(GLO)- Trước tình hình giá cả nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm thấp, một số nông dân xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah, Gia Lai) đã liên kết với Công ty cổ phần Chè Biển Hồ chuyển đổi một phần diện tích sản xuất sang trồng chuối già Nam Mỹ xuất khẩu. Hướng đi mới này đang mở ra nhiều triển vọng cho người dân khi có thể thu về gần 90 triệu đồng/năm/ha.
Từ đầu năm nay, nhiều nông dân ở xã Nghĩa Hưng đã liên kết với Công ty cổ phần Chè Biển Hồ trồng chuối già Nam Mỹ xuất khẩu trên diện tích 12 ha với 26.640 gốc chuối (2.220 gốc chuối/ha). Trong đó có 6 ha của hội viên nông dân tự liên kết với doanh nghiệp và 6 ha do Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng thành lập tổ liên kết trồng, chăm sóc, thu hoạch chuối xuất khẩu. Theo hình thức liên kết này, phía Công ty sẽ đầu tư quỹ đất, giống, vật tư, phân bón, còn hội viên nông dân thực hiện trồng, chăm sóc, quản lý, thu hoạch theo quy trình sản xuất của Công ty.
Vườn chuối già Nam Mỹ sản xuất theo chuỗi liên kết giữa nông dân xã Nghĩa Hưng và Công ty cổ phần Chè Biển Hồ. Ảnh: V.T |
Ông Nguyễn Văn Dư-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng-cho biết: Triển khai thực hiện từ tháng 3-2019, tổ liên kết thu hút được 6 hộ dân tham gia trồng trên diện tích 6 ha. Mô hình này là sự liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và Công ty cổ phần Chè Biển Hồ. Đây là hướng đi mới với mong muốn từng bước chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân trong tình hình giá cả nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đang giảm thấp. Qua 8 tháng triển khai mô hình, cây chuối sinh trưởng rất tốt, kích thước buồng chuối đạt đúng tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu thu mua của doanh nghiệp xuất khẩu.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn chuối của bà con đang chuẩn bị bước vào kỳ thu hoạch, ông Nguyễn Văn Nam-Chi hội trưởng chi hội Nông dân thôn 1, xã Nghĩa Hưng-cho hay: Việc trồng và chăm sóc được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt do phía Công ty đưa ra. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống theo phương pháp cấy mô nên cây trồng có khả năng kháng bệnh cao. Đặc biệt, để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, chuối phải có sự đồng đều về kích thước, bóng đẹp, không bị xây xước do khâu thu hoạch và bảo quản. Với tốc độ trổ buồng, ra nải như hiện tại, bình quân mỗi buồng chuối sẽ đạt trọng lượng 23-25 kg.
Trò chuyện với P.V, ông Nguyễn Hữu Phú-Tổ phó tổ liên kết trồng, chăm sóc, thu hoạch chuối xuất khẩu tại xã Nghĩa Hưng-cũng chia sẻ: Giống chuối này có thời gian sinh trưởng ngắn, mất khoảng 8 tháng từ khi bắt đầu xuống giống đến khi thu hoạch. Tuy nhiên, mỗi gốc chuối khai thác tốt nhất chỉ được 3 năm chứ không khai thác thời gian dài như cách trồng lâu nay người dân thường làm, qua đó nhằm ngăn chặn sâu bệnh. Do vậy, với mỗi gốc chuối, người trồng chỉ để lại 2 cây con, cứ thu hoạch xong cây này thì chặt và tiếp tục chăm sóc cây khác.
Nói thêm về liên kết này, bà Nguyễn Thị Hòa-Đội trưởng Đội 11 quản lý chuối Công ty cổ phần Chè Biển Hồ-thông tin: Sau khi thu hoạch, sản phẩm được bán theo hợp đồng đã ký giữa 2 bên, người trồng sẽ được khoán 16 kg/cây và được nhận lương 3,5 triệu đồng/tháng/người (42 triệu đồng/năm). Nếu tính năng suất bình quân mỗi cây khoảng 23 kg, sau khi người dân nộp khoán 16 kg/cây về Công ty, còn lại 7 kg sẽ được thu mua theo giá thị trường (khoảng 12.000 đồng/kg) và cam kết mức giá hỗ trợ không dưới 3.000 đồng/kg. Mức chia lợi nhuận công ty 70%, người dân được hưởng 30%. Như vậy, theo ước tính, nếu ở mức giá thấp nhất, mỗi héc ta người dân sẽ thu về được khoảng 45 triệu đồng, cộng với tiền lương 42 triệu đồng nữa thì sẽ có nguồn thu nhập ổn định gần 90 triệu đồng/năm/ha.
Cũng theo bà Hòa, so với các loại cây trồng khác, trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất, trồng chuối xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Trong tháng 7 vừa rồi, Công ty cũng đã xuống giống trồng chuối già Nam Mỹ ở huyện Chư Sê trên diện tích 40 ha. Năm 2020, Công ty sẽ tiếp tục trồng mới thêm 50 ha ở Chư Pah, nâng tổng diện tích trồng chuối xuất khẩu của Công ty lên hơn 100 ha.
VŨ THẢO