Miền ký ức nơi Gác Trịnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với những ai yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn, Gác Trịnh (tầng 2, số 203/19, khu tập thể đường Nguyễn Trường Tộ, TP. Huế) có lẽ là điểm dừng chân rất lý tưởng. Khi tôi lần bước trên những bậc thang gỗ cũ kỹ, một phụ nữ trung niên xinh đẹp vui vẻ nói: “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng đi trên những bậc thang này”. Vậy đấy, ngoài rất nhiều danh thắng nổi tiếng, đất cố đô còn níu chân du khách bằng những điểm đến thật thú vị.  

Đây là nơi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống và sáng tác hàng trăm bản nhạc trong thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Sau này, căn gác là nơi ở của gia đình nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường-một người bạn của ông. Năm 2013, một nhóm nghệ sĩ ở Huế đã thuê lại ngôi nhà này, mở quán cà phê, đặt tên là Gác Trịnh. Tên quán có lẽ được lấy cảm hứng từ một câu đầy tự sự: “Một đêm bước chân về gác nhỏ” trong bài hát “Đêm thấy ta là thác đổ” của cố nhạc sĩ.
 Khách đến thăm và hát ở Gác Trịnh. Ảnh: T.T
Khách đến thăm và hát ở Gác Trịnh. Ảnh: T.T
Đi trên những bậc thang đã in dấu chân người nhạc sĩ tài hoa năm xưa, chợt thấy một cảm giác bồi hồi, xa vắng đến nao lòng. Lan can tầng 2 kê một dãy ghế để khách nhìn xuống đường Nguyễn Trường Tộ, ngắm hàng long não xanh ngát. Đây cũng là nơi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ngồi ngắm phố xá, ngắm những “nàng thơ” mỗi khi tan trường hoặc chỉ để chìm trong xúc cảm của riêng mình rồi từ đó viết nên những nhạc phẩm mê đắm lòng người.
Quán nhỏ giản dị kê vài bộ bàn ghế. Tường được trang trí bằng nhiều bức tranh của họa sĩ Lê Huy Lâm, mỗi bức tranh lại thấp thoáng ca từ của Trịnh... Ông Lâm từng học Bách khoa, làm thầy giáo dạy Toán nhưng rồi lại bén duyên với hội họa, với nhạc Trịnh từ rất sớm. Gác Trịnh là nơi ông lưu giữ những kỷ vật của người nhạc sĩ mà ông hằng ngưỡng mộ.
Trong không gian xưa cũ ấy, bên tách cà phê buổi sớm, khách được nghe, được đàn, hát nhạc Trịnh, được xem lại những tranh ảnh lưu niệm mà bạn bè, gia đình ông tặng lại. Ai đó từng nói, những kỷ vật ấy đã làm nên một “không gian văn hóa Trịnh” ở nơi này. Có những kỷ vật quý như ảnh của danh ca Khánh Ly gửi tặng, lá thư tình ông viết cho Dao Ánh… Dao Ánh là người con gái rất đẹp, có đôi mắt to tròn trong bức ảnh được treo ở đây, phía dưới ghi hàng chú thích: “Dao Ánh-Thường ngang Gác Trịnh, dưới hàng cây long não đến trường Đồng Khánh (thập niên 60)”. Trong một lá thư được bà Dao Ánh tặng lại cho Gác Trịnh có đoạn: “Anh nhớ Ánh lắm mà ngôn ngữ thì quá chật hẹp, quá cũ kỹ không chuyên chở nổi sự nhớ nhung này. Nên anh đã nói, đã nhắc mãi mỗi ngày mà vẫn chưa đỡ nhớ tí nào”. Họa sĩ Lê Huy Lâm chuyện trò: Trong thời gian 4 năm yêu nhau, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết cho bà Dao Ánh hơn 300 lá thư. Người phụ nữ đặc biệt này là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ viết nên những ca khúc nổi tiếng như “Còn tuổi nào cho em”, “Lặng lẽ nơi này”, “Mưa hồng”, “Tuổi đá buồn”...
Họa sĩ Lê Huy Lâm mở ô cửa vừa đủ để ánh sáng lọt vào căn gác xép nhỏ. Một bản nhạc viết tay của nhạc sĩ còn được lưu lại trên bàn, nơi xưa kia ông thường ngồi sáng tác. Dường như bóng dáng người nhạc sĩ tài hoa vẫn còn đâu đó quanh đây.
Gác Trịnh còn là không gian triển lãm tranh, ra mắt các ấn phẩm giá trị hoặc những buổi giao lưu văn hóa giữa các văn nghệ sĩ. Mới đây, tưởng niệm 18 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, từ ngày 31-3 đến 6-4-2019, tại Gác Trịnh đã diễn ra triển lãm mỹ thuật của 7 họa sĩ với chủ đề “Để gió cuốn đi”. Lặng lẽ và giản dị, căn gác trở thành nơi lui tới của những người yêu nhạc Trịnh. Cả những người rất trẻ cũng tìm đến đây để được lắng sâu trong cõi Trịnh. Nơi góc nhỏ của quán có một vị khách nam ôm đàn nói: Thật tuyệt vời khi được hát nhạc Trịnh trong không gian Trịnh.
“Không biết cơ duyên nào đã khiến tôi và chị dừng chân tại Gác Trịnh. Chúng tôi không do dự mà bước vào đây. Có một chút âu yếm, một chút bất ngờ, để rồi tâm tư bộn bề bị bỏ quên ngoài cánh cửa kia, chỉ còn lại những cảm xúc khó nói thành lời…”.
“Yêu Trịnh Công Sơn và yêu Gác Trịnh. Nếu có cơ hội, mỗi lần đến Huế sẽ ghé lại nơi này”.
Đó là một số trong rất nhiều những trang cảm nhận của du khách từng ghé qua Gác Trịnh, được ghi lại trong lưu bút của họa sĩ Lê Huy Lâm. Với ông, niềm vui mỗi ngày là được cảm nhận tình cảm thương mến của mỗi người dành cho cố nhạc sĩ, dành cho Gác Trịnh. 
 THÚY TRINH

Có thể bạn quan tâm