Phóng sự - Ký sự

Lớp học đặc biệt của người thầy công nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Căn phòng trọ mỗi buổi tối đều rộn rã âm thanh nói cười cùng tiếng giảng bài trầm bổng từ lớp học miễn phí của người thầy vốn là công nhân. Những đứa trẻ đến lớp đều mang một số phận buồn.
Em thì bố mất sớm, mẹ lập gia đình riêng phải ở với ông ngoại cao tuổi; em thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với chú. Nhiều em cha mẹ là dân lao động nhập cư, chạy cơm từng bữa, ngay cả việc mua một cuốn tập cũng khó khăn…
Thầy giáo công nhân
Cứ đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, vừa tan ca, anh Hoàng Trọng Khánh, 38 tuổi, trú tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, công nhân Công ty Liên doanh BiO lại vội vã trở về căn nhà trọ trên đường Tăng Nhơn Phú B để dạy kèm miễn phí cho 42 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, chủ yếu là con em công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Lớp học của những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Lớp học của những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Trên bục giảng, thầy vẫn mặc nguyên bộ đồ công nhân, say sưa giảng bài về giá, vận tốc.... Cùng học với các em môn toán, lý, bài học về vận tốc, khó ai có thể nghĩ đây là lớp học tự phát nếu không được giới thiệu từ trước. Lời giảng rõ ràng, rành mạch, những câu hỏi logic xâu chuỗi kiến thức để xác định vận tốc quãng đường. Càng đặc biệt hơn khi bài học không chỉ là những hằng đẳng số khô khan, khó tiếp thu mà luôn xen lẫn những hình vẽ minh họa vui nhộn, những ví dụ gần gũi, dễ hiểu và đôi khi còn là những câu đố dân gian vui nhộn khiến trò thích thú, lớp học vì thế luôn sôi động, vui vẻ, đầy hào hứng. Trong căn phòng trọ rộng chừng 20m2, nhưng cả thầy lẫn trò say sưa đuổi theo giấc mơ con chữ, quên cả cái nóng bức vẫn còn hầm hập những ngày hè.
Chia sẻ về hành trình trở thành “thầy giáo bất đắc dĩ”, anh Khánh kể, như một sự bén duyên tình cờ. Năm 2010, khi vừa “chân ướt chân ráo” từ Đà Nẵng vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân cùng anh trai, trong một lần đến chơi nhà bạn ở đường Tăng Nhơn Phú, thấy một nhóm 4 đứa trẻ đang ngồi học cạnh khu Gò Mả (Quận 9 cũ), nhưng không ai dò bài, chẳng ai chỉ dạy nên không biết đáp án đúng, sai. Anh hỏi thăm thì chỉ nhận được cái xua tay lắc đầu của phụ huynh “tụi nó biết gì đâu mà học, mai mốt lớn theo ba mẹ đi phụ hồ”. Nghĩ lại bản thân cũng sinh ra trong gia đình nghèo, không được học hành đến nơi đến chốn giờ đi làm công nhân vất vả nắng mưa nên anh Khánh lại gần thủ thỉ: “Chú chỉ các con nha”.

Ông Phạm Hồng Thái - Tổ trưởng dân phố - nhận xét anh Khánh là một người tử tế.
Ông Phạm Hồng Thái - Tổ trưởng dân phố - nhận xét anh Khánh là một người tử tế.
Bắt đầu bằng những câu hỏi, kiểu đố IQ ngày xưa ông bà dạy như: “Không đánh mà kêu / Không khều mà rớt là cái sấm, cái mưa” rồi lồng câu hỏi: “Vậy trong vật lý hiện tượng như thế gọi là nguồn âm hay vật âm?”. Buổi học đầu tiên cứ thế kéo dài đến khi trời nhá nhem tối, lúc về các em còn níu kéo: “Mai chú lại qua chỉ tụi con tiếp nha”.
Từ đó, chiều nào cũng vậy, vừa tan ca, anh Khánh lại đến khu Gò Mả để làm thầy giáo cho đám nhỏ. Điểm chung của các em hầu hết đều bị mất căn bản trầm trọng, bố mẹ lao động chân tay lo chạy cơm từng bữa không có điều kiện kèm cặp, hay cho đi học thêm nên để dạy cho các em cực kỳ vất vả, phải có cách dạy riêng, vừa học vừa chơi để các bé hứng thú với việc học trở lại. Khó khăn hơn còn là sự hoài nghi, cấm cản của phụ huynh, như trường hợp của trò Trần Lê Minh Sơn rất mê học, ban đầu em lén theo bạn đến lớp học nhưng bố với anh trai biết  nên cấm cản, sợ phải đóng học phí, còn khuyên em cẩn thận bị lừa. Khi em Sơn học hết học kỳ 3 mà không phải đóng một xu nào thì bố của em hiểu ra và đến cảm ơn.

