Phóng sự - Ký sự

Lão nông chăn bò ở ngã ba Đông Dương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ngã 3 Đông Dương là địa danh rất nhiều người Việt Nam mong một lần trong đời được đặt chân tới. Vậy nhưng tại nơi này, lão nông Hồ Xuân Vui, 65 tuổi, quê ở huyện Duy Xuyên lại “check in” suốt 25 năm nay cùng với đàn bò có lúc lên tới 300 con.

Ngã 3 Đông Dương là địa danh rất nhiều người Việt Nam mong một lần trong đời được đặt chân tới. Vậy nhưng tại nơi này, lão nông Hồ Xuân Vui, 65 tuổi, quê ở huyện Duy Xuyên lại “check in” suốt 25 năm nay cùng với đàn bò có lúc lên tới 300 con.

Ông Vui chăn bò ở ngã 3 Đông Dương. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Ông Vui chăn bò ở ngã 3 Đông Dương. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Nơi nghe tiếng gà 3 nước gáy

Ngã 3 Đông Dương nằm ở xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Đứng ngay ngã 3 này có thể nói chuyện với người dân và lực lượng bảo vệ biên giới ở Lào và Campuchia.

Mỗi khi tới khu vực giáp biên, lão nông Hồ Xuân Vui lại nói với những người lính Lào: “Bố bay tua hà ngua kinh nha”, tức là “Bố đi xem con bò ăn cỏ”. Gặp lính Campuchia thì lão nông lại nói “Bon tàu ma cô”, tức là “anh đi xem những con bò”.

Nhìn trên bản đồ điện tử google, xã Pờ Y có địa hình giống như một tam giác, trong đó cạnh phía tây bắc duỗi dài ra thêm một đoạn như chân của tam giác, đây là điểm nổi tiếng đối với người đi du lịch lên biên giới tỉnh Kon Tum vì gắn với địa danh mốc 3 biên, nơi nghe tiếng gà 3 nước gáy.

Tiếng địa phương “chừ, mô, răng, ni” của Quảng Nam, với ông Vui dường như đã... trôi bớt sau gần 25 năm vào vùng biên viễn để mưu sinh. Những ngày đầu tháng 12 này, vợ chồng ông Vui không có mặt thường xuyên gần khu vực cột mốc 3 biên để chăn dắt đàn bò.

Góc phía bên phải cột mốc là vùng đất thuộc tỉnh Attapeu, Lào, phía bên trái là thuộc tỉnh Rattarakiri, Campuchia. Ngay tại cột mốc đang diễn ra chuỗi sự kiện Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất.

Lão nông Hồ Xuân Vui bước thật mau giữa thôn Đắk Mế, xã Pờ Y để ra khu rẫy cà phê xanh tốt nằm gần ngã 3 biên giới. Lão rất vui khi chứng kiến sự kiện giao lưu biên giới.

Bởi quan hệ giữa các lực lượng bảo vệ biên giới của 3 nước tốt lên thì lão càng thuận lợi trong việc làm ăn. Suy nghĩ của lão cũng giống như nhiều người dân đang có nương rẫy cà phê, cao su bạt ngàn nằm ngay ở ngã 3 Đông Dương.

Ở vùng giáp ranh, công tác bảo vệ đường biên mốc giới do bộ đội biên phòng làm nòng cốt. Nhưng lực lượng này thực hiện chính sách biên phòng toàn dân, vì vậy những nông dân canh tác ngay ngã 3 biên giới, trong đó có lão nông Vui cũng trở thành những quần chúng tốt vừa làm ăn, vừa tham gia công việc “tai mắt” như những người lính khoác áo nông dân.

Những người lính bảo vệ biên giới phía Lào và Campuchia có cuộc sống thiếu thốn và khó khăn nhưng họ rất coi trọng tình người. Khi thấy ông Vui thì họ lại ra hiệu xin chào, chúc làm ăn thuận lợi. Ngày lễ, tết, lão Vui “xây dựng tình hữu nghị” bằng cách tặng hẳn con bê non để lực lượng bảo vệ biên giới của bạn liên hoan.

Dự án từ nhà rách

Lão nông Hồ Xuân Vui từng có đoạn đời buồn. Cuộc đời của lão ở quê nhà huyện Duy Xuyên là đoạn trường gian khổ. Lão từng là công nhân mỏ than Nông Sơn, từng ra miền Bắc để học và làm tại mỏ than Quảng Ninh.

Lão không nói nhiều về giai đoạn “bứt phá”, vượt qua đói nghèo của thế hệ thanh niên ngày đó là đi tìm trầm. Có những năm tháng đi khắp các cánh rừng, vào tận Tây Nguyên theo đuổi ước mơ làm giàu. Rồi tới lúc lão bị sạt nghiệp.

Lão nông Hồ Xuân Vui. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Lão nông Hồ Xuân Vui. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Năm 1999, lão dắt vợ và 4 người con lên tận vùng biên giới Kon Tum để lập nghiệp, trong lúc những người thân run run nói “chừ xứ đó sốt rét kinh lắm, đồi cũng trọc lóc vì bị chất độc da cam!”. Lão trấn an rằng, “năm 1984 tui đã băng qua vùng này rồi, giờ hai bàn tay trắng, phải liều chứ biết mần răng”.

