Phóng sự - Ký sự

Ma trận lừa đảo: Khách sạn, homestay cũng bị mạo danh để lừa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không chỉ các resort lớn, nổi tiếng bị mạo danh để lừa đảo, trục lợi trái phép, gần đây, nhiều khách sạn, homestay ở Phan Thiết, Đà Lạt... cũng gặp tình trạng tương tự.

Mỗi khi khách có nhu cầu đặt phòng, kẻ xấu trong vai người của khách sạn, homestay tư vấn rất nhiệt tình, khiến nhiều nạn nhân tin lời và chuyển 50% tiền cọc theo yêu cầu. Sau khi nhận tiền cọc, đối tượng chặn liên lạc, xóa tài khoản và lúc này khách mới biết mình đã sập bẫy.

Trên các trang khách sạn, homestay, villa, resort, review Phan Thiết - Mũi Né rất nhiều lời cảnh báo mỗi ngày và các nạn nhân cũng bức xúc kể về trường hợp bị lừa mất cọc. Tuy nhiên, do đối tượng lừa đảo quá tinh vi nên dù được cảnh báo liên tục không ít người vẫn mất tiền.

Người dân có thể dùng phần mềm chống lừa đảo nTrust để nhận diện nhanh, báo cáo các tài khoản có dấu hiệu nghi ngờ

Mạo danh công ty nhận đặt phòng

Mới đây, khách sạn SunSet Story Hotel (Mũi Né) bị đối tượng lập trang giả mạo với 10.000 lượt like để lừa đảo đặt phòng. Khi khách vào trang giả mạo hỏi giá phòng, đối tượng tư vấn rất nhiệt tình. Đến khi khách cảnh giác đặt câu hỏi vì sao đường link của trang không giống bình thường thì đối tượng nhanh chóng chặn khách và cắt đứt liên lạc.

Hay khách sạn HLS Dalat Lodge ở TP.Đà Lạt vừa đăng bài cảnh báo giả mạo, lừa đảo đặt phòng. Theo đó, đối tượng lừa đảo lập fanpage giả mạo trang của khách sạn giống đến 95%, đăng lại các bài viết của HLS, tiếp cận khách để tư vấn và yêu cầu chuyển tiền phòng. Thậm chí trang giả mạo có lượt theo dõi hơn 4.000, trong khi trang chính thức chỉ có hơn 2.500 lượt theo dõi.

Đối tượng giả mạo rất tinh vi từ khâu tư vấn đến chuyển tiền cọc. Một khách hàng tên Kh. đặt phòng khách sạn 2 ngày 14 - 16.12 qua trang giả mạo và đã chuyển tiền cọc 2,5 triệu đồng cho "Công ty TNHH Resort services". Sau đó, đối tượng chặn mọi liên lạc và khi du khách liên hệ với khách sạn mới ngỡ ngàng biết không có phòng nào được đặt với tên của mình. Phía khách sạn HLS liên tục cảnh báo và nhấn mạnh đây là vấn đề nan giải vào mỗi mùa du lịch cao điểm.

Nghi ngờ trang giả mạo của khách sạn SunSet Story Hotel Mũi Né, khách nhắn "đường link page của khách sạn lạ" và ngay lập tức bị đối tượng chặn liên lạc

Không những mạo danh các resort, khách sạn, homestay, đối tượng lừa đảo còn mạo danh công ty nhận đặt phòng resort, khách sạn, homestay để chiếm đoạt tiền cọc. Điển hình, Công ty TNHH P.Tr (có trụ sở ở TP.Phan Thiết) chuyên hỗ trợ khách đặt resort, homestay, khách sạn bị một số kẻ mạo danh. Theo đó, đối tượng giả mạo là làm việc tại công ty này và liên hệ với khách L.T.T đặt villa 6 phòng ngủ tại Moon Lake Villa Homestay Mũi Né ngày 25.12 với giá 5,8 triệu đồng. Kẻ lừa đảo còn đưa ra chương trình ưu đãi, giảm giá còn 4,8 triệu đồng với điều kiện đặt cọc 50% giá phòng, số tiền còn lại thanh toán tại villa. Sau khi chuyển cọc và bị chặn liên lạc, vị khách mới biết đã sập bẫy, mất tiền.

Người dân có thế dùng phần mềm chống lừa đảo

Ngoài ra, theo thiếu tá Võ Ngọc Toản (giảng viên Trường ĐH An ninh), thời gian gần đây còn rộ lên thủ đoạn lừa đảo lần hai bằng cách quảng cáo dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa. Các đối tượng giả mạo Cục An toàn thông tin thuộc Bộ TT-TT; Cơ quan an ninh và phòng, chống tội phạm công nghệ cao; các công ty luật… để lập các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội với tiêu đề hấp dẫn như: "tiếp nhận thông tin, hỗ trợ thu hồi tiền online", "hướng dẫn gỡ tiền treo", "dịch vụ lấy lại tiền cho người bị lừa trên mạng xã hội"…

Tuy nhiên, thiếu tá Võ Ngọc Toản khẳng định đến thời điểm hiện tại, không có bất kỳ cơ quan nhà nước hay lực lượng chức năng nào lập ra các fanpage, trang nhóm nói trên để tiếp nhận và hỗ trợ dịch vụ pháp lý cho nạn nhân lừa đảo. Tất cả địa chỉ ảo đó chỉ là thủ thuật đánh vào tâm lý tiếc của nhằm lừa gạt thêm.

