Phóng sự - Ký sự

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 3: Người thương binh quyết rời trung tâm nuôi dưỡng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người ta thường nói “tuổi tác cũng chỉ là con số” để ngợi khen khả năng bứt phá giới hạn, vượt lên chính mình của con người. Nhưng với ông Xuyến, có lẽ phải dùng câu “tỷ lệ thương tật cũng chỉ là con số” mới thật sự chính xác.

Chân dập nát, mảnh đạn găm khắp người

Không khó để gặp ông Vũ Văn Xuyến ở thôn Hưng Đạo Tây thuộc xã Đông Quang (Đông Hưng, Thái Bình). Bởi nhắc đến tên ông, người già, trẻ nhỏ đều biết, chỉ dẫn nhiệt tình. Bước qua cổng sắt, tôi đi giữa những hàng cây bàng, chuối, nhãn xanh mướt để vào nhà ông. Ông cùng vợ là bà Đào Thị Thóc đã ngồi chờ sẵn bên thềm nhà với một ấm trà vừa pha.

Thấy tôi, ông bật dậy, rảo bước đến nắm lấy tay và siết chặt. “Mời cậu ngồi đây, ta thưởng trà, ngắm cây cảnh rồi trò chuyện”, ông nói rồi rót ra hai chén trà nóng hổi. Nhìn phong thái nhanh nhẹn đó, thực sự, tôi không nghĩ ông là thương binh loại 1/4 với mức độ thương tật trên 81% như xác nhận của Phòng Lao động Thương binh xã hội huyện.

Ông Xuyến sinh năm 1948, quê ở ngay xã Đông Quang này. Thời chống Mỹ, ông nhập ngũ, chiến đấu tại mặt trận Trị Thiên Huế. Ông vẫn nhớ rõ ngày mình bị thương là 30/3/1975, khi đang làm công tác rà phá bom mìn trên sân bay Phú Bài (Huế). Thời khắc đó, chiếc máy rà mìn của ông chẳng may đụng phải quả đạn M79. Một tiếng nổ lớn vang lên, ông Xuyến ngã xuống, ngất lịm đi. Vụ nổ làm chân phải của ông bị gãy nát, phần bụng, nội tạng và khí quản bị tổn thương nặng do những mảnh đạn găm vào.

Thú vui lúc rảnh rỗi của ông Xuyến là chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh

Thú vui lúc rảnh rỗi của ông Xuyến là chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh

Đồng đội lập tức đưa ông vào cấp cứu tại Bệnh viện dã chiến số 68 của quân Giải phóng. “Tôi mất rất nhiều máu, tình trạng vô cùng nguy kịch. Đúng lúc ấy, có hai đồng chí tên Điền và Nguyễn thuộc Đoàn thanh niên của bệnh viện đã tình nguyện hiến khẩn cấp cho tôi nửa lít máu. Sau 4 giờ truyền máu, tôi tạm thoát khỏi cửa tử”, ông kể. Khi ông tỉnh lại, hai đồng chí ấy đã điều chuyển đi khu vực khác, nên đến giờ, ông vẫn chưa một lần được gặp mặt ân nhân.

Ở lại điều trị với thương tật nặng nề, các bác sĩ, y tá của bệnh viện thường nấu những món ông thích ăn, mang tới những cuốn sách ông thích đọc, rồi hát những ca khúc ông thích nghe nhất. Đặc biệt, nữ y tá tên Chót vừa mới sinh con được vài tháng nhưng đêm nào cũng túc trực ở bệnh viện để chăm sóc ông. “Chị Chót mặc bộ đồ y tá màu trắng vừa bế, vừa ru con ngủ lại vừa tất tả khắp nơi để chăm sóc cho tôi. Hình ảnh ấy tôi không bao giờ quên được…”, ông Xuyến xúc động.

Rời trung tâm thương binh và 15 năm khổ luyện

Sau hơn 3 năm điều trị tại Bệnh viện dã chiến 68, Bệnh viện Quân y 103 và Trung tâm nuôi dưỡng thương binh của tỉnh Thái Bình, ông Xuyến xin trở về nhà để tự điều trị và tập phục hồi chức năng. “Thời gian ở trung tâm thương binh, tôi đã gặp rất nhiều anh em có nghị lực phi thường. Họ chỉ còn một chân mà vẫn đánh bóng bàn, bóng chuyền ầm ầm! Mình còn cả hai chân, chả nhẽ không cố được?”, ông Xuyến nói.

