Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Mía "đứng đồng" người trồng thiệt hại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do việc tiêu thụ đường gặp khó khăn nên một số nhà máy đường chỉ hoạt động cầm chừng, chậm thu mua mía nguyên liệu cho người dân. Hậu quả là hiện nay, nhiều nông dân ở các huyện, thị xã phía Đông tỉnh đang mất ăn mất ngủ vì lo lắng khi nhiều diện tích mía trong khu vực chưa thể tiêu thụ được, thậm chí có nguy cơ phải chặt bỏ.

Niên vụ 2017-2018, nông dân trên địa bàn 4 huyện, thị xã phía Đông tỉnh trồng được hơn 30.000 ha mía. Đến nay, diện tích đã thu hoạch mới chỉ đạt gần 15.000 ha. Trong đó, huyện Kbang đã thu hoạch 3.638 ha, đạt 34,1% diện tích; Đak Pơ 3.714 ha, đạt 44,2%; Kông Chro 5.147 ha, đạt 68,1% và thị xã An Khê là 2.363 ha, đạt gần 70%. Đáng chú ý là từ đầu vụ thu hoạch đến nay, khu vực này đã xảy ra trên 20 vụ cháy mía, thiệt hại hơn 160 ha.

 

Hiện nay, nhiều diện tích mía ở khu vực phía Đông tỉnh vẫn chưa tiêu thụ được. Ảnh: N.M

Tại xã Kông Pla, một trong những địa phương có diện tích mía lớn nhất huyện Kbang, hiện còn hơn 870 ha mía của người dân chưa thể thu hoạch. Trong số này có 2,5 ha mía của gia đình bà Trương Thị Ngọc Bích ở thôn Kxum. Bà Bích cho biết: “Từ đầu vụ tới giờ, tôi đã rất nhiều lần gọi các đại lý tới thu mua nhưng vẫn bặt vô âm tín. Mía xung quanh đang chết khô, còn bên trong bị chuột cắn phá tan hoang. Nếu để thêm đôi tuần nữa chắc gia đình tôi mất trắng. Đã không thu được đồng nào, còn phải thuê người chặt bỏ”.

May mắn hơn gia đình bà Bích, chị Nguyễn Thị Hồng (trú cùng thôn) đã bán được 1,5 ha/3 ha mía. “Gia đình tôi còn 1,5 ha mía trồng cách nhà gần 20 km nhưng không biết bao giờ nhà máy mới thu mua. Trước đó, tôi phải nhờ mãi thì đến cuối tháng 3, đại lý mới tới chặt 1,5 ha mía sát nhà, thu được 80 tấn mía cây nhưng tới nay vẫn chưa lấy được tiền. Tôi nghe đại lý thông báo, giá cả đều phụ thuộc vào cách tính chữ đường của nhà máy”-chị Hồng bộc bạch.

Đầu vụ ép năm nay, Nhà máy Đường An Khê đưa ra mức giá 780 ngàn đồng/tấn mía cây 10 chữ đường mua tại ruộng. Tuy nhiên, theo một số đại lý thu mua mía, năm nay, phần lớn mía được nhà máy đo chỉ đạt 8-9 chữ đường, thậm chí 7 chữ. Ông Lê Văn Bộ-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tú An 1 (thị xã An Khê), cho rằng: Việc đánh chữ đường thấp dẫn tới giá thu mua thấp. Năm nay, công chặt và cước vận chuyển tăng 20-30 ngàn đồng/tấn, cộng chữ đường thấp nên thực tế, người dân chỉ bán được với giá 400-500 ngàn đồng/tấn mía cây. “Dù giá thấp nhưng một số nhà máy xung quanh không mấy mặn mà thu mua, dồn cả vào Nhà máy Đường An Khê nên lượng mía ngoài đồng còn khá nhiều”-ông Bộ nói.

 

Ảnh: Đức Thụy

Đánh giá về thiệt hại khi thời gian thu hoạch mía kéo dài, ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, phân tích: Mía để lâu dẫn tới khô héo làm giảm sản lượng và suy giảm sức tái sinh, ảnh hưởng đến năng suất vụ kế tiếp. Ngoài ra, nông dân còn phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại do mía cháy. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng ảnh hưởng rất lớn tới chủ trương triển khai cánh đồng mía lớn của địa phương, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. “Nhà máy Đường An Khê nên tăng cường thu mua mía nguyên liệu cho người dân và ưu tiên thu mua những cánh đồng mía lớn”-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang kiến nghị.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hảo-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê, cho biết: Mặc dù niên vụ ép 2017-2018, Nhà máy thu mua chậm gần 1 tháng so với niên vụ 2016-2017, các nhà máy đường xung quanh không thu mua, sản lượng mía năm nay lại cao hơn năm trước nhưng đến thời điểm này, Nhà máy đã tiêu thụ 1.100.000 tấn mía cây cho nông dân, cao hơn 300.000 tấn so với cùng kỳ niên vụ trước. Công suất bình quân của Nhà máy là 10.000 tấn mía cây/ngày đã được đẩy lên trên 16.000 tấn mía cây/ngày. Chúng tôi đã huy động toàn bộ máy thu hoạch mía liên hợp xuống đồng và ưu tiên thu hoạch diện tích cánh đồng mía lớn, mía ở vùng xa. Nhà máy cam kết mua hết mía cho người dân và dự kiến đến ngày 30-5 sẽ thu mua xong.

Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm