Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Lựa chọn nhân sự khóa XIII:Việc đánh giá cán bộ phải hết sức công tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đánh giá cán bộ là việc khó nhưng không phải không làm được nếu tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ này một cách khách quan, trung thực, công tâm.
Công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 phải chú trọng giới thiệu nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng. Đây là một trong những yêu cầu Bộ Chính trị đặt ra trong Chỉ thị 35 đã được Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành mới đây nhằm định hướng cho các cấp ủy đảng chuẩn bị cho Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.  
 
Đánh giá cán bộ là việc khó nhưng không phải không làm được nếu tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ này một cách khách quan, trung thực, công tâm.
Trước mỗi kỳ đại hội, vấn đề nhân sự luôn được dư luận quan tâm. Yêu cầu đặt ra là phải chọn được những nhân tố có đầy đủ các phẩm chất, trong đó tài và đức, thậm chí đạo đức phải được đặt lên hàng đầu.
Chọn nhầm cán bộ sẽ gây hại cho cả bộ máy
Đánh giá các điều kiện cần và đủ của cán bộ là một việc khó nhưng không có nghĩa không làm được. Cho nên, theo ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, trong cả quy trình lựa chọn cán bộ (đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng đào tạo, bố trí sử dụng, luân chuyển), khâu đánh giá được xác định là khâu chủ chốt, mang tính quyết định. Bởi có đánh giá đúng mới chọn được cán bộ giỏi, cán bộ tốt. Chọn nhầm cán bộ sẽ dẫn tới việc bố trí, sắp xếp không đúng người, đúng việc, gây hại cho cả bộ máy tổ chức của Đảng, của cả hệ thống chính trị.
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cũng nhấn mạnh, việc lựa chọn cán bộ đóng vai trò quan trọng, thậm chí mang tính quyết định nên khâu đánh giá cán bộ đòi hỏi người đánh giá, cụ thể là người đứng đầu, Ban thường vụ phải hết sức khách quan, trung thực, công tâm, không một mảy may thiên vị, không thể “yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu”. Trách nhiệm của cấp ủy, của người đứng đầu là phải nhìn cho được tất cả các mặt mạnh, mặt yếu của từng cán bộ trước khi đưa họ vào quy hoạch. Nếu không bản lĩnh, không công tâm, những người làm nhiệm vụ “chấm điểm” rất dễ bị chi phối bởi những mục tiêu, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Câu chuyện kỷ luật cán bộ đối với ông Trịnh Xuân Thanh cách đây gần 3 năm vẫn còn nguyên tính thời sự. Dư luận khi đó từng nêu quan điểm cho rằng, phải rà soát lại toàn bộ quy trình để không chọn nhầm người. Nhưng trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, quy trình đó không có lỗi mà lỗi nằm ở đầu vào của quy trình, có khi không chuẩn mực.
Quy trình không có lỗi nhưng vẫn chọn sai, chọn nhầm cán bộ
 
Ông Lê Như Tiến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Bình Minh)
Ông Lê Như Tiến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trong một lần trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN, từng lấy hình ảnh công đoạn làm ra miếng giò để nói về quy trình lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ. Ông cho rằng, nếu người ta đưa miếng thịt ôi thiu vào làm giò, cũng tuân thủ đúng quy trình xay, giã, đun nấu… nhưng chắc chắn chất lượng miếng giò sẽ không thể bằng miếng giò được làm từ miếng thịt tươi ngon, chưa nói miếng giò đó sẽ nhanh hỏng, nhanh ôi thiu.
Còn trong quy trình lựa chọn cán bộ, dù có làm đúng quy trình nhưng quy trình ấy không thể quyết định chất lượng đầu ra nếu như chất lượng đầu vào không được coi trọng. Con người đã không có đủ cả phẩm chất lẫn năng lực thì đi qua quy trình ấy vẫn là một cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực. Ông Tiến cho rằng, không nên chỉ soi xét vào quy trình, mà cần đặc biệt chú trọng đến việc lựa chọn người để bồi dưỡng, đào tạo trở thành cán bộ.
 
Ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Ảnh: Bình Minh)
Cùng chung quan điểm, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, quy trình không có lỗi nhưng vẫn chọn sai, chọn nhầm cán bộ. Nguyên nhân là do quy trình đó đã bị chi phối bởi các phe cánh, nhóm lợi ích.
Do vậy, những cơ quan, cá nhân có trách nhiệm đánh giá phải thực sự coi trọng mục tiêu, đảm bảo cho nhiệm vụ chính trị, công việc chứ không vì lợi ích cá nhân, không để cho việc chạy chức, chạy quyền chi phối. Cán bộ này được xếp vào công việc nào là phù hợp, để phát huy tốt nhất năng lực, sở trường cần phải được nhận định cho đúng. Không thể vì người mà “đẻ” ra việc, ra tổ chức.
Tránh việc chạy phiếu trong đánh giá cán bộ
Một điểm nữa cần đặc biệt coi trọng trong đánh giá cán bộ theo ông Nguyễn Trọng Phúc là trách nhiệm tập thể. Đánh giá một cán bộ, nhất là đánh giá để đưa cán bộ vào quy hoạch lãnh đạo là trách nhiệm tập thể của cấp ủy, tổ chức Đảng, chứ không chỉ của một cá nhân, cho dù trách nhiệm của người đứng đầu cũng rất lớn. Tập thể đó cũng phải hết sức khách quan, trung thực, công tâm để tránh việc chạy phiếu trong đánh giá. Nhân danh tập thể nhưng mỗi cá nhân trong tập thể đó phải nắm vững nguyên tắc đánh giá cán bộ, có như thế, việc đánh giá cán bộ mới thực sự đúng đắn, khi đó mới chọn được đúng cán bộ.
Trong bài viết có tác dụng định hướng cho các cấp ủy đảng sau khi Chỉ thị 35 được ban hành, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh công tác nhân sự cần tiến hành từng bước, từng việc, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch nhưng phải thật sự đúng người, đúng việc. Cần tăng cường kiểm soát công tác cán bộ và chuẩn bị nhân sự cấp uỷ; nghiêm cấm mọi biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tìm cách nâng người này, hạ người kia, gây nghi ngờ, làm mất đoàn kết nội bộ.
Hà Thanh (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm