Phóng sự - Ký sự

Lão già làng thương chiếc áo vỏ cây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để có từng xơ sợi đập giập, lão già làng thường tìm về nơi đầu nguồn suối tỉ mẩn lần từng nút sợi để dệt áo, để rồi mơ tưởng trăm năm về những điệu vũ dâng trời của trai gái nơi miền rừng này.

Rừng cho cây, cho áo

Ở cái “tuổi của trời”, ông lão vẫn đóng khố vào rừng tìm loài cây dệt áo. Lũ trẻ không còn thích áo vỏ cây, nhưng đó là văn hóa, là hồn cốt nghìn đời, dễ gì lão quên được. Đã 80 tuổi, nhưng đôi mắt già Cơlâu Blao vẫn sáng quắc, ánh lên sự tinh anh, vết dấu thời gian hiển hiện trên tóc, trên làn da đã mỏi mệt theo năm tháng, nhưng già vẫn đóng khố, vác con dao đi rừng và trên vai đeo tà léc lẳng lặng đi vào rừng. Đến bờ suối, già dừng lại, mài con rựa. Nhìn xuống lòng suối, già khoát tay, nói vài câu bằng tiếng Cơ Tu. Lũ làng dừng lại, tỏa đi xung quanh, nhặt đá đắp một con đập. Nhiều người tiến lại gốc cây gần đó, rọc một đường lấy vỏ, đập giập.

Già làng Cơlâu Blao chơi đàn trong nỗi nhớ mênh mang núi rừng.

Già làng Cơlâu Blao chơi đàn trong nỗi nhớ mênh mang núi rừng.

Ai nhớ được già Cơlâu Blao nơi thung lũng làng Voòng (xã Tr’hy, huyện Tây Giang, Quảng Nam) đã bao nhiêu năm đóng khố, đi cùng những người Cơ Tu trong trang phục truyền thống, băng rừng trên chính con đường mòn người dân vẫn hay đi, làm những việc mà họ vẫn thường làm trong đời sống là bắt cá suối, bứt mây, săn dúi, lấy vỏ cây dệt áo. Phía thăm thẳm đại ngàn, có biết bao câu chuyện huyền thoại và bí ẩn dưới tán rừng, trong trí nhớ đã ít nhiều phai nhạt của những già làng. Chuyện dệt áo vỏ cây như cái cách cha ông ngàn đời trước vẫn làm khi sống giữa rừng, ăn nhờ rừng và nằm xuống với rừng đều rất trịnh trọng. Phải mất cả ngày đi bộ, băng rừng lội suối mới vào đến nơi có cây phù hợp để bóc vỏ. Phải chọn cây to, có đoạn vỏ dài từ 2 m trở lên mà không bị xước, thủng hay bị côn trùng cắn phá mới có thể làm được một thân áo đẹp.

Vỏ cây sau khi được lấy từ rừng mang về, phải nấu nước sôi ngâm trong nồi với nhiều loại cây lá khác để chống mối mọt, chống mốc và giữ hương thơm cho áo. Khi vỏ cây đến độ dệt, sẽ dùng sừng hoặc dao tỉa sợi. Điều đặc biệt là khi tỉa tót các sợi phải cho bằng phẳng tương ứng với từng lứa tuổi. Để làm xong một chiếc áo đẹp, có khi phải mất hơn 30 ngày đêm.

“Để làm được áo vỏ cây phải tìm tới các loại thân dây như Đhin, Đhul, Đzi Abâm, hay các loại dây leo như Zilang, Cơlơm... sẽ là lựa chọn tốt nhất. Áo còn có thể làm từ những loại cây có thân gỗ như Ta coỏng, A mớt, Đha my, Ta đuh, Chơr za giang. So với những trang phục bằng bông vải thì áo vỏ cây ấm hơn. Loại trang phục này không tổn hại đến môi trường, bởi thông thường đồ mặc phải nhuộm thuốc, còn áo vỏ cây thì không nhuộm thuốc.Không chỉ làm áo, vỏ cây còn được đồng bào Cơ Tu nơi đây làm thành váy, khố, mũ... dùng để sinh hoạt hằng ngày”, già Cơlâu Blao giảng giải.

Theo chia sẻ của vị già làng thì phía trong áo phải được mài nhẵn để không gây ngứa ngáy, tổn hại đến da, phần ngoài thường được để sần sùi. Người Cơ Tu trước đây rất thích mặc bộ đồ này, nhất là khi đi sắn bắn để đôi tay được thoải mái. Còn vào mùa đông thì họ kết thêm vỏ cây vào để tấm áo dày thêm mới giữ ấm được cơ thể.

