Miền Trung: "Làm mới" chợ truyền thống hút du khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại một số tỉnh, thành phố miền Trung, chợ truyền thống không chỉ là nơi buôn bán mà từ lâu trở thành nơi tham quan, mua sắm của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Sau 2 năm dịch Covid-19, các chợ truyền thống ở miền Trung tự “làm mới” mình bằng các sản phẩm du lịch đặc trưng để sẵn sàng đón du khách. 
May áo dài tại chợ
Chợ Hàn (Đà Nẵng) - nơi hầu hết du khách trong nước và quốc tế khi đến du lịch đều ghé tham quan và mua sắm, bởi nơi đây có rất nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương, từ đặc sản cho đến quà lưu niệm. Vì thế, bên cạnh việc luôn làm phong phú đặc sản, quà lưu niệm, các tiểu thương ngành hàng vải vóc còn cung cấp thêm dịch vụ may đo “nóng” áo dài truyền thống tại chợ. 
Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, hiệu may Bích Thủy, cho biết, trước khi dịch bệnh, khách quốc tế đến may “nóng” áo dài khá đông, nhất là khách Hàn Quốc, Nhật Bản. Vào cao điểm mùa du lịch, trung bình mỗi ngày tiệm của chị nhận may khoảng 30-40 bộ áo dài cho du khách với giá chỉ từ 350.000-500.000 đồng/bộ, tùy chất liệu.
“Du khách quốc tế rất thích thú với áo dài truyền thống Việt Nam. Hơn nữa, chỉ cần 1-2 tiếng đồng hồ, sau khi khách dạo một vòng quanh chợ rồi quay trở lại lấy, phù hợp với khách theo tour”, chị Thủy cho hay. 

Tiểu thương chợ Hàn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) may đo áo dài. Ảnh: Xuân Quỳnh
Tiểu thương chợ Hàn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) may đo áo dài. Ảnh: Xuân Quỳnh
Tại chợ Đông Ba (Thừa Thiên - Huế), du khách dễ dàng tìm thấy các món ăn, sản vật hay đồ thủ công mang đặc trưng của vùng đất xứ Huế. Chỉ vài chiếc ghế nhựa, vài cái mẹt nhỏ để bày biện, nhưng cũng đủ để hàng ăn vặt trở nên phong phú. Dù vài lần thưởng thức, du khách vẫn cảm thấy mới mẻ bởi chính những món ăn ngon, riêng có, luôn gợi nhớ đến Huế. Không chỉ vậy, sự đông đúc, nhộn nhịp là yếu tố giúp các hàng ăn vặt nơi đây đắt khách. Thậm chí, để phục vụ tốt nhất cho du khách, những tiểu thương chợ Đông Ba còn tự học ngoại ngữ để giao tiếp. 
Thay “áo mới” cho chợ 
Là khu chợ lâu đời nhất TP Huế, chợ Đông Ba đã trở thành trung tâm mua sắm sầm uất với hơn 2.700 lô và hơn 1.800 hộ kinh doanh khoảng 60 ngành hàng từ cao cấp đến bình dân, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Trước khi dịch bệnh ảnh hưởng, bình quân mỗi ngày có khoảng 7.000-10.000 lượt du khách và người mua bán đến chợ. 
Bí thư Thành ủy TP Huế Phan Thiên Định cho rằng, lâu nay chợ Đông Ba đã trở thành “máu thịt”, là niềm tự hào không chỉ với người dân Huế mà còn của những người Huế xa quê, của du khách trong và ngoài nước. Cảnh mua bán nhộn nhịp “trên bến, dưới thuyền”, những tà áo dài truyền thống, hay thái độ phục vụ ân cần, nhẹ nhàng của người Huế luôn thu hút khách thập phương. 
“Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nghiên cứu mở rộng không gian chợ Đông Ba, đồng thời bố trí các mặt hàng phù hợp, khu giữ xe, khu dừng chân nghỉ ngơi cho du khách… Tỉnh cũng chú trọng việc khôi phục lại nét đẹp văn hóa trong kinh doanh, như vận động tiểu thương mặc áo dài, niêm yết giá, biết ngoại ngữ… để vừa giữ được phần “hồn” của chợ Đông Ba, vừa đáp ứng được nhu cầu mua sắm, tham quan cho du khách, trở thành điểm đến không thể thiếu khi đến Huế”, ông Định cho hay.
Để phục vụ tốt nhất khi lượng du khách đến ngày càng đông, Đà Nẵng đang lên phương án cải tạo, nâng cấp chợ Hàn theo hướng kết hợp chợ truyền thống và chợ hiện đại, tạo điểm nhấn du lịch với tổng kinh phí khái toán 9,68 tỷ đồng.
Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng Đàm Văn Tẩu cho biết: “Trước mắt, chúng tôi sẽ cải tạo cổng chợ Hàn trên đường Bạch Đằng - mặt tiền của chợ hướng ra bờ sông Hàn. Các hạng mục như bãi giữ xe, điện... cũng phải được nâng cấp trở thành một điểm đến về đêm, tăng thêm nhu cầu trải nghiệm những nét văn hóa mua bán, từ các đồ lưu niệm đến thưởng thức ẩm thực địa phương”.
Theo Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương, du lịch và thương mại có mối quan hệ hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau. Vì vậy, thời gian tới, ngành công thương sẽ phối hợp với ngành du lịch xây dựng kế hoạch hình thành một số chợ “điểm”, tạo sản phẩm du lịch đặc thù tại chợ. Đây cũng là nơi để quảng bá các sản phẩm thương mại đặc trưng của địa phương. 
Đồng tình việc hình thành chợ “điểm” du lịch, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị ngành công thương và du lịch xem xét tìm phương án khai thác thêm lợi thế chợ cá Thọ Quang và chợ đầu mối Hòa Cường - 2 chợ có tầm khu vực miền Trung - để trở thành điểm đến mua sắm của du khách.
Theo XUÂN QUỲNH - VĂN THẮNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm