(GLO)- Những năm qua, huyện Mang Yang (Gia Lai) luôn quan tâm hỗ trợ nguồn vốn cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng và hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Ưu tiên vốn cho gia đình chính sách
Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi kịp thời đến với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mang Yang đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương rà soát, nắm tình hình và nhu cầu thực tế của các hộ. Nếu thành viên gia đình chính sách, người có công còn trong độ tuổi lao động, có nhu cầu vay vốn thì tạo mọi điều kiện để họ có nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, anh Nguyễn Quốc Hưng (bìa trái) ở thôn Tân Phú, xã Đak Djrăng có thêm điều kiện để chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: S.C |
Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Quốc Hưng (thôn Tân Phú, xã Đak Djrăng). Là con trưởng trong gia đình, anh Hưng hiện đang chăm sóc người cha là thương binh đã 93 tuổi. “Với mức vay 30 triệu đồng, lãi suất ưu đãi 0,75%/tháng và thời gian vay 36 tháng, anh Hưng hoàn toàn yên tâm sử dụng nguồn vốn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư chăm sóc 1.000 trụ hồ tiêu và 1.500 cây cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh. Riêng mùa thu hoạch vừa rồi, gia đình anh thu được hơn 3 tấn hồ tiêu, gần 8 tấn cà phê. Anh Hưng chia sẻ: “Đồng vốn ngân hàng tuy ít so với nhu cầu nhưng nhờ đó, tôi có điều kiện mua vật tư phân bón chăm sóc cho 2 vườn cây”.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Lành (thôn Tân Phú, xã Đak Djrăng) thuộc diện thân nhân liệt sĩ. Chị Lành đã vay 50 triệu đồng nguồn vốn chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Theo chị, dù mức cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội còn khá hạn hẹp so với nhu cầu, thế nhưng đồng vốn với lãi suất ổn định đã phát huy hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình.
Tăng cường hỗ trợ người dân làng đặc biệt khó khăn
Tại xã Lơ Pang (xã đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang), hoạt động tín dụng chính sách đã phủ sóng hầu hết 8 thôn, làng với dư nợ tín dụng đạt hơn 12,3 tỷ đồng, chiếm 5,4% dư nợ toàn huyện. Đặc biệt, tại làng căn cứ cách mạng Pờ Yầu, tín dụng chính sách là kênh vốn ngân hàng duy nhất tiếp cận với bà con địa phương. Nếu như đầu năm 2018, tổng dư nợ của làng Pờ Yầu là hơn 1,1 tỷ đồng/58 hộ vay thì đến nay, dư nợ đã tăng lên 1,75 tỷ đồng/72 hộ vay. Đáng chú ý, nguồn vốn tín dụng không chỉ dừng lại ở cho vay hộ nghèo (45/70 hộ) mà đã mở rộng cho vay hộ cận nghèo (23/44 hộ), cho vay nhà ở (3 hộ), cho vay nước sạch vệ sinh môi trường (1 hộ). “Hiện nay, bên cạnh cây bời lời, cây hồ tiêu thì Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang triển khai mô hình trồng cà phê cho 1 hộ tại Pờ Yầu. Quan điểm của chúng tôi là nếu người dân có nhu cầu, đủ điều kiện thì phía ngân hàng sẵn sàng đáp ứng vốn cho bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập”-ông Bùi Công Nguyên-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mang Yang-khẳng định.
Được biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Mang Yang còn 2 làng đặc biệt khó khăn là Pờ Yầu (xã Lơ Pang) và Đê Ptưk (xã Đak Jơ Ta). Tiếp theo sau Pyầu, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đang xúc tiến làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con làng Đê Ptưk mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kết hợp với công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, góp phần giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Sơn Ca