Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Lê Bá Tuế với “Trăng cài ba lô”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có một người đã từng làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Có một người mang nghiệp báo nhưng yêu thơ và làm thơ đã lâu. Những câu thơ của anh, những bài thơ của anh luôn thấm đẫm tình yêu, lấp lánh, sáng ngời hình ảnh của người lính, chất chứa những khoảnh khắc tâm trạng bày tỏ với bạn bè, anh em, đồng nghiệp về hạnh phúc, khổ đau, về cuộc đời... Và, tình yêu ấy được chuyển đến bạn đọc tròn đầy, vẹn nguyên nhất trong “Trăng cài ba lô”-tập thơ đầu tay của anh. Anh là Lê Bá Tuế.
 

 

Góp đời mình với Gia Lai từ năm 1977, một thời gian dài là người lính làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, mãi đến năm 1982 thì là phóng viên Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai, rồi phóng viên Báo Gia Lai..., anh Lê Bá Tuế có điều kiện đi nhiều và viết nhiều, cả báo lẫn thơ. Khi tôi về Báo Gia Lai công tác, anh đang là phóng viên theo dõi mảng văn hóa xã hội, nhưng khi giới thiệu anh với tôi, ai cũng gọi anh là nhà thơ. Điều này khiến tôi để tâm tìm thơ anh để đọc.

Tập thơ đầu tay Trăng cài ba lô của anh Lê Bá Tuế là một tập thơ nhỏ nhắn, xinh xắn, được thiết kế giản dị nhưng không kém phần sang trọng. Phải chăng, đây là cái cách tập thơ cuốn hút bạn đọc ngay từ trang bìa, như chuẩn bị cho mỗi chúng ta sẵn sàng một tâm thế mến yêu để cùng đắm mình trong mênh mông tâm trạng của 50 bài thơ với 2 khúc biến tấu (khúc 1: Trăng cài ba lô, khúc 2: Mưa nữ sinh).

Trong khúc 1, dành thời gian đi dọc theo chiều dài cảm xúc ấy, ta bắt gặp những câu hát về con đường Trường Sơn huyền thoại, “có lời ru của mẹ/có vết máu bước chân cha/đương còn vương vấn” với niềm đam mê mãi mãi xanh; ta bắt gặp những câu hát về mẹ Trường Sơn diết da, để “Tóc mẹ tôi bay chiều sáng/rợp bóng mát Trường Sơn/chúng con đi gồng đá quét lũ/theo ánh sáng vẫy gọi phía trời xa”; ta bắt gặp “đôi mắt cô gái Lào và câu thơ "muôn thuở/sóng giao thoa trên cung tầng biên giới/lăn trên đường người lính đi qua” đong đầy nỗi nhớ thương...

Và, ở đây, ta cũng bắt gặp những phút giây tiếng lòng như chùng lại khi anh cất lên lời cảm ơn cuộc   đời đã cho anh một Tự tình trăng “Thì thầm cây lá nghìn xưa/tháng năm là của rừng chưa vắng người”; một Đồng cảm, cộng cảm chạy về phía vô cùng “Em say ôm gốc kơnia/tôi say nằm chỗ chia đôi núm hồng/cả làng thương nhớ mênh mông/suối còn nằm cạn, đợi dòng giọt xa”; một tình đá cuội: “Tôi yêu em đến long đong/ tóc như mây lận đận về cuối ngàn...”.

Nhưng nhiều hơn cả, có lẽ là những câu thơ về người lính khi anh cất lên tiếng hát: “Chúng tôi về đây-Trường Sơn ơi/ con đường huyền thoại/.../ai nhớ ai quên/ai còn nằm lại/chúng tôi về/ mang theo tuổi hai mươi/ tuổi bốn mươi/ không có trái tim già/chỉ có niềm đam mê xanh mãi” (Hát trên đường Hồ Chí Minh) hoặc như: “Qua đây/thao thức một đời/rừng gương/soi bóng ru hời quê hương” (bài Tự tình trăng); còn trong bài Cô gái Lào và câu thơ kháng chiến thì lại là những hình ảnh thật lãng mạn đặc tả chân dung người lính: “đêm vượt phà sang sông Hà Si Khun/giữa dòng Mê Kông có thằng họa sĩ/ mặt trời ngái ngủ thì sông tắm trăng/trăng nước lặng vào ngực lính thiêm thiếp trên ba lô” và những xúc cảm nhớ thương diết da của các anh: “Vượt qua cơn khát là nỗi nhớ thương/lên điểm chốt rồi ai còn bảo đợi ai/.../ đội hình dài vô cùng bởi chưa đến điểm tập kết/ nỗi nhớ thương cũng hành quân chiều nay về”.

Ở khúc 2, Lê Bá Tuế dành phần lớn tác phẩm để viết về những miền quê nơi anh đi qua với những Hà Nội, Hạ Long, Huế, Hội An, Đà Lạt và trong một niềm xúc cảm giàu hơn, anh dành cho Pleiku. Đây là những bày tỏ anh gửi tới Hội An-một sự tỏ bày bằng một cách đi khá lạ với nhịp điệu vốn có của lục bát: “Một cần/mai mốt bên sông/ trong thành phố thẳm bước/rong rêu về/hai ngồi lại khóc/câu thề/dáng gầy đường nhỏ chiều/lê thê chiều”. Còn đây là cách anh đến gần hơn với Đà Lạt-một cách gần trong nỗi nhớ nhung: “Gần nhau. Một chút nắng hờn/ cũng nứt nẻ đá cũng chập chờn mây/cầm tay. Cao thấp phố say/gần thêm nữa đã trăng ngây ngất đường”.

Với Pleiku, Lê Bá Tuế thương nhớ từng chút mưa, chút nắng, thương những sáng mờ sương và những chiều lưng lưng bóng, thương lại cả những ngày xưa, xưa lắm: “Mưa giăng kín phố nỗi lòng/ người đi mòn mỏi theo sông núi đồi/nhớ xưa mắt tóc bồi hồi/ nghe trong giọt đắng/chỗ ngồi/vừa tan” (Pleiku)…

Nhiều năm/tôi đi xa/áo cơm níu/sự nghiệp/mẹ già đào/mắt giếng/phong trần/kín nỗi niềm/Cách biệt là/tình yêu/múa may/câu với chữ/thơ trở dạ/quặn giấy/đá thở/ra khói mây”. Đó là những dòng tự cảm của anh. Trong hơn 30 năm sống cùng Tây Nguyên, anh đã tìm ra cho mình một lối riêng đi-về tha thiết và luôn tự biết rằng bản thân còn vô cùng nhiều những mối nợ ân tình. Sau khúc dạo đầu Trăng cài ba lô, con người lãng đãng như sương và luôn hy vọng được gửi cho cuộc đời những câu thơ khắc khoải đến nao lòng này đang chuẩn bị xuất bản 1 tập ký sự “Khuôn mặt thời gian”-là tập hợp những bài viết từ trước đến nay của anh về Pleiku, về Tây Nguyên và những vùng-miền đất khác.

“Xuất bản thêm một tập cho vui và đỡ nhớ nghề-anh Lê Bá Tuế bộc bạch-Hơn 30 năm có mặt trên cao nguyên, tôi đã nhận ra mình còn nặng nợ vùng đất này lắm-cái vùng đất khắc nghiệt và bao dung và kỳ diệu bao điều trong thơ trong báo. Tôi yên tâm cuộc sống này còn có em, có bè bạn và có thơ để gửi gắm vào mai sau rằng chúng ta đang tồn tại và yêu thương hết mình...”.

Thu Huế

Có thể bạn quan tâm