Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Mạnh tay xử lý nợ đọng bảo hiểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tính đến hết tháng 6-2022, toàn tỉnh Gia Lai có 1.178 đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với tổng số nợ lên đến 97 tỷ đồng; trong đó, 961 đơn vị nợ từ 1 đến 3 tháng, 200 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên và 17 đơn vị nợ khác. Nhiều đơn vị dây dưa, nợ đọng kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Người lao động chịu thiệt thòi

Theo BHXH tỉnh, những đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài với số nợ lớn như: Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (nợ 7,5 tỷ đồng); Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 406 (nợ trên 4,6 tỷ đồng), Chi nhánh Công ty Sông Đà 901 (Công ty cổ phần Sông Đà 9) nợ trên 3,3 tỷ đồng… Cá biệt, một số đơn vị chỉ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 1 đến 2 lao động nhưng không đóng nhiều tháng liền với số tiền nợ lên đến hàng trăm triệu đồng như: Công ty cổ phần Khoáng sản và luyện kim Tây Nguyên đóng BHXH bắt buộc cho 1 lao động nhưng đến nay nợ 85 tháng với tổng số tiền trên 432 triệu đồng; Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Đức Sang Gia Lai đóng BHXH bắt buộc cho 2 lao động nhưng nợ đóng lên đến 63 tháng với số nợ trên 295 triệu đồng.

Trong tháng 6-2022, BHXH tỉnh cùng Công an tỉnh đã mời 16 đơn vị làm việc để làm rõ tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Ảnh: Như Nguyện


Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Tuấn-Trưởng phòng Quản lý thu (BHXH tỉnh) cho rằng: “Việc đơn vị nợ đóng bảo hiểm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi cũng như xác nhận quá trình tham gia BHXH khi người lao động nghỉ việc. Trong khi đó, theo quy định, đóng BHXH đến đâu thì được hưởng đến đó nên người lao động chỉ được xác nhận đến thời điểm đơn vị nộp đủ tiền. Ngoài ra, người lao động không được giải quyết kịp thời các chế độ như: hưu trí, ốm đau, thai sản… nếu đơn vị nợ đóng BHXH. Cùng với đó, người lao động sẽ bị ảnh hưởng đến gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ vì đơn vị nợ đóng các khoản về BHXH, BHYT, BHTN”.

Lý giải về việc nợ đóng bảo hiểm kéo dài, ông Đinh Văn Đại-Giám đốc Chi nhánh Công ty Sông Đà 901-cho biết: Công ty có nguồn vốn nhà nước chiếm 58% nhưng do tình hình đặc thù các công trình lớn chưa quyết toán nên chưa thu được nợ. Hiện các công trình đang nợ chúng tôi trên 306 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị. “Dự kiến sau đại hội cổ đông Tổng Công ty Sông Đà, đơn vị sẽ xây dựng phương án trả nợ đóng BHXH. Cụ thể, trong quý III-2022, đơn vị sẽ thanh toán tiền nợ”-ông Đại nói.

Còn ông Nguyễn Tiến Dũng-Tổng Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 406 thì cho hay: Trong năm 2022, đơn vị sẽ thanh toán số nợ gốc. Cụ thể, quý III-2022, sẽ thanh toán 1,5 tỷ đồng (500 triệu đồng/tháng) và quý IV-2022, sẽ thanh toán 1,8 tỷ đồng (600 triệu đồng/tháng). Đối với tiền lãi, qua năm 2023, chúng tôi sẽ thanh toán dứt điểm.

Khẩn trương thu hồi nợ đọng

Việc dây dưa, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN là thực trạng đáng lo ngại nhiều năm qua. Nhằm tăng cường công tác thu hồi nợ các loại bảo hiểm, từ đầu năm đến nay, BHXH tỉnh đã gửi thông báo đôn đốc các đơn vị thực hiện nghĩa vụ. Bên cạnh đó, tiến hành thanh tra đột xuất các đơn vị nợ nhiều, nợ kéo dài. Qua thanh tra, BHXH tỉnh đã phát hiện và xử phạt những trường hợp vi phạm theo quy định, yêu cầu chấn chỉnh và chấp hành nghiêm chính sách pháp luật bảo hiểm.

Công chức Bảo hiểm Xã hội tỉnh hướng dẫn người dân các chế độ liên quan lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ảnh: Như Nguyện


Ngoài ra, thực hiện chương trình phối hợp công tác liên ngành, trong tháng 6-2022, BHXH tỉnh cùng Công an tỉnh đã mời 16 đơn vị đến làm việc để làm rõ tình hình nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Phát biểu tại buổi làm việc với các đơn vị, ông Lê Trung Nam-cán bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) nêu rõ: Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, các đơn vị phải chuyển trả BHXH, BHYT, BHTN và có cam kết lộ trình nộp tiền vào quỹ BHXH, BHYT. Các đơn vị nợ nhiều, kéo dài, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động là vi phạm pháp luật. Hiện nay, Bộ luật Hình sự đã quy định rõ nội dung này tại Điều 214, 215, 216. Vì vậy, các đơn vị cần nghiêm túc chấp hành. Nếu không thực hiện theo đúng cam kết, cơ quan BHXH căn cứ các quy định của pháp luật để chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an xử lý theo quy định.

Theo ông Trần Ngọc Tuấn: Ngoài việc gửi thông báo chậm đóng, nợ đóng đến các đơn vị, BHXH tỉnh sẽ công khai danh sách các doanh nghiệp nợ BHXH trên phương tiện thông tin đại chúng. “Thời gian tới, ngành BHXH tiếp tục phối hợp thanh tra, kiểm tra chuyên ngành để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm hành vi trốn đóng, nợ đóng BHXH. Xem xét và chuyển hồ sơ các đơn vị nợ BHXH kéo dài sang cơ quan Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Người lao động cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc đóng BHXH của đơn vị đối với mình. Nếu phát hiện đơn vị vi phạm thì thông báo cho tổ chức Công đoàn hoặc cơ quan BHXH tỉnh để kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh, bảo vệ quyền lợi cho mình”-ông Tuấn nhấn mạnh.

 

NHƯ NGUYỆN

 

Có thể bạn quan tâm