Lượng khách giảm sút, Đắk Lắk vẫn ''siết chặt'' hoạt động du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc UBND tỉnh Đắk Lắk ''siết chặt'' việc quản lý hoạt động du lịch sau dịch COVID-19 có thể khiến một số doanh nghiệp lữ hành trong và ngoại tỉnh gặp khó khi mở các tour, điểm đến du lịch bởi vì vướng một loạt các quy định.
Đắk Lắk đã không cho hoạt động cưỡi voi du lịch hoạt động. Những hình ảnh này chỉ còn là tư liệu. Ảnh Đặng Bá Tiến
Đắk Lắk đã không cho hoạt động cưỡi voi du lịch hoạt động. Những hình ảnh này chỉ còn là tư liệu. Ảnh Đặng Bá Tiến
Kết thúc đợt dịch COVID-19 lần thứ 2, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về tăng cường công tác phối hợp và quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các nhiệm vụ gồm quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch; quản lý khai thác các điểm du lịch; quản lý hoạt động kinh doanh du lịch; quản lý khách du lịch; quản lý an ninh, trật tự xã hội; môi trường; thuế, giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ du lịch; quản lý quy hoạch, thiết kế, xây dựng các công trình du lịch; cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề, dịch vụ du lịch; thông tin, thống kê du lịch; thanh tra, kiểm tra trong hoạt động du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch.
Riêng đối với việc quản lý, khai thác các khu, điểm du lịch thì UBND tỉnh Đắk Lắk còn đề nghị Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú, hướng dẫn viên du lịch, ăn uống, mua sắm... phục vụ du khách trong các khu, điểm du lịch trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Theo Sở VHTTDL Đắk Lắk, 9 tháng đầu năm 2020, tỉnh đón hơn 560.000 lượt khách du lịch (đạt 49,88% kế hoạch, bằng 67,52% so cùng kỳ). Trong đó, có khoảng 540.000 lượt khách nội địa; 15.960 lượt khách quốc tế.
Từ đầu năm 2020, chính quyền Đắk Lắk tự tin đặt mục tiêu đón gần 1 triệu lượt khách du lịch. Nhưng xét trên tình hình hiện nay, để đạt được con số kể trên thì ngành du lịch tỉnh này còn rất nhiều việc phải làm nếu không muốn nói là ''bất khả thi''.
Không ít doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh dịch vụ ở địa phương từng liên tục phàn nàn, chán nản về cách thức quản lý và tiếp cận khai thác hoạt động du lịch của chính quyền tỉnh nhà.
Ví dụ, nhiều đơn vị lữ hành đang muốn đưa khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng ở một số địa điểm mới, lạ khác ở trong tỉnh... Nhưng nhiều điểm, khu du lịch ở tỉnh vẫn chưa được chính quyền cấp phép hoạt động nên các doanh nghiệp không dám đưa du khách đến vì sợ bị xử phạt. Các dịch vụ thương mại ăn theo cũng ế ẩm, kinh doanh tụt dốc.
Thực tế, những người làm quản lý ở địa phương này có thể trích dẫn vô vàn lý do để giải thích cho sự trì trệ, yếu kém của cả ngành du lịch tỉnh nhà những năm vừa qua.
Nhưng có một điều không thể phủ nhận đó là doanh nghiệp làm du lịch ở Đắk Lắk đang gặp quá nhiều rào cản, thủ tục rườm rà, cứng nhắc và thiếu tính ''linh hoạt'', khó để hoạt động, phát triển tốt.
Nếu UBND tỉnh Đắk Lắk thực sự muốn du lịch tỉnh nhà phát triển thì phải chủ động tham khảo cách làm hay của các tỉnh bạn. Tiếp đó, chọn những ''ban bệ'', nhân sự có trình độ, uy tín ngồi lại cùng doanh nghiệp ở địa phương thẳng thắn chia sẻ, bàn bạc tìm ra hướng đi mới chứ không phải cách dăm ba ''mùa nguyệt'' lại ra các Văn bản, Chỉ thị...khô khan, cứng nhắc và nội dung chung chung, thậm chí ''vô thưởng vô phạt''.
Theo BẢO TRUNG (LĐO)
https://dulich.laodong.vn/cau-chuyen-du-lich/luong-khach-giam-sut-dak-lak-van-siet-chat-hoat-dong-du-lich-848172.html

Có thể bạn quan tâm