Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư: Hiệu quả thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đoàn khảo sát Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng làm trưởng đoàn vừa tiến hành khảo sát thực tế, đánh giá thực trạng tổ chức và phương thức hoạt động của các mô hình tại Gia Lai. Kết quả khảo sát cho thấy, các mô hình đã mang lại những hiệu quả nhất định, bước đầu nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân, phát huy hiệu quả xây dựng hệ thống chính trị.



Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng các mô hình tự quản cụ thể, phù hợp.  

Những điểm sáng từ cơ sở

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 7.542 mô hình tự quản. Trong đó, 4.719 mô hình tự quản về kinh tế, 936 mô hình tự quản về an ninh trật tự, 915 mô hình tự quản về môi trường, 656 mô hình tự quản về xây dựng gia đình văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh. Hầu hết mô hình đều do Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội và một số ngành liên quan phối hợp thành lập.

 Ông Bùi Xuân Đồng (bên phải; Tổ trưởng tổ 7, phường Hội Thương, TP. Pleiku) cùng người dân xem hình ảnh trích xuất từ camera giám sát an ninh trật tự. Ảnh: Phương Duyên
Ông Bùi Xuân Đồng (bên phải; Tổ trưởng tổ 7, phường Hội Thương, TP. Pleiku) cùng người dân xem hình ảnh trích xuất từ camera giám sát an ninh trật tự. Ảnh: Phương Duyên


Theo đánh giá, các mô hình đã phát huy hiệu quả trong việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị, góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, củng cố tình làng nghĩa xóm, phát huy dân chủ ở cơ sở, là động lực để người dân tích cực tham gia, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh ở địa phương.

Nhiều mô hình được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng như: “Camera an ninh” (TP. Pleiku), “Tiếng kẻng an ninh” (huyện Chư Prông), “Phụ nữ tự quản đường biên” (huyện Đức Cơ), “Nói không với túi ni lông, rác thải nhựa” (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh), “Khu dân cư sáng-xanh-sạch-đẹp” (huyện Kbang), “Tổ bảo vệ nông sản theo mùa vụ” (huyện Đak Đoa), “Phụ nữ nói không với tín dụng đen” (thị xã An Khê), “Hàng rào xanh, con đường hoa” (huyện Phú Thiện), “Con đường thanh niên tự quản” (huyện Mang Yang)… Đặc biệt, các mô hình trong xây dựng nông thôn mới đã phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần cùng hệ thống chính trị huy động nhân dân tham gia đóng góp trên 433 tỷ đồng, hiến gần 138.600 m2 đất, góp trên 47.300 ngày công…

Với mô hình “Camera an ninh”, đến nay, TP. Pleiku đã lắp đặt 239 camera với số tiền huy động hơn 7 tỷ đồng, giúp các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, chấp hành Luật Giao thông Đường bộ… Ông Bùi Xuân Đồng-Tổ trưởng tổ 7 (phường Hội Thương) cho biết: Hai năm qua, chỉ trên trục đường Phùng Hưng đã có 4 camera an ninh do phường vận động lắp đặt. Nhờ vậy, nhiều vụ trộm cắp đã được phát hiện, xử lý kịp thời thông qua trích xuất camera, an ninh trật tự được đảm bảo.

Nói về mô hình “Phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc, dấu hiệu đường biên giới” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Nan, bà Rơ Ô H'Rin-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đức Cơ-thông tin: Mỗi năm 2 lần, các thành viên phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng đi tuần tra, đồng thời tuyên truyền bà con không vi phạm quy chế biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc, khi phát hiện người lạ thì báo ngay cho lực lượng chức năng xử lý.

Mô hình
Mô hình "Khu dân cư sáng-xanh-sạch-đẹp" đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Kbang. Ảnh: Phương Duyên


Bà Trịnh Thị Thành-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Kông Lơng Khơng, đơn vị điển hình của huyện Kbang trong mô hình “Khu dân cư sáng-xanh-sạch-đẹp” chia sẻ: Mô hình là tập hợp của phong trào “Thắp sáng đường làng” và “Hàng rào xanh, con đường hoa”. Trên địa bàn có 5/9 thôn, làng thực hiện rất tốt, được cấp trên đánh giá cao. Triển khai từ năm 2015, mô hình đã nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc chung tay xây dựng đường làng ngõ xóm khang trang sạch đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới.

“Nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu”

Thực tế cho thấy, các mô hình được xây dựng tuy nhiều nhưng hiệu quả chưa cao, một số mô hình còn hình thức, chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, thiếu tính bền vững. Trong buổi làm việc với đoàn khảo sát Đề án, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn cho rằng: Thực tiễn hoạt động của các mô hình đã đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. Mô hình tự quản trên các lĩnh vực của đời sống xã hội khá phong phú, nhưng để đảm bảo tiêu chí người dân tự nguyện tham gia, tự nguyện đóng góp nguồn lực thực hiện thì chưa nhiều. Đa số mô hình xây dựng theo hướng dẫn của các tổ chức chính trị-xã hội, Công an, quân sự và một số ngành đứng ra thành lập, hỗ trợ hoạt động; nếu không có sự hỗ trợ, chỉ đạo của các hội, đoàn thể, các sở, ban, ngành thì rất khó thống nhất và duy trì.

Do vậy, Thường trực Tỉnh ủy đã đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương nghiên cứu hợp nhất các tổ chức tự quản hiện có ở khu dân cư thành một tổ chức thống nhất chung do MTTQ chủ trì nhằm tránh chồng chéo, trùng lắp. Đồng thời, sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chí hoặc khung chuẩn cho mô hình tự quản; hướng dẫn xây dựng quy trình, cách thức xây dựng tổ tự quản và quy chế hoạt động nhằm tạo sự đồng bộ, hiệu quả.

Các thành viên của mô hình Phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc, dấu hiệu đường biên giới của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Nan (huyện Đức Cơ) trong 1 buổi tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Thu
Các thành viên của mô hình Phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc, dấu hiệu đường biên giới của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Nan (huyện Đức Cơ) trong 1 buổi tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Thu


Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nêu quan điểm: Mô hình tự quản phải xuất phát từ tinh thần tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm, tự chủ về kinh phí, xây dựng tiêu chí đảm bảo theo quy định pháp luật. Xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, hoạt động của các mô hình sẽ phát huy sự đoàn kết, gắn kết cộng đồng dân cư, góp phần phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị. Vấn đề cần quan tâm là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền và vai trò chủ trì của MTTQ; thường xuyên rà soát, tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm, đồng thời biểu dương, nhân rộng những mô hình hiệu quả.

Ghi nhận những kiến nghị của tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, đợt khảo sát lần này tại nhiều địa phương trong cả nước là cơ sở để hoàn chỉnh Đề án báo cáo Trung ương xem xét quyết định.
 

 LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm