Phóng sự - Ký sự

Mai này giếng cổ hóa rêu phong…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng được xem là nơi còn sót lại rất nhiều giếng cổ có niên đại hàng trăm năm, với khoảng gần 90 cái. Cùng với một số di tích khác, các giếng cổ này mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm với kết cấu, kiểu dáng rất độc đáo, là một trong những minh chứng cho sự hình thành, phát triển của vùng đất này. Thế nhưng, những giếng cổ này đang đứng trước nguy cơ trở thành phế tích hoặc bị xóa sổ trước tốc độ đô thị hóa.

Độc đáo và bí ẩn

 

Nước ở giếng cổ Bá Lễ (Hội An) vẫn được người dân sử dụng. Ảnh: Hà An
Nước ở giếng cổ Bá Lễ (Hội An) vẫn được người dân sử dụng. Ảnh: Hà An

Tương truyền, trong số gần 80 giếng cổ ở Hội An thì phần lớn là do người Chăm xây nên với ba kiểu hình dáng cơ bản: hình tròn, chiếm khoảng 63%; hình vuông, chiếm 17% và trên hình tròn, dưới hình vuông. Một số ít giếng cổ là do người Việt sau này học hỏi kinh nghiệm của người Chăm để xây giếng.

Dù hình dáng có khác nhau nhưng tất cả các giếng cổ ở Hội An đều có chung đặc điểm là dưới thành gạch đều được cáng một khung gỗ lim rộng bản. Điều này được giải thích là do đặc điểm thổ nhưỡng của vùng này là đất cát, khung gỗ có vai trò đảm bảo tuổi thọ của giếng, giữ cho thành giếng không bị sụt lún. Lòng thành giếng được xây dựng từ những viên gạch đan xen xếp chồng lên nhau mà không dùng chất kết dính, tạo khe hở giữa từng lớp gạch, từ đó nước từ trong lòng đất cứ thế ứ ra từ những khe hở tạo cho giếng cổ một mực nước quanh năm duy trì trong chế độ bão hòa. Các nhà nghiên cứu khảo cổ cho rằng, có thể các giếng này được xây dựng vào khoảng từ thế kỷ thứ VIII-IX. Vào thời kỳ này, nước giếng từng là một trong những loại hàng hóa khá độc đáo mà người xưa dành để trao đổi với các thuyền buôn Ba Tư, Ả Rập.

Làng chài Nam Ô, nằm dưới chân đèo Hải Vân (Đà Nẵng) hiện vẫn còn 4 giếng cổ hình vuông với kiểu kết cấu rất độc đáo. Vách giếng được ghép bằng những tấm đá xanh bề dày 0,10 mét, ngang 1 mét và cao 0,6 mét. Cứ bốn tấm đá như thế, người xưa ghép thành một ô vuông, mỗi cạnh một mét ăn trong khớp rãnh được tạo sẵn. Từ đáy giếng, từng ô vuông đặt chồng lên nhau trong khe âm dương lên tới thành giếng. Mỗi giếng có từ 12 đến 14 lớp ô vuông đá tảng. Bốn lớp trên cùng khép vào khe của 4 trụ đá vuông 0,20 x 0,20 mét, gọi là trụ giếng. Trên mỗi đầu trụ giếng khắc sâu chạy viền thành cổ trụ. Trên thành giếng là 4 thanh đá khác dài một mét đặt nằm ngang, 2 đầu thanh đá đóng vào mộng được đục sẵn trên vai trụ giếng. Đáy thành giếng có khe áp vào đầu tấm đá dưới nền thành giếng với kết cấu chắc chắn, bền vững. Ông Đặng Phương Trứ-một nhà nghiên cứu văn hóa địa phương kể: “Nghe kể rằng thuở xa xưa, trước khi đào giếng, dân làng phải thuê thầy địa lý thăm dò mạch nước. Đá xây giếng phải là đá xanh được lấy từ núi Trường Định, cách làng Nam Ô khoảng 10 km. Cũng có thể đây là nguyên do vì sao qua hàng trăm năm những giếng cổ vùng này vẫn không hề bị khô cạn, nước ngọt ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Lạ một điều là dân quanh đây lấy nước từ giếng về, cứ thế mà uống, không cần đun sôi mà bụng dạ cũng chẳng bị làm sao”.

