Thời sự - Bình luận

Lỗ hổng kéo dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Lực lượng chức năng liên ngành hôm qua thông báo vừa phát hiện một kho hàng ở Hưng Yên, có tổng cộng 163.410 sản phẩm thiết bị thuốc lá điện tử các loại và 9.913 kg phụ kiện thuốc lá điện tử không đủ hóa đơn chứng từ.

Không hề khó hiểu khi tồn tại một kho hàng thuốc lá điện tử với quy mô "khổng lồ" như thế khi mặt hàng này ngày càng phổ biến trong giới trẻ, được bày bán nhan nhản khắp nơi, từ các sạp nhỏ vỉa hè cho đến cửa hàng.

Các lỗ hổng pháp lý và quản lý thuốc lá điện tử cần sớm được giải quyết thì mới mong dập tắt hoàn toàn những mối nguy hại, đặc biệt đối với người trẻ (ảnh minh họa)

Các lỗ hổng pháp lý và quản lý thuốc lá điện tử cần sớm được giải quyết thì mới mong dập tắt hoàn toàn những mối nguy hại, đặc biệt đối với người trẻ (ảnh minh họa)

Trong khi đó, sự nguy hại của thuốc lá điện tử thì đã được nhiều cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành y tế, lên tiếng cảnh báo. Thế nhưng, loại hình này lại không bị kiểm soát chặt chẽ như các loại thuốc lá thông thường. Thậm chí, như dư luận nhiều lần phản ánh, nhiều loại hóa chất của thuốc lá điện tử đang được bày bán rộng rãi mà không hề bị kiểm soát về thành phần.

Tuy nhiên, sau rất nhiều ý kiến và dù nhiều nước đã cấm thuốc lá điện tử, thì quy định pháp lý liên quan ở VN đến nay vẫn còn đang trong trạng thái "thảo luận". Dù biết rằng để đưa ra những quy định pháp lý đầy đủ kiểm soát một mặt hàng thì đôi khi không đơn giản, nhưng việc để tồn tại khoảng trống pháp lý kéo dài trong việc kiểm soát thuốc lá điện tử thì không ổn chút nào.

Tương tự như thế là quy định đối với quản lý bóng cười. Hậu quả từ việc sử dụng bóng cười cũng đã được cảnh báo từ lâu, và thậm chí đây còn là nguồn cơn khiến có người từng tử vong do sử dụng quá nhiều. Thế nhưng, việc kiểm soát, quản lý bóng cười cũng rơi vào khoảng trống. Khí N2O có trong bóng cười thuộc danh mục hàng hóa hóa chất bị hạn chế sản xuất, kinh doanh. Chỉ có những đơn vị được cấp phép mới được sản xuất kinh doanh loại hóa chất này.

Cho nên, theo quy định hiện nay thì bóng cười không phải là ma túy, cơ sở kinh doanh nếu vi phạm chỉ bị xử phạt về hành vi kinh doanh đối với hàng hóa bị hạn chế kinh doanh mà không có đăng ký. Cụ thể, mức phạt từ 20 - 25 triệu đồng nếu vi phạm. Dư luận cũng đã phản ánh mức phạt này là quá thấp khi nhiều bar, vũ trường, tụ điểm giải trí bán bóng cười với giá có khi lên đến gần 200.000 đồng/quả. Chính vì lợi nhuận khổng lồ, nên bóng cười cứ được bán tràn lan để rồi hủy hoại không ít người trẻ. Đã có một số địa phương, như Hà Nội quy định cấm sử dụng khí N2O vào mục đích vui chơi giải trí, thì tại sao không thay đổi, cập nhật quy định ở quy mô cả nước để sớm cấm hẳn việc bán bóng cười ở các địa điểm giải trí.

Những thực tế trên cho thấy các lỗ hổng pháp lý và quản lý cần sớm được giải quyết thì mới mong dập tắt hoàn toàn những mối nguy hại, đặc biệt đối với người trẻ.

Có thể bạn quan tâm