Phóng sự - Ký sự

Mở 'cánh cửa vàng' cho thai nhi dị tật tim bẩm sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mang thai là kết quả viên mãn, là niềm hạnh phúc to lớn của những cặp nam nữ sau khi kết hôn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà có một số trường hợp thai nhi bị dị tật tim bẩm sinh (tim một thất) khiến những bậc cha mẹ cảm thấy đau đớn, dằn vặt, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống vợ chồng.

Để mở cánh cửa cuộc đời cho những thai nhi kém may mắn này, sau quá trình nghiên cứu, vừa qua, các y, bác sĩ Bệnh viện phụ sản Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh đã can thiệp thông tim thành công cho một thai nhi không có lỗ van động mạch phổi. Đến sáng 30/1/2024, khi thai nhi đã đạt 37 tuần 4 ngày thì ê-kíp bác sĩ quyết định ngưng thai kỳ, tiến hành ca mổ đưa cháu bé nặng 2,9 kg ra ngoài trong điều kiện sức khỏe bình thường, không phải can thiệp cấp cứu hoặc hỗ trợ thở oxy.

Hành trình cùng vượt khó

Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, một trong những thành viên chỉ huy ê-kíp bác sĩ thông tim bào thai cho biết, khi mang thai, chị Doãn Diệp Linh (sinh năm 1996, tại Đà Nẵng) được chồng đưa đến bệnh viện phụ sản khu vực thăm khám định kỳ. Phát hiện có điều bất thường, bệnh viện này đã đề nghị vợ chồng chị vào Bệnh viện Từ Dũ khám lại, qua các thủ thuật, bác sĩ phát hiện thai nhi không có van động mạch phổi. Đây là dạng dị tật hiếm có và hết sức nguy hiểm bởi những trường hợp này thường tiên lượng rất xấu, nếu vượt qua được thì sau khi sinh phải can thiệp bằng các loại máy móc để duy trì sự sống và giải pháp duy nhất là ghép tim nhưng cũng không mấy khả quan, ngoài ra, gia đình sản phụ cũng rất tốn kém.

Ê-kíp bác sĩ chuẩn bị cho ca mổ.

Ê-kíp bác sĩ chuẩn bị cho ca mổ.

Bác sĩ Trần Ngọc Hải động viên thai phụ trước khi tiến hành gây tê.

Bác sĩ Trần Ngọc Hải động viên thai phụ trước khi tiến hành gây tê.

Không chịu ngồi bó gối nhìn những sinh linh vô tội rơi vào tình trạng nguy cấp, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 1 lập ê-kíp gồm hơn 20 bác sĩ tập trung nghiên cứu, xác định tình trạng của thai phụ và thai nhi để tìm phương pháp can thiệp. Từng bác sĩ nếu nảy sinh bất kỳ sáng kiến nào thì lập tức đưa lên nhóm để tất cả cùng phân tích, đánh giá mặt ưu, mặt khuyết. Tuy nhiên, việc mời tư vấn từ các bác sĩ chuyên ngành từ các bệnh viện trong nước, khu vực và kể cả châu lục thì không nhận được phản hồi tích cực vì họ cũng chưa thực hiện can thiệp thai nhi không có van động mạch phổi bao giờ. Không nản chí, các bác sĩ tiếp tục tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu và đã tìm ra phương án tối ưu nhưng công đoạn thực hiện rất khó khăn, phức tạp là thông tim bào thai nhi. Được sự ủng hộ của gia đình và đặc biệt là sự phối hợp tốt của thai phụ, ngày 4/1, ê-kíp bác sĩ đã quyết định thực hiện can thiệp và đã thành công khi thời điểm ấy thai nhi đã được 32 tuần tuổi.