Lạ một điều là hầu hết mỗi giếng cổ ở Hội An đều có ban thờ. Người xưa quan niệm, mỗi cái giếng đều có một vị thần bảo hộ cho nguồn nước ngọt lành. “Xưa bày nay làm”, những người đến gánh nước vào ngày Rằm, mùng Một đều thắp nén nhang nhớ ơn vị thần này. Theo đó mà nhiều giai thoại dân gian về công dụng nước giếng cổ được truyền hết đời này sang đời khác. Nhưng có một sự thật là, nhiều giếng cổ ở Hội An đã trở nên nổi tiếng như giếng Bá Lễ bởi với người dân sống hàng bao đời nay ở phố Hội, thậm chí cả những nhà hàng ẩm thực dành cho khách Tây thì nguồn nước từ giếng này đã tạo nên nét riêng biệt, làm nên “hồn vía” cho những món vẫn đặc sản nổi tiếng như Cao Lầu, chè Xí Mà…

Khuất lấp và bị xóa sổ

 

Phần lớn các giếng cổ ở Hội An, Đà Nẵng rơi vào tình trạng hoặc bị cỏ mọc um tùm, đầy rác hoặc bị bịt kín… Ảnh: Hà An
Phần lớn các giếng cổ ở Hội An, Đà Nẵng rơi vào tình trạng hoặc bị cỏ mọc um tùm, đầy rác hoặc bị bịt kín… Ảnh: Hà An

Theo thống kê của ngành văn hóa phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) thì vốn trước đây, vùng Nam Ô có 6 giếng cổ, phân bố đều khắp theo 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, khoảng cách mỗi giếng từ 200 mét đến 300 mét. Qua quá trình đô thị hóa, một trong số 6 giếng ấy đã bị san bằng, vùi sâu trong lòng đất. Bốn trong tổng số 5 giếng còn lại hiện vẫn được người dân sử dụng lấy nước sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, hiện làng Nam Ô đang nằm trong dự án quy hoạch khu du lịch sinh thái của thành phố, theo sơ đồ, có hai trong 5 giếng cổ nằm trên trục đường có khả năng sẽ bị san lấp.

“Sở hữu” nhiều giếng cổ nhất, nhưng rất nhiều giếng cổ ở Hội An đang dần dần trở thành “phế tích” bởi sự tàn phá của thời gian và con người. Thậm chí có những giếng cổ nằm ngay trong lòng phố cổ, nơi khách du lịch thường xuyên qua lại nhưng cây cỏ mọc um tùm quanh miệng giếng. Thậm chí, một số giếng bị che đậy bịt kín và không ít giếng trở thành nơi chứa rác của các hộ dân. Ngoài một số ít giếng được bà con xung quanh vùng có giếng và các phu nước thường xuyên nạo vét, giữ gìn, đa phần còn lại bị rong rêu phủ đầy.

Có một thực tế nữa là hình dáng của các giếng cổ ít nhiều đã bị biến dạng. Theo giải thích của ông Đặng Phương Trứ-một nhà nghiên cứu văn hóa địa phương, nguyên nhân một phần là do cấu trúc thành giếng xưa thường thấp, chỉ cao chưa tới đầu gối. Bởi vậy, nếu trẻ con chơi xung quanh khu vực giếng thì rất nguy hiểm, và cũng đã xảy ra trường hợp đáng tiếc. Vậy nên, để đảm bảo an toàn cho con em mình, các bậc cao tuổi sống xung quanh khu vực có giếng sâu bàn cách góp tiền nâng cao thành giếng lên cách mặt đất khoảng 1 mét. Điều đó phần nào làm mất mỹ quan vốn có của những chiếc giếng cổ bởi cái phần bê tông hóa bên trên nó.

Cùng với các di tích còn sót lại như đền tháp, miếu mạo… thì giếng cổ là một trong những giá trị văn hóa vật thể phản ánh đời sống sinh hoạt của cộng đồng cư dân Chămpa tại đây từ hơn 10 thế kỷ trước. Chính vì vậy mà đã hơn một lần, Trung tâm Bảo tồn Di tích Hội An đã đưa ra kiến  nghị về việc khẩn tập tu bổ, bảo vệ loại hình di dản này. Thế nhưng, trừ một vài giếng cổ hiện vẫn đang được người dân sử dụng, phần lớn những giếng cổ có niên đại hàng trăm năm qua đã và đang trở thành phế tích. Mới đây, tại hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả điều tra khảo sát di sản văn hóa khảo cổ học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vào tháng 3-2012, vấn đề bảo tồn các giếng cổ tại Nam Ô cũng được lưu ý cần ưu tiên hàng đầu trước nguy cơ mai một.

Hà An

Có thể bạn quan tâm