Khách sạn HLS Dalat Lodge đăng nhiều bài cảnh báo về tình trạng đối tượng giả mạo các trang giống đến 95%
Một du khách mất tiền cọc vì đặt trên trang giả mạo khách sạn và khách sạn HLS Dalat Lodge ở Đà Lạt phải đăng bài cảnh báo

Ông Nhân Nguyễn (nhà sáng lập Nhân Nguyễn Sharing, chuyên gia về thương mại điện tử và mạng xã hội) cho biết kẻ gian thường lợi dụng các dịp nghỉ lễ kéo dài như cuối năm để chạy chiến dịch lừa đảo trên mạng xã hội. Một trong những nguyên nhân khiến các fanpage dễ bị mạo danh là chính sách của Facebook không cấm việc trùng tên, ảnh đại diện; việc này dẫn đến tình trạng fanpage giả mạo mọc lên như nấm sau mưa, không thể báo cáo hết.

Ông Vũ Ngọc Sơn (Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia) nhìn nhận sự phát triển quá nhanh của mạng xã hội, thương mại điện tử, thanh toán online kéo theo nạn lừa đảo trên môi trường trực tuyến. Công nghệ giúp các đối tượng tiếp cận nhiều con mồi hơn, có nhiều vũ khí mạnh hơn trong khi người dùng vẫn ngây thơ trên môi trường số.

Theo ông Sơn, trong thủ đoạn mạo danh fanpage để lừa tiền đặt cọc, một trong những dấu hiệu có thể nhận biết là dù các địa điểm khách sạn, homestay ở nhiều thành phố du lịch khác nhau nhưng đều đặt chung một số hotline, chung số tài khoản ngân hàng. Kiểm tra trên nền tảng chống lừa đảo trực tuyến nTrust của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho thấy các đầu số này bị cảnh báo là có dấu hiệu lừa đảo. Người dân có thể dùng phần mềm chống lừa đảo nTrust để nhận diện nhanh, báo cáo các tài khoản có dấu hiệu nghi ngờ.

Ông Mai Thanh Phú (chuyên cung cấp các dịch vụ mạng xã hội) cảnh báo tình trạng mạo danh, lừa đảo trên mạng xã hội ngày càng diễn biến phức tạp. Kẻ gian liên tục đầu tư các kịch bản mới, dẫn dụ nạn nhân những hình thức tinh vi. Nhiều fanpage giả thậm chí có lượt follow (theo dõi) cao hơn cả trang thật. Đối tượng còn lợi dụng lỗ hổng của nền tảng để lấy được tích xanh, khiến người dùng dễ bị sập bẫy hơn.

Theo ông Phú, việc các fanpage lừa đảo có thể qua mặt Facebook để được cấp tích xanh vô cùng nguy hiểm. Chúng không chỉ đánh lừa được nạn nhân mà còn khó bị báo cáo do đã được nền tảng "xác minh". Điều này dẫn đến thực trạng dù phát hiện dấu hiệu nghi ngờ và bị người dùng báo cáo nhưng các trang Facebook giả mạo vẫn lộng hành.

Thiếu tá Võ Ngọc Toản nhấn mạnh người dân cần tin tưởng cơ quan chức năng qua các số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm của các sở, ngành, địa phương, đơn vị an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao hay chuyển thông tin lừa đảo vào trang cảnh báo an toàn thông tin VN https://canhbao.ncsc.gov.vn...

(còn tiếp)

Sau nhiều trường hợp bị lừa đảo đặt phòng trên mạng, Công an tỉnh Bình Thuận phát đi cảnh báo về tình trạng kẻ xấu lấy hình ảnh thật của các resort, khách sạn, rồi lập trang web, fanpage giả mạo, lừa khách chuyển tiền cọc để chiếm đoạt.

Đáng chú ý, theo Công an tỉnh Bình Thuận, Công an TP.Phan Thiết ghi nhận tại khu nghỉ dưỡng The Clay Mũi Né ở P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết có hơn 80 du khách dính bẫy trang giả mạo khu nghỉ dưỡng này để lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng, lực lượng chức năng hiện đang xác minh, điều tra.

Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, hình thức lập trang giả mạo các khách sạn, resort, homestay… để lừa đảo du khách gây ảnh hưởng lớn tới uy tín ngành du lịch, đặc biệt là với du khách người nước ngoài, làm tổn hại khách hàng và các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch. Người dân cần nâng cao cảnh giác, kiểm tra thông tin thật kỹ trước khi thực hiện giao dịch để tránh bị mất tiền.

Ngọc Lê

Có thể bạn quan tâm