Kombucha là một loại trà lên men, thường được ủ từ lá trà đen hoặc trà xanh, cùng với đường, nước ép trái cây và scoby (một loại cộng sinh của vi khuẩn và nấm men).
Trà Kombucha là loại thức uống có ích cho sức khỏe. Ảnh: Shutterstock |
Chia sẻ về phương pháp làm trà Kombucha, ông Chris Curtin, Phó giáo sư về vi sinh học tại ĐH Oregon (Mỹ), cho biết bước đầu tiên để pha Kombucha là ngâm lá trà trong nước sôi, rồi thêm đường hoặc nước trái cây vào, chờ nước nguội thì cho scoby vào để tiến hành lên men. Sau 1 đến 3 tuần lên men, chúng ta sẽ thu được một loại nước giải khát có sủi bọt nhẹ, vị chua và ngọt.
Lợi khuẩn có lợi cho sức khỏe tiêu hóa
Chia sẻ với The Washington Post, bà Amy Keating, chuyên gia dinh dưỡng thuộc Tổ chức nghiên cứu người tiêu dùng Consumer Reports (Mỹ), cho biết trong Kombucha có chứa probiotic, một loại lợi khuẩn có lợi cho sức khỏe tiêu hóa và khả năng miễn dịch của con người.
"Uống trà Kombucha có thể giúp bạn cân bằng vi khuẩn đường ruột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, tập hợp các lợi khuẩn sống trong cơ thể, chống viêm nhiễm đường ruột, và thậm chí giúp giảm cân", bà Keating lưu ý.
Probiotic có trong Kombucha có thể giúp bạn tránh được một số bệnh lý đường tiêu hóa. Ảnh: Shutterstock |
Ngoài ra, bà Keating còn cho biết probiotic có trong Kombucha có thể giúp bạn tránh được một số bệnh lý đường tiêu hóa như tiêu chảy, viêm ruột, rối loạn tiêu hóa,..
Kombucha được làm từ lá trà nên chứa nhiều polyphenol - một hợp chất chống oxy hóa mạnh. Hợp chất này có khả năng giúp cơ thể đốt cháy calo, giảm mỡ bụng, điều hòa lượng cholesterol, giúp giải độc gan và giúp kiểm soát lượng đường trong máu, theo The Washington Post.
Quá trình lên men trà Kombucha còn tạo ra một lượng lớn vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn axit lactic và axit axetic. Những vi khuẩn này giúp tiêu diệt nhiều vi sinh vật có hại, đồng thời giúp cơ thể ngăn được sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm men không mong muốn.
Không nên uống quá nhiều
Mọi người có thể tự pha trà Kombucha, nhưng nếu không tuân thủ cẩn thận các biện pháp vệ sinh, nấm mốc và vi khuẩn xấu có thể khiến bạn mắc một số bệnh về đường tiêu hóa.
The Washington Post dẫn nghiên cứu từ ĐH Michigan (Mỹ), cho biết liều lượng Kombucha thích hợp mà một người có thể dùng là nửa cốc mỗi ngày. Nếu dùng với liều lượng lớn hơn có thể sẽ xuất hiện một số triệu chứng như khó chịu dạ dày, đầy hơi, ợ chua.
Trong Kombucha có chứa axit, nên nếu dùng quá nhiều sẽ làm hỏng men răng, dẫn đến sâu răng. Nha sĩ khuyên rằng sau khi uống trà Kombucha, mọi người có thể dùng một ít nước lọc để rửa sạch axit.
Kombucha được làm từ trà xanh hoặc trà đen, nên sẽ chứa caffeine. Mặc dù hàm lượng này là ít hơn so với các loại trà pha truyền thống, nhưng nếu dùng Kombucha quá nhiều, lượng caffeine nạp vào cơ thể cũng sẽ tăng theo. Điều này khiến những người nhạy cảm với caffeine dễ cảm thấy lo lắng, bồn chồn.
Ngoài ra, nên tránh dùng Kombucha trước khi đi ngủ, vì nó có thể khiến giấc ngủ của bạn bị gián đoạn.