Già Cơlâu Blao cùng học trò khoác bộ áo vỏ cây.

Già Cơlâu Blao cùng học trò khoác bộ áo vỏ cây.

Chiếc áo như linh hồn của người Cơ Tu vậy. Vào các dịp lễ hội như Tết, lễ đâm trâu, mừng lúa mới, lễ kết nghĩa giữa hai làng anh em... những tấm áo này được già làng và một số nam nữ thanh niên mặc vào múa điệu Tung tung Da dá truyền thống của người Cơ Tu vang vọng giữa núi rừng. Thời gian qua, áo vỏ cây được nhiều người biết đến và tìm mua, đồng thời nhiều nhà sưu tập, nhà nghiên cứu văn hóa hay du khách nước ngoài cũng rất thích sản phẩm này. Một bộ áo quần từ lúc bóc vỏ đến ra sản phẩm khoảng 30 ngày với giá bán bộ nhỏ 500.000 đồng, bộ lớn 800.000 đồng. Tuy nhiên, số lượng rất ít bởi từ lâu áo vỏ cây chỉ còn là một vật phẩm để nhớ về những điều đã cũ.

Vằng vặc phía núi

Trên thung lũng làng Voòng, đỉnh núi Đh’hy thấp thoáng dưới màn sương lãng đãng phủ lên những mái nhà của đồng bào Cơ Tu. Già Cơlâu Blao tỉ mẩn nâng niu chiếc áo vỏ cây và kể chuyện, già là Nghệ nhân ưu tú cấp quốc gia loại hình di sản Tri thức dân gian của Quảng Nam. Không chỉ thế, già là một người lính Cụ Hồ từng chiến đấu khắp miền Tây xứ Quảng, học bổ túc văn hóa rồi làm cán bộ y tế hồi chưa giải phóng, rồi cán bộ xã. Già cũng là người góp phần mở ra con đường phía Tây Trường Sơn để mở đường nối 4 xã vùng biên với xã Lăng về trung tâm huyện. Dường như, ở núi, có những người rất kỳ tài. Vì tài nên rất hiếm. Mà lạ lắm, như là rừng dồn hết ưu ái cho họ. Già Cơlâu Blao có lẽ là một người như thế.

Trong câu chuyện của già đầy những mảng chắp vá, không đầu không cuối nhưng nhuốm màu ký ức. Giờ đã ở “tuổi của trời”, già Cơlâu Blao cũng không còn đủ sức để đi rừng nhiều nữa, sức khỏe già cũng xuống dần theo những lần ngồi điêu khắc tượng gỗ Cơ Tu hay tìm vỏ cây làm áo. Nỗi thương nhớ của già vẫn hiển hiện với từng xơ sợi dệt áo, bởi bây giờ khắp vùng Cơ Tu chỉ còn một số ít người biết được nghệ thuật làm áo bằng vỏ cây, vì việc làm áo rất nhọc nhằn và tỉ mẩn. Người dệt áo phải đặt cái tâm mình từ việc vào rừng lột vỏ cây đến công đoạn bóc vỏ, khâu áo là cả một quá trình gửi gắm tâm hồn của người khâu áo đến với chiếc áo, điều mà người Cơ Tu xem như niềm tự hào của dân tộc mình.

Để làm được những chiếc áo vỏ cây là không hề đơn giản.

Để làm được những chiếc áo vỏ cây là không hề đơn giản.

Già dừng tay, nhìn xa xăm. Đôi mắt hướng về phía núi, như muốn thổ lộ những tâm tư, tình cảm chất chứa trong mình. Rồi lại trầm giọng kể về chiếc áo vỏ cây, về những đôi chim tring, những điệu hát lý, nói lý..., những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Cơ Tu. Già Cơlâu Blao từ vài năm nay sức khỏe không còn dẻo dai như trước, một đời sống giữa lòng rừng, già đã mải miết giữ cho rừng tất thảy và rừng cũng đã cho già, cho Cơ Tu mọi thứ. Thật khó để diễn tả niềm tin và tình yêu của già với rừng. Họ có một cánh rừng bạt ngàn, nguyên thủy ôm ấp, chở che cho ngôi làng qua bão dông. Từ rừng, họ có mọi thứ... Sống giữa rừng, người làng cần mẫn như những con ong, hiền hậu như những dòng suối và kiên cường như cổ thụ. Rừng nuôi người bằng mật ong, bằng sắn, bằng những rau rừng, cá suối.