Người mẹ vui mừng khi con trai tiến bộ trong lớp học của thầy Khánh.
Người mẹ vui mừng khi con trai tiến bộ trong lớp học của thầy Khánh.
Lớp học ban đầu chỉ với cái bàn nhỏ nhô ra ở khu đất trống, dần chuyển vào khu chòi lá, đến lúc lớp học ngày càng đông hơn, bà con phụ giúp cho mượn quán nước, xưởng gỗ để thầy trò học có cái che nắng mưa. Mãi sau này, chủ nhà trọ cất nhà trong hẻm số 15, đường số 22, phường Phước Long B, TP Thủ Đức đã ngăn một phòng riêng cho anh Khánh ở và cũng là lớp học hiện tại để thầy trò không phải nghỉ học mỗi ngày mưa gió.
Ròng rã suốt 12 năm qua, từ lớp học sơ khai chỉ 4 em tại khu vực Gò Mả nay đã lên tới 42 em, trong đó có 6 em là con công nhân cùng công ty với anh Khánh. Mỗi ngày chia làm 2 ca, ca 1 từ 17h30 - 19h gồm các bé lớp 6 và lớp 9, ca 2 là lớp 7 và lớp 8 từ 19h30 - 21h. Lịch trong tuần luân phiên giữa các môn Văn, Toán, Lý, Hóa, Anh văn.
Chưa từng qua các trường đào tạo nghiệp vụ sư phạm và vẫn phải mưu sinh kiếm sống, nhưng vì tương lai các em, anh Khánh chủ động học hỏi thêm những kiến thức trên mạng thông qua các diễn đàn dạy học. Mua thêm sách về tự nghiên cứu, thậm chí anh còn xin học sinh số điện thoại của thầy, cô giáo ở trường rồi liên hệ trao đổi, tương tác trực tiếp về các bài tập, cách dạy sao cho phù hợp.
Sau hơn 12 năm mở lớp, học trò của anh Khánh nay có em đã vào đại học. Nhiều em từ học lực yếu, kém sau thời gian được kèm cặp đã có thành tích học tập tiến bộ rõ rệt, có em vươn lên khá, giỏi. Một số em còn dẫn đầu lớp các môn Toán, Hóa với điểm số cuối năm lên đến 9,75 được nhà trường tuyên dương. Đáng chú ý, có trò Giáp Võ Quỳnh Như còn được học bổng “Ươm mầm ước mơ” từ lớp 5 đến hết lớp 12.
Hơn 5 năm theo học cùng thầy Khánh, Minh Sơn, 14 tuổi, học sinh lớp 9, Trường THCS Phước Bình, TP Thủ Đức chia sẻ: “Thầy dạy dễ hiểu, lại hay cho những ví dụ vui nhộn, nhờ vậy thành tích học tập của con cũng tiến bộ rõ rệt. Từ học lực trung bình, 3 năm qua con đều được học sinh giỏi”. Còn với cô bé Minh Hằng, mỗi buổi học của thầy Khánh không chỉ vui mà còn rất ý nghĩa, vì ngoài những câu chuyện dí dỏm hài hước, em còn được học các kiến thức về cuộc sống, cách ứng xử. Chưa kể, mỗi khi được thành tích cao, Hằng cũng như các bạn còn được thưởng những món quà vặt mà tuổi “teen” đều mê, dù chỉ là một cái bánh, một ly trà sữa hay một bữa ăn do thầy nấu cũng khiến đám trẻ mừng vui.
 “Tôi giàu có…”
Sinh ra và lớn lên ở TP Huế, tuổi thơ anh Khánh đã thiếu thốn tình cảm, bàn tay chăm sóc của mẹ từ lúc mới lên 4 tuổi. Ba mẹ mỗi người có tổ ấm mới nên 3 anh em của anh Khánh phải tự lo cuộc sống và đùm bọc lẫn nhau. Có lẽ cũng bởi vậy mà từ trong bản tính, anh Khánh vừa cần cù vừa đầy lòng trắc ẩn, yêu thương muốn bảo bọc những đứa trẻ có cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. “Khi mình đi làm rồi mới cảm nhận được sự thiếu thốn vòng tay yêu thương bảo ban tác động rất lớn đến những đứa trẻ, mình nhìn cuộc đời mình tự dưng thấy thương các bé, chỉ mong các con không bỏ học, đừng trở thành người xấu. Rất vui vì việc mình làm có thể thay đổi suy nghĩ của ba mẹ các bé. Chỉ cần thay đổi được suy nghĩ có thể thay đổi được cả cuộc đời con trẻ”, anh Khánh chia sẻ.

