Trong 1 năm, 2 lần nhận giấy báo tử từ chiến trường gửi về, mẹ Đậu Thị Dự ngã quỵ. Đằng đẵng gần 50 năm qua, mẹ vẫn đợi các con trở về, dù thân xác các con giờ chỉ còn là nắm đất.
Mẹ Đậu Thị Dự vẫn chưa yên lòng khi hài cốt các con chưa được tìm thấy ẢNH: KHÁNH HOAN |
Hai lần tiễn con đi…
Căn nhà trông rất bình yên của Mẹ Việt Nam anh hùng Đậu Thị Dự nằm bên con đường làng ở xã Diễn Thành (H.Diễn Châu, Nghệ An). 95 tuổi, mẹ vẫn khỏe mạnh, nhưng tuổi tác và trải qua bao giông bão cuộc đời đã khiến mẹ lúc nhớ lúc quên. “Ai đây? Hay là thằng Khương, thằng Hường?”, mẹ Dự níu lấy tay tôi, hỏi dồn. Ông Cao Đức Vượng, con trai mẹ, nói với tôi: “Đó là tên của hai người anh trai tôi đã hy sinh, thấy người lạ, bà cứ thường hỏi như vậy…”.
Mẹ Dự nên duyên với ông Cao Quế, người cùng làng, rồi sinh được 6 người con, 3 trai, 3 gái. Ông Quế sinh thời công tác ở UBND xã Diễn Thành. Bà Cao Thị Phương, con gái mẹ Dự, kể căn nhà của bố mẹ bà từng trở thành nơi ở những tháng ngày đầu của cán bộ tập kết từ miền Nam ra. Nhiều cán bộ đã ở lại trong căn nhà này mấy tháng trời. Những cán bộ tập kết ban đầu còn gặp khó khăn, bỡ ngỡ, được gia đình mẹ Dự cưu mang, sau đó được bố trí công việc và nơi ở mới tại các địa phương.
Năm 1967, anh Cao Huy Khương, con trai đầu của vợ chồng mẹ Dự, cưới vợ xong thì lên đường nhập ngũ. “Chúng tôi cũng không biết anh ấy chiến đấu ở chiến trường nào, nhưng khoảng 1 năm sau khi nhập ngũ, anh ấy được về phép mấy ngày để thăm con gái mới sinh, rồi lại đi”, ông Cao Đức Vượng kể. Đó cũng là lần cuối cùng gia đình được gặp anh.
Ngày 28.11.1971, anh Khương hy sinh nhưng hơn 2 năm sau, gia đình mới nhận được giấy báo tử. Cũng trong năm 1971, anh Cao Quang Hường (sinh năm 1952), người con thứ 3 của mẹ Dự, lên đường nhập ngũ. Anh Hường là lính trinh sát đặc công. Sau khi nhập ngũ, anh Hường được đưa đến H.Yên Thành (Nghệ An) để huấn luyện, sau đó vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam.
“Trên đường hành quân từ Nghệ An vào Nam, do đường hành quân gần nhà nên anh tôi có ghé về thăm nhà được mấy phút. Sau đó, tôi phải mượn xe đạp, gò lưng đạp để chở anh tôi đến đền Cuông, cách nhà 10 cây số, mới đuổi kịp đồng đội anh ấy. Đó cũng là lần cuối tôi gặp anh tôi”, ông Vượng bùi ngùi.
Ngày 31.10.1972, anh Hường hy sinh. Nhưng đến năm 1974, gia đình mới nhận được giấy báo tử. “Năm đó, gia đình tôi nhận 2 giấy báo tử. Cha tôi là cán bộ xã, ông mạnh mẽ nên giấu kín nỗi đau, còn mẹ tôi thì ngã quỵ”, ông Vượng nhớ lại.
Sau khi nhận được giấy báo tử của anh Khương không lâu, vợ anh để con gái còn nhỏ lại cho vợ chồng mẹ Dự nuôi, đi tìm cuộc sống mới. “Hồi đó, cuộc sống rất khó khăn. Cha tôi là cán bộ xã nhưng đồng lương chẳng ăn thua chi. Chị ấy ra đi, cha mẹ tôi không giận, trái lại rất thương”, ông Vượng kể. Người cháu gái ấy đã được vợ chồng mẹ Dự nuôi ăn học, nay cũng đã có con.
Các anh chưa về
Hai người anh trai hy sinh, giấy báo tử sau đó cũng bị thất lạc và hư hỏng, không còn đọc được nữa nên ông Vượng không biết các anh của mình từng tham gia chiến đấu ở đơn vị nào để đi tìm kiếm mộ phần, hài cốt. “Tôi nhớ, trong giấy báo tử ghi ngày, tháng, năm các anh tôi hy sinh nhưng chỉ ghi là hy sinh ở chiến trường phía nam, không rõ ở tỉnh, huyện nào nên rất khó để tìm kiếm”, ông Vượng nói. Ông Vượng cũng trăn trở: “Thấy mẹ tôi không yên lòng khi chưa tìm được hài cốt của con, tôi cũng rất áy náy”.