Người Cơ Tu sống chan hòa với rừng, lấy vừa đủ để ăn, làm đủ để không thiếu lương thực. Sống và nằm xuống dính chặt vào rừng như ký thác số phận, như nương náu và gửi trao lấy sự sinh tồn. Giờ, nhiều người muốn làm áo vỏ cây lắm, nhưng phải giữ cho rừng. Người Cơ Tu không lấy thứ gì của núi rừng một cách triệt để và đoạn tuyệt. Chính vì thế mà hàng ngàn năm nay con người và thiên nhiên cứ dung hòa mãi và rừng vẫn xanh, nuôi nấng họ bao đời. Cây mất vỏ làm sao sống, làm sao bao bọc, chở che cho người làng qua bão dông. Thôi thì, đành hạn chế việc lấy vỏ cây dệt áo, rừng vẫn luôn là điều gì đó thiêng liêng nhất. Chiếc áo bằng vỏ cây dày, cứng và cồng kềnh như bản chất mộc của người vùng cao. Nhưng, cây hay áo cũng có linh hồn của rừng vậy.

Không kể chuyện về chiếc áo vỏ cây, không kể về những con suối hay cây rừng nữa, trong giọng nói tha thiết của già có chút gì đó dẫu nhiều lắm tự hào, nhưng lại đầy tiếc nuối. Có một điều an ủi, đó là người “nghệ sĩ” của làng Voòng này dù tuổi đời đã cao nhưng vẫn say mê chế tác các loại nhạc cụ, cùng các công trình điêu khắc truyền thống. Già biểu diễn hát lý, thổi khèn, đánh cồng chiêng, dáng phong sương mà cứng rụi, cái cười lành hiền, thoải mái, đặc biệt đôi mắt tinh anh.

Già trầm ngâm rồi lấy cây đàn H’jưl treo trên vách xuống chơi. Tiếng đàn vang lên từ trong mái nhà của già đều nhịp phách, miên man ấm với khói tỏa từ bếp lửa hòa theo giai điệu của lời bài hát “Người Cơ Tu ơn Đảng”. Mấy đứa trẻ Cơ Tu mê mẩn, đám thanh niên lặng im ngồi đứng cùng nghe như nuốt vào bụng mình từng lời gan ruột của già làng. Cả không gian như chùng xuống, những thanh âm đầy hứng cảm như được truyền sang khúc hoan ca như gọi mời cho từng người cùng men say của rượu Tr’đin giọt nồng, giọt mát.

Áo vỏ cây vẫn được sử dụng trong nhiều lễ hội của đồng bào Cơ Tu.

Áo vỏ cây vẫn được sử dụng trong nhiều lễ hội của đồng bào Cơ Tu.

Chủ tịch xã Tr'Hy - ông Cơlâu Rinh khẳng định, trong con mắt của dân làng Voòng, già Cơlâu Blao đã là “báu vật sống”, có nhiều đóng góp đối với công tác bảo tồn văn hóa cho cộng đồng Cơ Tu bản địa. Ông nổi tiếng thành thạo khả năng chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống Cơ Tu ở vùng núi Tây Giang. Hàng chục năm trước, cùng với nhiều già làng Cơ Tu khác, Cơlâu Blao xuất hiện ở khắp các cuộc hội làng của đồng bào vùng cao.

Tuổi như ông, bây giờ đi đâu đó là sự khó khăn. Đến lúc nào đó, người ta chỉ ngồi nhìn, nhìn thôi, không cần nghĩ, bởi mọi thứ rỗng không, nếu còn sót lại, là cái gì đó không thể quên được. Với ông, đó là gì, nhớ gì, có lẽ là nhớ núi. Chiều dần buông xuống, phía đại ngàn xanh thẫm lại với bóng núi như dang tay ôm lấy từng lớp người cách nhau nhiều khoảng lứa tuổi, để họ có thể đẫm mình với mẹ thiên nhiên mà giữ lại. Già Blao đã cất áo, cất đàn H’jưl tự bao giờ, như cất đi những nặng lòng với rừng, với những hoài niệm khao khát giữ lấy nếp văn hóa Cơ Tu sống dọc dãy Trường Sơn đầy kiêu hùng này.

Có thể bạn quan tâm