Nhờ sự kèm cặp, bổ túc kiến thức mà những đứa trẻ này có sự tiến bộ rõ rệt trong học tập ở trường
Nhờ sự kèm cặp, bổ túc kiến thức mà những đứa trẻ này có sự tiến bộ rõ rệt trong học tập ở trường
Mong mỏi những em nhỏ sẽ có được tương lai tươi sáng hơn, nên ngoài làm công nhân tại công ty thuốc thú y, thời gian rảnh, anh Khánh còn tranh thủ nuôi gà, ấp trứng kiếm thêm thu nhập. Mỗi tháng anh có khoảng 7 triệu đồng để trang trải mọi chi phí. Tiền lương ít ỏi, anh vẫn tự mua bảng, bàn ghế, sách vở, sắm sửa quạt… cho lớp học nghèo thêm tươm tất. Được tiền thưởng, cộng thêm được bạn làm cùng san sẻ, anh Khánh tích cóp dành dụm mua chiếc tivi nhỏ thay máy chiếu để mở những đoạn phim, ảnh, nhạc… minh họa cho tiết học thêm sinh động.
Ông Phạm Hồng Thái, Tổ trưởng Tổ dân phố 17, Khu phố 4, phường Phước Long B cho biết: “Thầy Khánh là người tốt, tử tế. Nhờ lớp học của thầy đã giúp các em nhỏ có thêm động lực để đến trường, tỉ lệ bỏ học giảm hẳn. Khu phố thường tuyên dương những việc làm của thầy. Bà con quanh đây ai cũng quý mến, kính trọng”.

Tấm bảng cũ được treo trên bức tường nhà trọ của thầy giáo công nhân.
Tấm bảng cũ được treo trên bức tường nhà trọ của thầy giáo công nhân.
Chị Lê Thị Kim Loan, 43 tuổi, công nhân may Công ty Liên Phương, mẹ của bé Phan Tuấn Dũng thì vui vẻ chia sẻ về thành tích của con trai khi được thầy Khánh kèm cặp: “Tôi làm công nhân thường xuyên tăng ca, không có thời gian kèm cặp con học, nhờ thầy Khánh chỉ dạy cháu môn tiếng Anh nên giờ bé không những tiến bộ hơn, không còn thấy sợ học như trước đó mà còn rất thích, vui vẻ mỗi ngày đến lớp học”.
Không chỉ truyền đạt kiến thức, anh Khánh chỉ dạy các em kỹ năng giao tiếp, cách đối nhân xử thế. Những đứa trẻ vì thế rất ngoan ngoãn, cư xử lễ phép và nghiêm chỉnh trong giờ học. Bên cạnh đó, anh còn là một người đáng tin để các trò chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, cũng như học được cách ứng xử trong trường học khi bị bạo hành học đường.

Thầy Khánh cặm cụi chỉ dạy mỗi giờ lên lớp.
Thầy Khánh cặm cụi chỉ dạy mỗi giờ lên lớp.
Ai cũng có một cuộc đời để sống và sống không chỉ cho mình mà còn cho người khác, đó là cách nghĩ của anh Khánh. Tình cảm của học trò, những tiếng chào và niềm tin của phụ huynh khi gửi gắm khiến anh thấy mình giàu có.
12 năm làm công nhân cũng là 12 năm anh gắn bó với công việc dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo. Với những việc làm ý nghĩa đó, năm 2019, anh Khánh vinh dự được nguyên Phó chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng bằng khen tại buổi lễ tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả"; được Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh tuyên dương gương “Người tốt việc tốt”; được nhận danh hiệu Đoàn viên thanh niên tiêu biểu của Thành đoàn TP Hồ Chí Minh; “Thanh niên tiêu biểu” năm 2018 của Ban Thường vụ Quận đoàn 9. Anh cũng là 1 trong 10 cá nhân vinh dự nhận giải thưởng “Tình nguyện Quốc gia năm 2019”.
Theo Ngọc Hoa - Nguyễn Nga (cand.com.vn)
 

Có thể bạn quan tâm