Kinh tế

Nông nghiệp

Liên kết với nông dân huyện Ia Grai sản xuất điều hữu cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 1 tháng qua, Hợp tác xã (HTX) Mật ong Phương Di Ia Grai (làng Klah 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai) phối hợp với chính quyền 2 xã Ia Chía và Ia O tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 133 nông hộ chuyển đổi quy trình canh tác cây điều theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu. Đây là bước đi cần thiết để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng hạt điều nguyên liệu, hạt điều thương phẩm có xuất xứ từ Ia Grai.  

 

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, toàn huyện hiện có khoảng 5.755 ha điều, tập trung ở 6 xã phía Tây gồm: Ia O, Ia Chía, Ia Tô, Ia Krai, Ia Khai, Ia Grăng. Sản lượng hàng năm khoảng 7.000-8.000 tấn, năng suất bình quân 1,4-1,5 tấn/ha. Nếu được chăm sóc tốt, điều có thể đạt năng suất 2-3,5 tấn/ha.

 Việc liên kết trồng điều theo tiêu chuẩn hữu cơ sẽ giúp nhiều nông dân ở huyện Ia Grai nâng cao thu nhập. Ảnh: S.C
Việc liên kết trồng điều theo tiêu chuẩn hữu cơ sẽ giúp nhiều nông dân ở huyện Ia Grai nâng cao thu nhập. Ảnh: S.C



Để nâng cao giá trị kinh tế, gia tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng điều của địa phương, từ cuối tháng 4 đến nay, HTX Mật ong Phương Di Ia Grai đã phối hợp cùng chính quyền và 133 nông hộ ở 2 xã Ia Chía, Ia O thực hiện dự án liên kết trồng điều hữu cơ trên diện tích gần 370 ha. Bước đầu, HTX tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các nông hộ chuyển đổi quy trình canh tác cây điều theo tiêu chuẩn của Mỹ (USDA) và EU. Tham gia dự án, anh Ksor Dớ (làng Kuc, xã Ia O) cho biết: “Cây điều rất dễ trồng, không phải đầu tư chăm sóc nhiều, chỉ cần làm cỏ, tỉa cành, bón phân. Nay được tập huấn kỹ thuật chăm sóc điều theo tiêu chuẩn hữu cơ, tôi cần tuân thủ nghiêm quy trình, không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và phân hóa học. Tôi thấy quy trình canh tác này không khó lắm, giá bán hạt điều lại cao hơn”. Cũng theo anh Dớ, gia đình anh có 3 ha điều, mỗi năm đem lại nguồn thu vài chục triệu đồng.

Xã Ia O hiện có hơn 1.235 ha điều. Đây là loại cây trồng chủ lực của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O-cho biết: “Cây điều là nguồn thu nhập chính của bà con dân tộc thiểu số trong xã. Do đó, chính quyền địa phương rất ủng hộ việc chuyển đổi quy trình canh tác cây điều theo tiêu chuẩn hữu cơ. Nếu làm được, bà con sẽ nâng cao thu nhập, yên tâm sản xuất vì có HTX Mật ong Phương Di Ia Grai lo đầu ra. Xã đã xây dựng được tổ liên kết sản xuất, quản lý chặt chẽ tất cả các khâu trồng, chăm sóc, thu hái”. Ông Nghiệp còn cho biết, với vai trò đầu mối liên kết với HTX Mật ong Phương Di Ia Grai, xã Ia O đã thành lập tổ liên kết gồm 63 hộ trồng 170 ha điều. Các hộ này tham gia làm thành viên HTX, được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, bao tiêu sản phẩm…

Theo khảo sát, đa phần vùng điều nguyên liệu do bà con DTTS canh tác theo xu hướng tự nhiên. Đây là điều kiện cần thiết để làm chứng nhận điều hữu cơ cho cây điều Ia Grai. Ảnh: Sơn Ca
Theo khảo sát, đa phần vùng điều nguyên liệu do bà con dân tộc thiểu số canh tác theo xu hướng tự nhiên. Đây là điều kiện cần thiết để làm chứng nhận điều hữu cơ cho cây điều Ia Grai. Ảnh: Sơn Ca



Ông Nguyễn Tấn Công-Giám đốc phụ trách kỹ thuật của HTX Mật ong Phương Di Ia Grai-cho biết: “Tôi đã chia sẻ với bà con nông dân về nguyên tắc cơ bản trong canh tác cây trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ; hướng dẫn bà con sử dụng bộ nhật ký nông hộ. Với quyết tâm của HTX cùng với bà con, chắc chắn trong năm nay sẽ có một diện tích điều hữu cơ được chứng nhận. Những năm tới, vùng điều hữu cơ sẽ được mở rộng”. Thông qua hoạt động khảo sát tại vùng nguyên liệu, trao đổi trực tiếp với nông hộ tham gia dự án thuộc 2 xã Ia Chía và Ia O, ông Công cho rằng, thay đổi thói quen canh tác không phải là quá khó khăn. Quan trọng nhất là sự định hướng của đơn vị với bà con và chính sách hỗ trợ, động viên của chính quyền các cấp. Lâu nay, đồng bào dân tộc thiểu số có thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong trồng trọt. Do vậy, việc chuyển sang canh tác điều theo tiêu chuẩn hữu cơ sẽ tránh được những tác hại của ô nhiễm môi trường.  

Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Hoàng Anh-Giám đốc HTX Mật ong Phương Di Ia Grai-thông tin: “Song song với việc hỗ trợ bà con chuyển đổi quy trình sản xuất, chúng tôi đang tìm kiếm, ưu tiên lựa chọn diện tích điều được đồng bào dân tộc thiểu số canh tác theo xu hướng thuần tự nhiên để làm các mẫu kiểm tra, gửi Lab nước ngoài kiểm nghiệm. Nếu diễn tiến thuận lợi thì đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau, HTX sẽ có chứng nhận vườn điều nguyên liệu hữu cơ cho một số diện tích”. Cũng theo bà Trần Thị Hoàng Anh, xây dựng chứng nhận sản xuất điều hữu cơ là bước đi cần thiết để phát huy lợi thế của vùng nguyên liệu điều Ia Grai. Gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững, HTX đã liên kết với đầu mối doanh nghiệp, sẵn sàng bao tiêu khoảng 2.000 tấn điều/vụ của vùng nguyên liệu ở xã Ia O và Ia Chía.

 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm