Lửng lơ trên thành cổ Bagan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có nơi nào ở Đông Nam Á khiến kẻ lữ hành vẫn đau đáu nhớ mong dù chuyến đi ấy đã kết thúc từ lâu? Tôi xin gọi tên thành cổ Bagan ở Myanmar, nơi tôi có chuyến trải nghiệm khó quên trong đời khi bay lơ lửng cùng khinh khí cầu để thưởng thức một vùng đất tưởng chừng như chỉ có trong huyền thoại.

Thành cổ Bagan, một lịch sử oai hùng

Chúng tôi đến Bagan vào những ngày cuối tháng ba giữa cái nắng hanh hao vàng rực trên xứ sở thấm đẫm phật giáo Myanmar. Những ngôi chùa dát vàng lấp loáng dưới tàng cây và hàng dài các nhà sư khất thực đi lại trên phố. Đặt chân tới một vùng đất rộng lớn ẩn giấu bao điều bí mật, một kẻ ham thích phiêu lưu như tôi chợt thấy lòng nao nao đến lạ.


 

Bình minh vừa ló dạng trên thành cổ Bagan. Ảnh: Kim Ngân
Bình minh vừa ló dạng trên thành cổ Bagan. Ảnh: Kim Ngân

Bagan vốn là kinh đô của Vương quốc Pagan từ thế kỷ IX đến thế kỷ XII. Đây cũng chính là vương quốc đầu tiên đã thống nhất khu vực mà hiện nay là Myanmar, thiết lập văn hóa và sắc tộc của người Myanmar cũng như đưa phật giáo Theravada trở nên thịnh vượng. Trong thời kỳ cực thịnh, vương triều Pagan đã cho xây dựng hơn 10,000  đền đài và chùa chiền ở vùng đồng bằng rộng lớn bao quanh thủ đô Bagan cho tới sông Irrawaddy.

Tuy nhiên, vó ngựa xâm lược của quân Mông Cổ giày xéo lên mảnh đất này đã khiến cho triều đại Pagan suy sụp và từ đó không bao giờ có thể phục hồi lại thời đại hoàng kim của mình. Cùng với các trận động đất trải qua hàng trăm năm, đặc biệt vào năm 2016 đã khiến cho phần lớn các công trình kiến trúc sụp đổ. Hiện tại Bagan chỉ còn khoảng 3,800 đền đài đủ kích cỡ đang trong tình trạng tu bổ.

Mỗi ngôi tháp chứa cốt các vị sư và chùa đều ẩn chứa một câu chuyện mà du khách phải đến khám phá từng chi tiết về các bức họa và kiến trúc trên tường bên trong lẫn ngoài. Các ngôi đền ở Bagan phần lớn theo kiến trúc Ấn Độ, điển hình như Thatbyinnyu là đền lớn nhất, được xây từ thế kỷ XII, cao 61 mét, tường trắng nhưng chóp nhọn vàng. Ngoài ra các đền Dhammayangi, Ananda, Sulamani, Payathonzu, Manuha… với vẻ đẹp riêng của mình đều rất đáng để tới chiêm ngưỡng.

Bên cạnh đó, các ngôi chùa nổi tiếng như chùa Shwesandaw có năm tầng bậc thang, trên đỉnh là một mái chóp nhọn như chiếc dù trắng rất thích hợp cho việc leo lên ngắm toàn cảnh Bagan, cùng với chùa Shwezigon dát lá vàng, được khởi công xây dựng bởi vua Anawrahta sáng lập ra vương triều Pagan là nơi mà du khách không thể bỏ qua.

Phần thưởng cho kẻ… hoảng sợ độ cao


 

Khám phá những ngôi đền từ trên cao. Ảnh: Kim Ngân
Khám phá những ngôi đền từ trên cao. Ảnh: Kim Ngân

Là một kẻ sợ độ cao kinh khủng nên để đưa ra quyết định cuối cùng có tham gia bay lượn trên trời hay không, tôi phải đến tận văn phòng công ty du lịch hỏi cho chắc chắn về độ an toàn. Chỉ có ba Công ty Du lịch duy nhất là Oriental Ballooning (Khinh khí cầu Phương đông), Golden Eagle (Đại bàng vàng) và Balloons over Bagan (Khinh khí cầu trên Bagan, gọi tắt là BB), mới đủ điều kiện thực hiện tour du lịch độc đáo này. Du khách có chiều cao dưới 1 m3 không được tham gia nhằm bảo đảm sự an toàn. Do đó, với chiều cao chưa tới 1,6 mét thì khi đứng trong giỏ mây tôi không thể nào bị rớt ra ngoài được. Với chi phí tương đối mắc cho mỗi người là $360 (hơn 8 triệu Việt Nam đồng) nên chúng tôi phải cân nhắc kỹ vì hành trình khám phá Đông Nam Á vẫn còn kéo dài thêm vài tháng nữa. Cuối cùng, tôi cũng gật đầu cái rụp đồng ý tham gia.