Ông Vượng từng tìm đến huyện đội, tỉnh đội để tìm kiếm thông tin về nơi hy sinh của các anh mình nhưng không có kết quả. Những năm 2010 - 2012, thời điểm xuất hiện nhiều nhà “ngoại cảm” và trung tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ khiến nhiều người tin theo, ông Vượng cũng lần tìm đến một số trung tâm để hy vọng vào việc tìm kiếm bằng tâm linh này. Kết quả, thông tin “ngoại cảm” cho rằng mộ phần của liệt sĩ Cao Huy Khương đang ở H.Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Ông Vượng lập tức thuê xe ô tô rồi cùng các con trai của ông vào tận địa chỉ này để tìm kiếm. Khi ông tìm đến địa điểm được chỉ, thì đó là một khu đất đồi nằm gần nghĩa địa. Người dân địa phương cho ông biết, khu vực này trước đây là chiến trường rất ác liệt, xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa ta và địch. Nghe vậy, ông Vượng rất hy vọng và thuê một máy múc, bới đất để tìm kiếm. Nhưng cuộc tìm kiếm khá công phu này không có kết quả như kỳ vọng.
Cha con ông Vượng trở về và sau đó, ông tiếp tục thực hiện 3 chuyến tìm kiếm khác ở Gia Lai, nhưng vẫn không có kết quả. Cách đây chừng 3 năm, ông Vượng tình cờ gặp được một người đồng đội cũ cùng đơn vị với liệt sĩ Cao Quang Hường, anh trai ông. Người này cho biết, anh Hường hy sinh tại chiến trường thuộc H.Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, và được ông chôn cất ở khu đồi của H.Hương Thủy.
Do lúc đó có nhiều người cùng hy sinh, cuộc chiến quá ác liệt nên ông và đồng đội còn sống cũng chỉ kịp đào hố để chôn cất mà không kịp để lại các di vật để sau này phục vụ cho việc tìm kiếm. Người đồng đội này cũng nói, ông đã từng có dịp trở lại khu đồi ở H.Hương Thủy, nhưng ở đó đã thay đổi rất nhiều và giờ không thể nhận ra được vị trí chôn cất nữa. “Tôi đã thực hiện nhiều cách để tìm kiếm, nhưng vẫn chưa có kết quả. Chúng tôi chỉ hy vọng tìm thấy hài cốt các anh tôi để mẹ tôi an lòng”, ông Vượng mong mỏi.
Cụ Cao Quế mất năm 1997. Từ đó, mẹ Dự sống với vợ chồng người con trai duy nhất còn lại là ông Vượng. Buổi sáng, khi tôi đến, cán bộ y tế xã cũng đến nhà mẹ Dự, thăm khám cho mẹ để kiểm tra sức khỏe trước khi mẹ ra Hà Nội tham dự chương trình gặp mặt đại biểu bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020. Cô cán bộ y tế khám xong, bảo sức khỏe của mẹ ổn. Một người con gái của mẹ Dự đưa cho mẹ chiếc áo dài, nói mẹ mặc thử. Mẹ Dự nhìn chiếc áo, lấy tay vân vê tà áo rồi cười móm mém: “Mua làm chi cho tốn kém”. Cô con gái bảo: “Của huyện tặng mẹ đó, không phải mua đâu. Mẹ mặc đi để mai đi Hà Nội”. Mẹ Dự cười: “Ờ, rứa thì được!”.
Thăm gia đình chính sách tiêu biểu tại Đà Nẵng Ngày 22.7, nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7), bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư, đã đến thăm và tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng). Cùng đi có Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa.
Bà Trương Thị Mai đã thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Nghệ (93 tuổi, trú P.Thuận Phước, có chồng và con trai là liệt sĩ; hiện đang sống cùng vợ chồng con trai cũng là thương binh 4/4, bị nhiễm chất độc hóa học); thăm bà Phan Thị Thông (69 tuổi, thương binh 1/4) và chồng là ông Nguyễn Văn Nho, thương binh 2/4 (trú P.Thuận Phước, Q.Hải Châu). Bà Trương Thị Mai đã ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe, cuộc sống của Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Nghệ; bày tỏ sự biết ơn của Đảng, Chính phủ và các thế hệ hôm nay đối với những hy sinh, cống hiến của mẹ Nghệ nói riêng và những người có công cách mạng nói chung. Huy Đạt |
Theo Khánh Hoan (Thanh Niên)