Báo xuân

Làng Xơ Đăng dưới chân núi Chư Châu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ trụ sở UBND xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah), băng qua hết đoạn đường quanh co xanh mướt sắc chè, Ea Luh đón tôi trong hơi sương se lạnh. Tựa lưng vào dãy Chư Châu xanh thắm, hướng mặt đón những giọt nước ngọt lành, vắt trong từ hồ Ea Luh quanh năm nhìn thấu đáy, suốt trong bốn, năm mươi năm kể từ khi về Ea Luh lập làng đến nay, ngôi làng của hơn 100 nếp nhà đồng bào Xơ Đăng vẫn giữ được vẻ yên bình, dung dị, đẹp hiền hòa như một bức thủy mặc hữu tình.

Già Hđung-người có gần 10 năm trong cương vị già làng, đón tôi ngay tại cổng làng. Chiếc cổng làng đơn sơ, mấy mùa đón gió đẹp hơn trong hương xuân mới, tung bay sắc cờ.
 

Ảnh: Thu Huế

Già Hđung cho biết, kể từ khi cha ông của những người lớn tuổi trong làng hiện nay như: Pôn Van, Ra Lan Chun, A Pan, Hviêng, Ngôi, Nôm…-khi ấy còn là những chàng trai, cô gái mạnh mẽ, có tiếng nói của núi, có bước đi của rừng, xa làng cũ ở Tu Mơ Rông, Đak Tô (Kon Tum) để làm những công nhân chăm chỉ trong đội chăm sóc chè của Công ty Chè Biển Hồ hồi những năm 30, 40 thế kỷ trước; nương đất Chư Châu, nhờ dòng nước ngọt trào ra nơi đầu nguồn con suối Ea Chông gieo lúa; chụm tay dựng vài ba bếp lửa gầy dựng cuộc sống mới tới nay, Ea Luh vẫn thiếu vắng những mái nhà sàn, mái nhà rông và những giọt nước truyền thống.

Giọng già Hđung thoảng chùng lại: “Cuộc sống những năm đầu không chỉ vất vả mà còn buồn nữa. Thiếu nhà rông, thiếu giọt nước nên những hoạt động mang đậm phong tục tập quán của đồng bào cũng dần ít lại. Lâu rồi làng chưa tổ chức được những lễ quan trọng trong năm như lễ giọt nước, lễ ăn lúa mới và lễ lấy lúa mới; nhưng già đã quyết rồi, thế nào làng cũng tổ chức những lễ đó một lần, có thể là vào năm sau, khi bông lúa bắt đầu chín…”.

Vào làng lúc sáng sớm, tôi đã nghe tiếng tí tách reo vui của củi lửa từ trong từng gian bếp nhỏ, tiếng í ới gọi nhau đi hái chè, hái cà phê của các mẹ, các chị; chốc chốc lại vang vang tiếng cười đùa trẻ nhỏ trên đường đến trường.

Dừng chân ghé nhà Trưởng thôn Kpa Hon. Anh Hon vừa từ phố về, tiếng cười thơm màu nắng, anh nói: “Mình mới tới Công ty Điện lực làm giấy tờ cấp điện 3 pha cho nhà thờ của làng, việc rất thuận lợi. Sau Tết chừng hơn 1 tháng, bà con giáo dân Ea Luh sẽ tổ chức đón mừng ngôi nhà thờ đầu tiên”.

Kpa Hon là chàng trai Jrai, vì cảm mến vẻ mặn mà và sự nết na của cô gái Xơ Đăng Y In mà nên vợ nên chồng. Hai vợ chồng, con lớn đã biết đi học nghề, đứa nhỏ còn đang lẽo đẽo theo mẹ, thu nhập chủ yếu từ 450 gốc cà phê, chưa kể 1,5 sào cà phê làm theo mô hình liên kết với Công ty Chè Biển Hồ; vài năm trở lại đây thì học theo bà con trong làng đi thuê ruộng ở làng Bui, làng Nhin làm thêm lúa nên kinh tế cũng bớt đi phần nào những khó khăn. Ea Luh giờ ngoài những gia đình có người làm công nhân tại Công ty Chè Biển Hồ, còn có 34 hộ làm cà phê liên kết, 80 hộ được cấp đất trồng cà phê, số gia đình có từ 4 đến 5 sào cà phê cho năng suất cao như: Gi Bek, Mat, Hviêng cũng không còn là hiếm nữa.

Nghe lao xao tiếng chuyện trò bên sân hàng xóm, mí Y Pan nãy giờ chăm chú phơi mảnh pon tơ kuai (khăn choàng) chợt mỉm cười nhìn sang. Là người có đôi bàn tay dệt nên những tấm thổ cẩm đẹp nhất làng, cụ bà 95 tuổi này gần như chưa có một ngày nào rảnh việc, hết quẩn quanh việc nhà, trông cháu rồi lại dành thời gian bên khung dệt. “Mí già rồi nên giờ không ngồi dệt được lâu nữa nhưng vẫn cố gắng để truyền nghề cho con cháu. Thấy bọn trẻ học nhanh, mí cũng mừng”. Nói rồi, mí Y Pan lại cười-tiếng cười ấm lạ. Chúng tôi cũng cười, rồi không ai bảo ai, tất cả đều nhìn về phía dãy Chư Châu xanh ngút mắt. Ở đó, nắng đang rất vàng và gió rất trong…

Thu Huế

Có thể bạn quan tâm