Nhưng quá trình tự tập phục hồi chức năng không dễ dàng chút nào. Giai đoạn đầu, ông Xuyến chỉ có thể rà nhẹ chân phải (chân bị gãy nát - PV) trên mặt đất để tìm lại cảm giác. Những lúc ngồi, ông lại đeo một quả tạ nặng khoảng 1-2 cân vào cổ chân phải để tập cho chân có thể co, duỗi trở lại. Những lúc như thế, cơn đau thấu xương tuỷ ập đến, nước mắt ứa ra nhưng ông vẫn cắn răng chịu đựng.

Thương binh Vũ Văn Xuyến và vợ - bà Đào Thị Thóc

Thương binh Vũ Văn Xuyến và vợ - bà Đào Thị Thóc

Những bằng khen về công tác xã hội của thương binh Vũ Văn Xuyến. Ảnh: Việt Khôi

Những bằng khen về công tác xã hội của thương binh Vũ Văn Xuyến. Ảnh: Việt Khôi

Dần dà, ông bỏ được nẹp chân rồi bỏ luôn nạng, tự đi được xe đạp rồi xe máy và bây giờ có thể vừa đi vừa xách hai xô nước khoảng 5 lít mỗi xô mà không vấn đề gì. Kể thì vắn tắt vậy nhưng quá trình ấy kéo dài đến 15 năm trời với sự giúp đỡ của người thân. “Tôi không thể làm được mà không có sự giúp đỡ của vợ. Bà ấy dìu dắt tôi từ những bước chân đầu tiên cho đến khi tôi có thể tự đi lại bình thường”, ông Xuyến nói rồi nắm chặt lấy bàn tay vợ. Từ ngày ông Xuyến bị thương, mọi công việc, từ làm ruộng, xây nhà tới chăm sóc ông, giúp ông tập đi, đều do một tay bà Thóc lo liệu. Ông Xuyến hay đùa rằng bà Thóc là người “y tá vĩ đại nhất cuộc đời mình”.

“Ông nhà tôi cũng “lì” lắm, không vừa đâu! Chân bị thương nặng mà cứ thấy tôi làm gì là lại lao vào giúp. Tôi ra ruộng trồng khoai thì ông ấy chống nạng đi theo, ngồi xổm xuống giúp tôi vun đất. Lúc xây nhà mới, ông ấy lại chống nạng đi ra phụ tôi trát vữa. Trát được một lúc thì thanh niên trong làng kéo đến bảo hai bác nghỉ ngơi đi, để đó chúng cháu làm. Khi tôi sinh con thì ông ấy ở nhà chăm con cho tôi đi làm ruộng. Lúc tự đi được rồi thì còn đòi ra ruộng kéo bừa giúp tôi, nhưng tôi không đồng ý!”, bà Thóc nói. Rồi hai người nhìn nhau cười, đôi bàn tay vẫn nắm chặt.

Sống như những đoá hoa

Với ông Xuyến, việc cố gắng luyện tập để tự đi lại được đã là điều phi thường. Nhưng không dừng lại ở đó, ông còn hăng hái tham gia vào rất nhiều hoạt động chung của địa phương. Với uy tín của mình, ông Xuyến được người dân bầu làm trưởng thôn Hưng Đạo Tây, rồi làm Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Đông Quang. Thời kỳ này, ông đã cùng một số người vận động bà con làm nghề dệt bao tải đay để xuất khẩu sang Cuba. Từ đó, bộ mặt kinh tế của xã dần được cải thiện, người dân có thêm công ăn việc làm để nâng cao thu nhập. Về sau, khi nghề này mai một dần, ông Xuyến chuyển sang làm đại lý phân phối bột giặt OMO cho thương hiệu Unilever.

Ông Xuyến đã nhận được rất nhiều bằng khen của UBND tỉnh Thái Bình và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vì những thành tích của mình trong công tác chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.

Để giúp xã Đông Quang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, ông Xuyến đã huy động nguồn vốn xã hội hoá để cải tạo hai con đường tại thôn Hưng Đạo Tây. Từ năm 2014 đến nay, ông tham gia Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã Đông Quang với chức danh Chủ tịch Hội. Người thương binh kiên cường ấy không nề hà bất cứ công việc gì, từ làm kinh tế, xây dựng nông thôn mới tới khắc phục hậu quả chiến tranh cho các cựu chiến binh và gia đình của họ. Ông bảo, những người bị nhiễm chất độc da cam còn khổ hơn mình nhiều vì đời con, đời cháu họ cũng phải chịu hậu quả.

Nói về ước nguyện của mình, ông chỉ mong một lần được gặp lại những ân nhân như hai đồng chí Điền, Nguyễn và chị Chót y tá. Nếu không thể gặp trực tiếp, thì gặp con cháu họ thôi cũng được. Ông chỉ muốn được nói lời cảm ơn, để trả cái nợ ân tình ông đã mang theo cả cuộc đời…

(còn nữa)

Có thể bạn quan tâm