Liêu trai Thập Tháp sát Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong rất nhiều những tháp Chăm, nhà thờ, chùa chiền chứa đầy bí ẩn huyễn hoặc làm điểm nhấn cho du lịch tâm linh ở Bình Định, có một ngôi chùa đủ sức giữ chân du khách lâu hơn, đó là Thập Tháp Di Đà Tự, người dân thường gọi là chùa Thập Tháp.

Cách TP. Quy Nhơn chừng 30 km theo quốc lộ 1 về hướng Bắc, chùa Thập Tháp nằm ẩn dật bên một ngọn đồi ở thôn Vạn Thuận, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn. Chùa là một di tích quốc gia (được công nhận năm 1990), vị trí tọa lạc rất đắc địa. Bên cạnh chùa là tháp Cánh Tiên và thành Đồ Bàn của Chămpa (sau này là thành Hoàng Đế), là những di tích cổ thuộc những nền văn hóa khác nhau. Tương truyền, chùa được xây dựng vào giữa thế kỷ XVIII bằng chất liệu được lấy từ 10 tháp Chăm ở gần đó nên được gọi là Thập Tháp.

 

Trước cổng chùa Thập Tháp. Ảnh: T.Đ
Trước cổng chùa Thập Tháp. Ảnh: T.Đ

Với kiến trúc cổ kính, chùa đã tồn tại gần 400 năm. Trước chùa là một bàu sen cùng với cây bồ đề trăm tuổi trầm mặc chốn thiền tông. Bên trong chùa được chia thành nhiều khu: chính diện, phương trượng, tây đường... Bên trái là 20 tòa mộ an vị của các trụ trì. Khi đẩy cửa bước vào khu thờ chính, tiếng kẽo kẹt của cánh cửa và ngạch tạo nên một âm thanh quen mà lạ, nó đủ sức đưa người đến chiêm bái tìm về những giá trị xưa, những huyễn hoặc liêu trai của ngôi chùa.

Có 3 ngọn tháp trong chùa được truyền thuyết hóa, tạo sự linh thiêng. Tương truyền rằng, vào thời Hòa thượng Minh Lý trụ trì khai hoang xây dựng chùa thì gặp rất nhiều hài cốt được cho là tử trận trong cuộc chiến giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Ngài cho quy tập về chùa, xây thành tháp để tụng kinh, giúp các linh hồn siêu thoát.

Chuyện còn kể rằng, ở ngay gốc bồ đề hàng đêm có một con bạch hổ đến ngồi nghe kinh Phật. Ai thấy cũng sợ nhưng Hòa thượng Liễu Triệt thấu hiểu sự giác ngộ của hổ. Một đêm nọ, ngài thấy mộng về báo sự hóa kiếp của con hổ, bèn cho người đi tìm và quả nhiên gặp xác bạch hổ nằm chết sau chùa. Ngài liền cho xây tháp chôn cất, gọi là tháp Bạch Hổ. Đầy lòng từ ái, nhưng sinh thời, ngài cũng bị vướng vào thị phi. Chuyện là, có lần thấy 2 mẹ con cơ nhỡ khóc ở cổng chùa, ngài thương tình (con nhỏ, mẹ lại câm) nên cho dựng một gian lều cho mẹ con tá túc. Không ngờ việc đức này lại gây ra lời đàm tiếu, cho rằng ngài dính vào tình ái. Trước khi viên tịch, ngài nói: “Người đời nói oan cho ta. Ta một đời tu hành thanh tịnh, sau khi xả bỏ báo thân này, tháp của ta cũng sẽ luôn luôn tinh bạch”. Ngôi tháp chôn cất ngài từ đó đến giờ cứ trắng tinh không bị hoen ố bởi rêu phong. Nó như một sự minh chứng cho tấm lòng của ngài nên được gọi là Tháp Trắng.

Hấp dẫn hơn, du khách có thể nghe các tăng ni, phật tử hoặc người dân quanh đây kể về chuyện hạt lúa khổng lồ. Truyền thuyết rằng, ở chùa có một hạt lúa rất to, cứ đến mùa ruộng được cày bừa xong thì hạt lúa tự lăn ra đồng, nẩy mầm rồi lớn rất nhanh. Lúa đơm hoa kết hạt rồi tự lăn về chùa. Một mùa nọ, khi lúa ngoài đồng chín, do các phật tử ở chùa quét sân phơi chuẩn bị cho lúa lăn về không sạch nên khi lúa vừa về đến sân thì tan biến. Thiền sư Nguyên Thiều không trách mắng mà cho rằng: “Vạn vật hễ duyên mãn thì sanh, duyên tàn thì diệt”. Từ đó, chuyện hạt lúa khổng lồ chỉ còn truyền miệng trong dân gian.

Trường Đăng

Có thể bạn quan tâm