Phóng sự - Ký sự

Lão nông miền tây bảo tồn các giống lúa mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên mảnh đất của ông bà, ông Lê Quốc Việt (Tư Việt, 59 tuổi, ngụ TT.Minh Lương, H.Châu Thành, Kiên Giang) trồng hơn 40 giống lúa mùa, chỉ thu hoạch bằng nông cụ truyền thống để bảo tồn nét văn hóa lao động xưa.

Giữa đồng lúa cao sản mênh mông, bát ngát, khu ruộng 2,5 ha trồng toàn các giống lúa mùa của ông Tư Việt thuộc hàng hiếm có. Khu ruộng tạo hiệu ứng nhiều ô vuông nhỏ như bàn cờ. Mỗi ô trồng 1 giống lúa mùa, có giống mới lên mạ, giống đã trổ bông, giống đang vàng hạt chờ gặt… Hai bên bờ ruộng, ông xây tường kiên cố để hạn chế ảnh hưởng thuốc hóa học xung quanh.

Ông Tư Việt am hiểu và tâm huyết bảo tồn cây lúa mùa từng gắn bó bao đời nông dân

Ông Tư Việt am hiểu và tâm huyết bảo tồn cây lúa mùa từng gắn bó bao đời nông dân

"Rành 6 câu vọng cổ" về lúa mùa

Gắn bó với cây lúa mùa từ nhỏ nên ông Tư Việt "rành 6 câu vọng cổ" và coi đó là một phần gốc gác đáng tự hào của mình. Nói về văn hóa lúa mùa, ông Tư Việt cho biết một vụ lúa mùa thường kéo dài 6 tháng. Ngày gặt lúa, nhà này mang nông cụ vần công với nhà khác, xóm làng nhộn nhịp như hội. Ngày xưa chưa có máy móc, trên ruộng toàn nông dân và trâu bò làm sức kéo.

Khoảng năm 1990, cây lúa mùa ở quê ông Tư Việt ngày một vắng bóng vì người dân chuyển dần sang làm lúa cao sản, mỗi năm 2 vụ. Với người gắn bó mật thiết với cây lúa mùa như ông thì đó là nỗi buồn khó tả. "Tùy vào loại giống, lúa mùa có thời gian thu hoạch chênh nhau tầm mười bữa, nửa tháng, đa phần rơi vào trước hoặc sau tết ít ngày. Vì vậy, cứ mỗi lần gió bấc chớm về là hình ảnh ông bà, cha mẹ trên đồng lúa xa xưa lại ùa về", ông Tư Việt bộc bạch.

Hơn 800 giống lúa mùa được ông Tư Việt trồng trẻ hóa nguồn giống

Hơn 800 giống lúa mùa được ông Tư Việt trồng trẻ hóa nguồn giống

Năm 2008, ông Tư Việt ấp ủ việc phục dựng và làm sống lại đời sống lúa mùa trên chính mảnh đất gia đình. Ý tưởng của ông ít người ủng hộ vì cho rằng đi ngược thời đại, trở về thời lao động cực nhọc. Song, ông Tư Việt có lý do riêng để quyết tâm thực hiện đến cùng. "Tôi muốn làm lại lúa mùa, trước là làm ra sản phẩm sạch, sau là tái hiện lại một thời lao động cực mà vui. Với tôi, nghề trồng lúa mùa không phải là lạc hậu mà có nhiều giá trị văn hóa. Thế hệ con cháu có hiểu quá khứ thế nào thì mới vững bước ở tương lai", ông Tư Việt trải lòng.

Hành trình phục dựng từ vài trăm hạt lúa mùa

Hành trình phục dựng văn hóa lúa mùa của ông Tư Việt bắt đầu bằng những cuộc gặp gỡ các lão nông tri điền để tổng hợp kiến thức, sưu tầm nông cụ. Chỉ vài năm, ông đã cất được căn nhà Nam bộ để trưng bày các nông cụ cổ về sản xuất lúa mùa với đủ loại, từ lúc làm đất đến khi thành gạo. Năm 2011, ông tính tới chuyện tìm những giống lúa mùa để trồng theo quy trình truyền thống xưa.

Những dụng cụ gắn liền với văn hóa lúa mùa được ông Tư Việt sưu tầm và xây dựng nhà trưng bày

Những dụng cụ gắn liền với văn hóa lúa mùa được ông Tư Việt sưu tầm và xây dựng nhà trưng bày

Có đất sẵn, nhưng tìm nguồn giống không dễ chút nào. Cất công đi tìm nhiều địa phương không có, ông Tư Việt phải đến các viện, trường đại học có lưu trữ nguồn gien từ mấy chục năm trước để xin về trồng. Mãi đến năm 2017, ông mới đủ điều kiện "chuyển đổi" lúa mùa. "Mỗi giống, người ta chỉ cho nhiều nhất 200 hạt, có loại chỉ vài chục. Từ số hạt ít ỏi này, tôi nhân lên từ từ nên mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, không phải giống nào xin về trồng cũng đạt. Có loại trồng lại nhiều vụ vẫn bỏ công, không thu hoạch được gì", ông Tư Việt kể.

Đến nay, ông Tư Việt đã nhân thành công hơn 40 giống lúa mùa quý hiếm, có loại gần như thất truyền, như: Thần Nông 5 (IR5), Thần Nông 8 (IR8), Tào Hương, Châu Hồng vỏ, Sa Quay, Một Bụi, Móng Chim Rơi, Nàng Thơm cồn Vĩnh Quới… Đặc biệt, mỗi năm, ông xuất ra thị trường khoảng 20 - 30 tấn lúa mùa. Trong đó, giống Móng Chim Rơi, Móng Chim Vàng đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nếu so với nguồn giống khiêm tốn ban đầu, có thể thấy ông Tư Việt đã kiên nhẫn, quyết tâm thế nào để thành công với hướng đi "tích tiểu thành đại".

Với ông Tư Việt, việc phục dựng văn hóa lúa mùa không chỉ tập trung vào mỗi cây lúa mà còn phục hồi cả hệ sinh thái thuận thiên xung quanh. Cánh đồng của ông nói không với thuốc hóa học, thay vào đó, ông thả bèo hoa dâu làm phân hữu cơ, cho vịt và chim săn bắt sâu bọ. Cơ giới hóa cũng không, mọi công đoạn đều làm bằng tay: dọn cỏ bằng cào rê, gàu dây tát nước, cấy mạ bằng nọc, gặt lúa bằng vòng, mê bồ ví lúa, ách trâu chở lúa, giã gạo bằng chày... Hẳn nhiên, mặt trái của cách làm lúa mùa thuận thiên là năng suất thấp. Nhiều vụ, ông chỉ thu hoạch được khoảng 30 - 50%. Dù vậy, lão nông này hài lòng vì hạt gạo lúa mùa hữu cơ bổ dưỡng, ngon lành và thân thiện môi trường hơn.

Nhằm tái hiện cảnh đồng ruộng Nam bộ trù phú như xưa, ông Tư Việt còn trồng điên điển, cỏ lác, rau dừa; thả nuôi ba ba, rùa, cá, ốc bươu đen để chúng sinh sôi nảy nở. Chính cảnh mộc mạc này mà nhiều du khách đã đổ về nhà ông để trải nghiệm không khí ngày mùa.

Hằng năm, nhiều giáo sư, tiến sĩ, sinh viên tìm đến cánh đồng của ông để thực nghiệm, nghiên cứu về lúa mùa. Hơn 3.000 m2 đất cũng đang được bao lưới, trồng trẻ hóa lại 800 giống lúa mùa tồn trữ trong ngân hàng giống Svalbard.

Đặc biệt, tháng 6.2023, ông Tư Việt thành lập HTX trồng lúa mùa với gần 30 thành viên tại một vùng đất cồn gần cửa sông Cái Lớn, Cái Bé. Sau vụ lúa mùa thì nuôi tôm càng xanh, độ mặn cao chuyển sang nuôi tôm sú. Đến nay, HTX đã trồng được 22/40 ha. Nhiều nông dân cố cựu phấn khởi bảo nhau rằng, nhờ ông Tư Việt mà văn hóa lúa mùa tưởng bị lãng quên đã dần hồi sinh, trỗi dậy.

Có thể bạn quan tâm