Xã Pờ Y ngày đó thường thấp thoáng heo rừng, nai chạy trên rẫy. Lão chống cằm tiếp tục suy tính chuyện làm giàu. Người dân tộc Mường ở lòng hồ sông Đà vô đây (năm 1994) và họ trở thành hiện tượng về bứt phá làm giàu.

Mỗi gia đình gặt hơn 100 bao lúa/mùa, sau đó hơn 100 lần cõng đi bộ 4km về nhà. Mỗi gia đình phát 4 héc ta rừng/năm để biến thành rẫy… Nhìn cách làm này, lão thấy mình thua chắc.

Ngồi trong ngôi nhà quây bằng tôn đen xì rộng chừng 20m2 trong đám rẫy củ mì, lão chờ mãi mới thấy nhân viên tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp huyện Ngọc Hồi tới thẩm định tài sản để cho vay (cuối năm 1999).

Phương án kinh doanh sinh lời được lão trình bày: “Chừ tui nuôi bò, thả ngay dọc biên giới, đồng cỏ nơi đó um tùm, cả trăm con ăn cũng không xuể”. Nhưng rồi nhân viên ngân hàng không nói một câu nào, chỉ nhìn ngôi nhà rách, rồi dắt xe bỏ đi thẳng.

Anh Trinh - một cán bộ Đồn Biên phòng 677 thấy lão chí thú làm ăn và sống có tình người nên gợi ý tới sát ngay lối mở thông thương huyện Ngọc Hồi sang Phouvong của Lào để làm ăn, vì phía bên kia biên giới có những đội quân lao động và rất cần dịch vụ, hậu cần. Vậy là một lều quán được lão cắm ngay lối mòn. Lão còn phát huy sở trường của mình là nghề sửa xe đạp, xe máy.

Chỉ một thời gian ngắn, lão Vui đã có chút tiền, bèn vét hết túi và mua được 1 con bò mà trước đó lão từng cầu cạnh vay ngân hàng. Tiệm sửa xe quá đắt đỏ, làm không hết việc.

Thỉnh thoảng bà Nguyễn Thị Thư - vợ của lão nói: “Chu choa, vầy hoài thì sẽ có thêm con bò nữa”. Rồi đến một ngày, đàn bò đã lên tới chục con. Trong suốt 5 năm, lão chỉ bán bò đực để mua lại bò cái, bao nhiêu tiền cũng đầu tư vô bò, mua rẫy và phát triển thêm vườn cà phê, cao su. Lão Vui từng nắm trong tay hàng chục héc ta cà phê, cao su.

Đàn bò phát triển quá nhanh, lão phải đi dọc đường biên, tự học thêm tiếng Lào, Campuchia, ngoại giao nhân dân với lực lượng bảo vệ biên giới Lào, Campuchia để giải quyết việc bò chạy lạc, xây dựng tình hữu nghị giữa 2 bên. Đồn Biên phòng 677 (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y) cũng xem lão là cá nhân điển hình “kết nghĩa xuyên biên giới”.

Lùa “bò” về phố

Trung úy Phouthong, lính biên phòng bảo vệ khu vực biên giới của huyện Phouvong, tỉnh Attapeu, Lào đứng gần khu vực đường biên. Khi được hỏi “bố Vui Việt Nam?”, người sĩ quan này nở nụ cười, ánh mắt sáng lên và cho biết: “Vùng biên giới này có bố Vui nuôi bò rất nhiều, bố làm kinh tế giỏi nhất ở ngã 3 Đông Dương, bố kết nghĩa với mọi người bên này”.

Nụ cười của người lính này khi nhắc tới lão nông quê ở Quảng Nam bởi vì cứ khoảng 5 - 7 ngày, lão nông nói tiếng Lào với giọng hơi cưng cứng lại vẫy tay gọi vài anh em lính biên phòng bảo vệ biên giới của Lào. Gặp nhau nói chuyện, sau đó là lão kéo ra tặng một thùng quà, hoặc một túi cá, thịt, rau, đường, bột ngọt, sữa, thuốc Tây, trứng vịt lộn, lốp xe máy, can xăng…

Cái tên Hồ Xuân Vui thường được đề cập trong báo cáo của UBND xã Pờ Y về mô hình nông dân làm giàu. Vừa qua, ông Vui đã được UBND tỉnh Kon Tum tặng bằng khen vì thành tích thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg 2015 của Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Khi lão bước sang tuổi 65, bốn người con ông Vui đều rời phố núi vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp. Lão nông Vui quyết định “thoái vốn”, lần lượt bán hết nương rẫy, chỉ giữ lại một phần đàn bò.

Lão vào khu vực các khu công nghiệp phía Nam mua đất, xây dựng khu nhà trọ hơn 5 tỷ đồng. Ngồi trong ngôi nhà khang trang dài tới 45 mét ở trung tâm xã Pờ Y, nằm sát trục đường ra cửa khẩu quốc tế Bờ Y, lão suy tính phải chuyển đổi phương thức kinh doanh, giống như lùa đàn “bò” vào thành phố vì tuổi đã xế chiều.

Có thể bạn quan tâm