(Đọc “Lữ du” của Nguyễn Như Bá, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2017)
(GLO)- Thơ là tiếng nói của tâm hồn được thẩm thấu qua lăng kính của những rung động, những hình ảnh và của thế giới cảm xúc. Và, trong thế giới thơ ấy, Nguyễn Như Bá “như một lão nông cần mẫn” ươm mầm cho những mùa bội thu. Thơ ông không hoa mỹ mà mộc mạc, đầy sự giãi bày, trắc ẩn. Với “Lữ du”-tập thơ thứ 3 này, tác giả như một thư ký cần mẫn ghi lại hành trình của mình bằng hình ảnh của những miền đất ông đặt chân đến; đầy ắp chất liệu cuộc sống và chất chứa nỗi niềm.
Ảnh: Cao Nguyên |
“Lữ du” là một chuyến hành trình thú vị bởi tác giả đã đưa vào đó những dấu chân của hoài niệm, của tình yêu, của những rung động tâm hồn. Thế giới trong thơ của Nguyễn Như Bá là hình hài đất nước với những miền đất ông đã in dấu chân trong cuộc lãng du nhìm ngắm cuộc đời. Tâm hồn đa cảm ấy “tham lam” muốn thu vào mình hết thảy những dáng sông, hình núi. Một người thơ với mạch cảm xúc dâng trào, một cái tôi khoáng đạt, giao hòa với thiên nhiên để rồi cộng hưởng và dẫn dắt người đọc theo miền lãng du bằng ngôn ngữ của ông. Đi như một cuộc kiếm tìm, như để dẫn dắt cho tâm hồn trải rộng giữa đa chiều cuộc sống.
Nguyễn Như Bá nói/nhìn về cuộc sống bằng cái nhìn của một tâm thế an yên không điểm tô, không cố đuổi theo những hư hao trong dòng đời ồn ã. Nhà thơ “buông” hết những lo toan, buông hết những hơn thua để bằng lòng với niềm vui, với hạnh phúc mình đang có. Ở mỗi miền đất đã đi qua trong hành trình thiên lý, nhà thơ luôn ghi lại những xúc cảm, những hình ảnh về con người, về văn hóa bằng thơ để rồi trải lòng cùng độc giả bằng sự chiêm nghiệm, bằng vốn ngôn từ và bằng nhịp thơ nhẹ nhàng trong tỉ tê tâm sự.
Trong hành trình lãng du với cuộc sống, với thơ, Nguyễn Như Bá dành sự ưu ái cho miền quê Bình Định nơi ông đã sinh ra. Nhắc đến quê hương, nhà thơ vỡ òa lên trong sự tự hào, trong sự hãnh diện đến mức như reo, như khẳng định “Tôi có một màu quê Phù Cát/Mảnh đất xa lâu nhớ vô vàn”. Nguyễn Như Bá nhẹ nhàng trong tình yêu và đầy chiêm nghiệm trong cuộc sống bao nhiêu thì khi nói đến mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình ông lại hồ hởi, hào hứng bấy nhiêu. Tác giả dành cho làng quê ấy sự yêu thương với biết bao địa danh, bao kỷ niệm đã khắc sâu vào tuổi thơ ông và đầy ăm ắp những hình ảnh gợi nhắc những yêu thương. Trở về với quê hương, trở về giữa những thân thuộc, tác giả cảm nhận được không khí hòa thuận, sum vầy của tình làng nghĩa xóm, trong vòng tay rộng mở, trong đon đả, đón chào “Rất nồng nàn họ hàng thân thiết/Mỗi lần về Long Hậu mình say” (Màu quê). Cái “mình say” trong mỗi độ về quê của tác giả là cái say của tình, của nghĩa, say trong sự gắn kết ruột rà. Say để thấm đượm lâu hơn cái màu quê, chất quê đang chảy xuôi trong máu thịt. Một màu quê được viết bằng sự cao trào của cảm xúc, bằng sự dồn nén của tình cảm đến mãnh liệt để bật nên từng con chữ liền mạch, không chắp vá, không vay mượn.
Như một chuyến đi để khơi gợi cuộc sống của tình yêu, “Lữ du” là bản tình ca đầy cô đơn, ở đó những ngập ngừng, e ngại được khỏa lấp bằng sự nhẹ nhàng, bằng những hờn dỗi vu vơ. Tình yêu trong thơ Nguyễn Như Bá luôn có chút gì đó khiến ta cảm thấy hẫng hụt, có chút gì đó mất mát không trọn vẹn… Và ở đó có một người lặng lẽ yêu quê, lặng lẽ để tâm hồn tạo nên dáng quê vía phố…
Đông Hòa