Đêm ấy tôi háo hức đến mất ngủ, chỉ mong sao trời sáng thật mau để có thể thực hiện ước mơ từ thuở ấu thơ được bay lên bầu trời.

Tờ mờ sáng, xe ô tô của Công ty Du lịch BB đã réo rắt gọi bên ngoài khách sạn để đưa khách tới điểm tập kết tại một bãi đất rộng ở ngoại ô thành phố. Lúc này bóng tối vẫn còn dày đặc, không khí se lạnh. Cà phê, trà đã pha sẵn chào đón các vị khách. Khinh khí cầu bắt đầu được đốt nóng. Khu vực rộng lớn trong màn đêm bỗng trở nên sôi động. Các loại khinh khí cầu khổng lồ nằm dài ra đất, cái nào đã được thổi luồng khí ga vào bắt đầu bùng lên.

Cuối cùng 12 người chúng tôi cũng được leo lên chiếc giỏ mây khổng lồ do anh phi công người Bắc Irelend điều khiển. Bóng đêm giãn ra nhường chỗ cho không gian thoáng đãng của buổi sớm tinh mơ trên một vùng đất ngập tràn bí ẩn. Tôi đứng giữa bầu trời trong tiếng gió thổi phù phù, lặng nhìn hàng ngàn tòa tháp cổ lấp loáng ẩn hiện giữa tàng cây và trên các thuở ruộng. Hừng đông dát ánh nắng vàng bắt đầu le lói phía đường chân trời. Hơn chục chiếc khinh khí cầu đỏ, xanh, vàng của các hãng du lịch lơ lửng trôi nổi giữa không gian.


 

Các vị khách cùng đội ngũ kỹ thuật và phi công của chuyến bay. Ảnh: Kim Ngân
Các vị khách cùng đội ngũ kỹ thuật và phi công của chuyến bay. Ảnh: Kim Ngân

Mọi thứ dường như ngưng đọng, chỉ có tiếng ồn do lửa phụt lên khi người phi công điều khiển chiếc khinh khí cầu khổng lồ chạy theo hướng gió. Những ngôi làng nằm giữa các cánh đồng trơ trụi mới được cày bừa, những hàng cọ rung rinh lá bên các thuở ruộng. Khi chiếc khinh khí cầu nương theo hướng gió xà thấp gần xuống bên dưới, các vị khách vẫy tay reo hò ầm ĩ với lũ trẻ con đang theo mẹ ra đồng. Myanmar nghèo như Việt Nam sau thời bao cấp tem phiếu, người dân ra đồng trên những chiếc xe bò cọc cạch hay cuốc bộ. Những chiếc váy longyi lầm lũi trên đồng. Rặng núi xanh thẫm phía xa xa và dòng Irrawaddy hiền hòa lững lờ trôi trong buổi sáng yên bình bên thành cổ.    

Một tiếng đồng hồ bay lượn giữa bầu trời trôi qua thật nhanh. Phi công gọi điện cho bên dưới chuẩn bị hạ cánh. Một đội ngũ nhân viên đã túc trực sẵn trên một cánh đồng cỏ bụi héo khô rộng lớn. Tiếng nút chai sâm panh bật lên chúc mừng mọi người đã hoàn thành chuyến bay. Các loại bánh trái được bày ra lót dạ. Giữa một cánh đồng thơm mùi cỏ cây, chúng tôi ngồi đó tự thưởng cho mình một ly sâm panh trước khi leo lên xe trở lại thành phố để bắt đầu một hành trình mới: khám phá những điều kỳ diệu của thành cổ Bagan bằng xe đạp và ngắm vùng đất này chìm vào hoàng hôn ma mị.

Kim Ngân

Có thể bạn quan tâm