp. Chẳng cần hỏi cũng biết cuộc sống đang ổn thỏa nhường nào. Anh chẳng giấu giếm, chẳng ngại ngần bảo vợ chồng anh làm quần quật, ai gọi gì làm đó. Bao năm qua anh không dám tiêu một đồng vào rượu bia, cà phê, thuốc lá, tằn tiện để lo cho cả nhà.

Nếu không có cuộc di dân lịch sử 10 năm trước thì những người ở làng Vân như anh A. và lớp trẻ dưới chân đèo cũng phải di tản để tìm kế sinh nhai. Ngặt nỗi, như lời họ phân tích, cày cuốc è đầu, hàng tháng đắp vào tiền trọ, tiền điện nước, tiền cơm đường cháo chợ, cuối tháng còn có mấy đồng, chẳng nên chuyện gì cả. Từ lúc có nhà cửa ở đây, họ không phải tốn khoản thuê trọ, tới bữa có thể tạt về nhà ăn vội bát cơm cho đỡ tốn kém.

Tiền từ đó mà dư. Cũng còn một vài người trong thời buổi khó khăn chưa tìm được việc, nhưng khi được hỏi nếu được lựa chọn lại, mọi người có còn muốn vào đây nữa không? Họ vẫn gật đầu, bởi cuộc sống không thể mãi quẩn quanh nơi khu làng biệt lập, cháu con họ cần đi nhiều hơn, học nhiều thêm và hòa nhập càng nhanh càng tốt. “Mình chấp nhận chịu khổ, lao đao thời gian đầu để con mình ngày mai sống tốt hơn. ”, anh N.Q. (34 tuổi) trải lòng.

Có thể bạn quan tâm