Đồng chỉ huy ê-kíp thực hiện can thiệp thông tim bào thai, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương chia sẻ, ngay từ những ngày đầu được tham gia nghiên cứu phương pháp can thiệp cho thai nhi, cả ê-kíp đã gặp không ít khó khăn. Trước hết, khi biết đứa con trong bụng mình bị dị tật tim bẩm sinh thì thai phụ, chồng và những người thân trong gia đình đều hoang mang, lo lắng bởi từ trước đến nay họ chưa từng nghe thấy trường hợp như vậy mà lại có tương lai khả quan. Để đi đến quyết định can thiệp này, ngay khi phát hiện bệnh tình của thai nhi, phụ trách ê-kíp đã giao cho bác sĩ Cẩm Giang, một người vừa giỏi nghề, vừa tâm lý trong việc giao tiếp với người bệnh, chịu trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn, động viên đối với thai phụ. Ngoài ra, cứ mỗi tuần, bác sĩ Giang sẽ siêu âm cho thai phụ một lần và trong thời điểm siêu âm, thai phụ tiếp tục được động viên, chia sẻ giống như làm cho chính bản thân mình. “Cho đến một ngày, thai phụ hiểu thông suốt, gia đình thai phụ ủng hộ và cam kết hợp tác toàn diện với ê-kíp, bác sĩ Giang òa khóc nức nở như chính bản thân trút bỏ được cục đá ngàn cân đang đè nặng trên vai rồi chạy đi gặp từng bác sĩ trong kíp để thông báo tin vui...”, bác sĩ Hương chia sẻ.

Gây tê khu vực thực hiện vết mổ trên bụng thai phụ.

Gây tê khu vực thực hiện vết mổ trên bụng thai phụ.

Con của mẹ đây rồi!

Sau quá trình vượt qua rất nhiều khó khăn, gian nan cùng nhiều cung bậc thử thách, nhận thấy đã đến thời điểm vàng để chấm dứt thai kỳ (thai nhi đã được 37 tuần 4 ngày), sáng 30/1, ê-kíp mổ do bác sĩ Trần Ngọc Hải và bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương đồng chỉ huy đã quyết định tiến hành mổ đẻ cho thai phụ Doãn Diệp Linh.

Gặp chúng tôi ngay sau khi vừa thực hiện xong ca mổ, bác sĩ Hải hồ hởi thông báo, mặc dù ê-kíp y, bác sĩ đã chuẩn bị sẵn các phương án nhằm kịp thời ứng phó với những diễn biến không tích cực có thể xảy ra, nhưng bé trai sau khi sinh, cắt cuống rốn nặng 2,9 kg, khỏe mạnh, hồng hào, tiếng khóc rất lớn nên cháu hòa nhập nhanh với môi trường bên ngoài bụng mẹ mà không cần bất cứ sự can thiệp nào. Đây là trường hợp đầu tiên không chỉ tại Việt Nam mà cả châu Á, một thai nhi mắc tim bẩm sinh không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất phải được sinh ra trong tình trạng khỏe mạnh, không phải can thiệp cấp cứu ngay sau sinh. Thông thường, thai nhi mắc loại dị tật tim này sẽ bị tím tái ngay sau sinh, phải hỗ trợ hô hấp và can thiệp tim mạch khẩn cấp ngay sau sinh nhưng nguy cơ tử vong vẫn cao.

Ngay sau khi em bé được sinh ra, ê-kíp các bác sĩ tim mạch và sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 đã siêu âm tim cho bé. Hình ảnh siêu âm cho thấy, máu từ thất phải lên động mạch phổi tốt, van động mạch phổi hẹp ở mức trung bình, tồn tại ống thông động mạch. Các bác sĩ kết luận, bé sơ sinh khỏe mạnh, không cần phải can thiệp thêm trong giai đoạn này. Em bé tiếp tục được theo dõi tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Ê-kíp mổ theo dõi diễn biến sức khỏe thai phụ từng phút, từng giây.

Ê-kíp mổ theo dõi diễn biến sức khỏe thai phụ từng phút, từng giây.

Trước khi đi đến quyết định chấm dứt thai kỳ đối với sản phụ Doãn Diệp Linh, ê-kíp đã lên kịch bản 4 tình huống xấu nhất có thể xảy ra để chuẩn bị phương án xử lý, bởi cũng như trong chiến đấu thì cuộc chiến nào cũng có con đường dẫn đến thành công nếu có sự chuẩn bị để lường trước những thất bại có thể xảy ra. Việc dữ liệu, lên kịch bản sẵn sẽ giúp kíp bác sĩ không bị động trước tất cả những tình huống xấu xảy ra. Nếu không can thiệp bào thai, trường hợp như thế này sẽ trở thành tim một thất nên sau khi sinh chắc chắn sẽ phải ghép tim và như vậy tỷ lệ thành công rất thấp. Đây là ca đầu tiên ở châu Á. Các bác sĩ sản khoa phải rất giỏi thì mới có thể can thiệp tim mạch bào thai bởi đây có thể gọi là cứu cánh cuối cùng để cứu thai nhi. Thành công này là cả một quá trình dài chứ không phải 1-2 giờ hoặc 1-2 ngày.

Thủ thuật can thiệp trong bào thai là giải pháp cấp bách nhằm cứu sống thai nhi còn trong bụng mẹ. Khi can thiệp được từ trong bào thai, tỷ lệ thành công cao hơn khi trẻ đã chào đời do thai nhi có một cơ chế rất hay là tự lành, tự sửa chữa. Tuy thai sản và cháu bé khỏe mạnh bình thường, nhưng để đảm bảo không xảy ra bất cứ tình huống xấu nào, ngay sau khi sinh, cháu bé sẽ được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để theo dõi trong điều kiện đặc biệt, còn thai sản được theo dõi tại Bệnh viện Từ Dũ cho đến khi sức khỏe hoàn toàn đảm bảo mới cho xuất viện về nhà. Ngoài trường hợp này thì Bệnh viện Từ Dũ còn một trường hợp khác đã được thực hiện thủ thuật và thai nhi phát triển bình thường, hiện cha mẹ đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh.

Hòa chung niềm vui với gia đình chị Doãn Diệp Linh, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định, kỹ thuật chuyên sâu về thông tim can thiệp cho bào thai do ê-kíp chuyên gia về can thiệp bào thai và thông tim can thiệp trẻ em của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 thực hiện đã mở ra hướng tiếp cận mới với nhiều hy vọng lạc quan trong việc mang lại chất lượng cuộc sống tốt cho thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh.

Cháu bé khỏe mạnh và cất tiếng khóc to khi vừa ra khỏi bụng mẹ.

Cháu bé khỏe mạnh và cất tiếng khóc to khi vừa ra khỏi bụng mẹ.

Mặc dù vết mổ đang rỉ máu, cơ thể mệt nhoài sau ca mổ, tinh thần vẫn mang nặng sự phập phồng lo lắng, nhưng chị Doãn Diệp Linh vẫn cố gắng mở rộng đôi mắt theo dõi từng cử chỉ, hành vi, sắc tố da của con trai trong thời điểm các bác sĩ làm vệ sinh, cắt cuống rốn. Khi cháu bé cất tiếng khóc thật lớn, chị dang đôi tay xin được ôm cháu bé vào ngực rồi chậm rãi sờ nắn từng bắp chân, bàn tay để mặc hai hàng nước mắt hạnh phúc cứ tuôn trào mà không cất thành lời. “Con... Con của mẹ đây rồi... Mẹ đã chờ được con rồi... Bác... bác sĩ ơi, con em khóc lớn rồi, nó khỏe mạnh rồi phải không?”.

Sau một hồi trấn tĩnh tinh thần, vẫn với giọng thều thào, chị Linh quay sang cảm ơn các bác sĩ đã cố gắng ngoài sức tưởng tượng để cứu giúp cho con chị được sinh ra trong tình trạng mạnh khỏe và khi đã trút hết được gánh nặng ngàn cân của những âu lo, sự dằn vặt, niềm hạnh phúc lấn hết sự đau đớn của vết mổ, chị thiếp vào giấc ngủ bình an mà có lẽ suốt nhiều ngày tháng trước đó không có được. Chồng chị Linh cùng những người thân trong gia đình vì còn đang lâng lâng trong niềm hạnh phúc nên xin phép không trả lời phỏng vấn của chúng tôi, nhưng xin ghi lại số điện thoại để khi cháu bé biết lẫy, biết bò sẽ trực tiếp thông báo tin vui.

Có thể bạn quan tâm