Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Mô hình "Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án": Đổi mới công tác giáo dục chính trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là mô hình do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai triển khai mới đây nhằm thúc đẩy phong trào tự học, tự nghiên cứu và nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật trong cán bộ, chiến sĩ.
Đúng theo kế hoạch, chiều thứ hai sau giờ sinh hoạt đơn vị, Tổ tư vấn chính trị-pháp luật của Đồn Biên phòng Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) đã dành ra gần 1 giờ đồng hồ để duy trì mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án”. Tại đây, một thành viên trong tổ tư vấn nêu lại câu hỏi của tuần trước về việc thực hiện chế độ thông báo chính trị-thời sự được quy định tại Hướng dẫn số 1771/HD-TH ngày 17-6-2016 của Cục Tuyên huấn và nội dung thông báo chính trị-thời sự tuần để đơn vị cùng thảo luận. 
 Chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Pnôn tự nghiên cứu tài liệu để tham gia mô hình. Ảnh: P.D
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Pnôn tự nghiên cứu tài liệu để tham gia mô hình. Ảnh: P.D
Đại úy Huỳnh Văn Hải-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Pnôn-cho hay: “Mỗi buổi sinh hoạt, tổ tư vấn sẽ duy trì thảo luận, lấy khoảng 5-6 ý kiến trả lời của cán bộ, chiến sĩ trong đó vừa có xung phong vừa chỉ định, sau đó mới thông qua đáp án do tổ tư vấn của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh gửi xuống. Sau khi hoàn tất nội dung câu trả lời của tuần trước, tổ tư vấn sẽ phổ biến câu hỏi của tuần kế tiếp để cán bộ, chiến sĩ ghi chép, nghiên cứu, trao đổi và chuẩn bị câu trả lời vào chiều thứ hai tuần tiếp theo”. Cũng theo Đại úy Hải, các câu hỏi đều thiết thực, liên quan trực tiếp đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng nên cán bộ, chiến sĩ rất tích cực thảo luận và tham gia trả lời. Riêng với các bộ phận ở xa, đơn vị cũng căn cứ vào tình hình thực tế và gửi câu hỏi để các tổ, trạm thảo luận, tổng hợp, báo cáo về tổ tư vấn.  
Ghi chép cẩn thận nội dung câu hỏi của tuần 4, tháng 11 vào cuốn sổ tay: “Đồng chí cho biết thế nào là biên giới quốc gia? Biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định như thế nào?”, chiến sĩ Siu Thọ tranh thủ giờ nghỉ ghé ngay xuống tủ sách pháp luật để tìm tài liệu. Siu Thọ chia sẻ, nếu đọc hết một cuốn sách liên quan đến luật hoặc các nghị định, quy định sẽ rất khó nhớ, nhưng nếu chia câu hỏi ra thành nhiều nội dung nhỏ thì rất dễ thuộc và nhớ lâu. “Đây đều là những kiến thức bổ ích, rất cần thiết cho quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị cũng như cuộc sống sau này. Vì vậy, tôi muốn nghiên cứu tài liệu thật kỹ và ghi nhớ luôn câu trả lời”-Siu Thọ nói.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Nghị-Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, để mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án” mang lại hiệu quả, ngoài việc thành lập tổ tư vấn cấp Bộ Chỉ huy thì tổ tư vấn cấp Đồn Biên phòng và Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động cũng được thành lập. Tổ tư vấn cấp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm xây dựng các câu hỏi, đáp án để thứ sáu hàng tuần gửi xuống cho các đơn vị triển khai thực hiện. Đồng thời, trực tiếp duy trì việc trả lời câu hỏi tại Bộ Chỉ huy và thường xuyên tổ chức kiểm tra việc duy trì, kết quả thực hiện mô hình của các đơn vị cơ sở. Cũng theo Thượng tá Nghị, vào ngày 15 của tháng cuối quý, tổ tư vấn cấp tỉnh sẽ chuẩn bị bộ câu hỏi để sử dụng trong quý; nội dung câu hỏi xoay quanh các nội dung: chính trị, giáo dục truyền thống, pháp luật. Cụ thể, nội dung các câu hỏi sẽ tập trung vào chương trình giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật hàng năm; tình hình vi phạm kỷ luật, mất an toàn giao thông, mất đoàn kết nội bộ trong đơn vị thời gian qua...; giáo dục truyền thống quân đội, Bộ đội Biên phòng, đơn vị, địa phương; tìm hiểu thân thế, sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng dân tộc... qua các thời kỳ; tìm hiểu về pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, các biện pháp công tác biên phòng... Để cán bộ, chiến sĩ dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc, mỗi câu hỏi và đáp án thường không dài quá 500 từ.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Đại tá Lê Thuần Huy-Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-cho rằng, việc triển khai mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án” nhằm cụ thể hóa đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” và đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới, biển đảo”. Mặc dù triển khai chưa lâu, song bước đầu mô hình đã góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục chính trị, truyền thống, pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh.
 PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm