Mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ Hà Nội từ ngày 1/1/2021

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ban Chỉ đạo không gian đi bộ quận Hoàn Kiếm không sắp xếp các hộ kinh doanh dưới lòng đường, chỉ bố trí một số ít xe chuyên dụng bán hàng ăn nhanh, nước uống... tại một số ngã ba, ngã tư.

Người đi bộ ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Người đi bộ ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Ngày 24/12, nguồn tin từ Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm cho biết từ ngày 1/1/2021, không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ Hà Nội sẽ được mở rộng, kết nối với khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Bắt đầu từ ngày 25/12/2020, quận triển khai thử nghiệm và giải quyết các vấn đề còn vướng mắc.
Phạm vi không gian đi bộ mở rộng gồm 8 phố: Hàng Dầu, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Bạc, Đinh Liệt, Gia Ngư, Đào Duy Từ (đoạn từ Chợ Gạo đến Ô Quan Chưởng), Ô Quan Chưởng (gồm phố Ô Quan Chưởng và khu vực ngã tư Hàng Chiếu-Thanh Hà) và 3 ngõ Cầu Gỗ, Trung Yên, Phất Lộc.
Thời gian hoạt động của không gian này như tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội. Cụ thể, phố đi bộ được mở vào 3 tối cuối tuần (thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ Nhật), mùa Hè hoạt động từ 19 giờ đến 24 giờ, mùa Đông từ 18 giờ đến 24 giờ.
Nhằm tạo sự thông thoáng phục vụ việc tham quan của du khách, Ban Chỉ đạo không gian đi bộ quận Hoàn Kiếm không sắp xếp các hộ kinh doanh dưới lòng đường, chỉ bố trí một số ít xe chuyên dụng bán hàng ăn nhanh, nước uống... tại một số ngã ba, ngã tư phục vụ người dân và du khách.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo không gian đi bộ quận Hoàn Kiếm khuyến khích các hộ dân hai bên mặt phố mở cửa hàng kinh doanh phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân và du khách.
Trong các lễ hội, đơn vị quản lý có bố trí các quầy hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm truyền thống (thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, đặc sản vùng miền...) dưới lòng đường.
Để tăng sức hấp dẫn cho không gian đi bộ, quận Hoàn Kiếm mở cửa các di tích lịch sử văn hóa trong khu vực để phục vụ khách tham quan.
Các chương trình biểu diễn nghệ thuật cũng được sắp xếp phù hợp. Tại Ô Quan Chưởng sẽ biểu diễn âm nhạc truyền thống; ngã tư Đinh Liệt-Gia Ngư sẽ biểu diễn âm nhạc đương đại; tại đình Kim Ngân sẽ biểu diễn âm nhạc truyền thống.
Ban Chỉ đạo không gian đi bộ quận Hoàn Kiếm cũng tổ chức phương án đảm bảo an toàn giao thông hợp lý, đảm bảo thuận lợi cho người dân tham gia giao thông, không gây ùn tắc và xung đột giao thông trong những ngày, những múi giờ không gian đi bộ hoạt động; cấm các phương tiện giao thông hoạt động trên 8 phố phía Nam khu phố cổ được tổ chức hoạt động không gian đi bộ; tổ chức các chốt trực để phân vùng giữa không gian đi bộ và đường giao thông.
Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp phép 156 điểm giao thông tĩnh (trong đó có 121 điểm đang được duy trì; 35 điểm bổ sung mới trên các tuyến phố Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Hàng Tre, Trần Quang Khải, Hàng Chiếu, Cao Thắng, Thanh Hà và khu vực ngoài địa bàn phường Chương Dương, Phúc Tân...) với diện tích 34.550m2 để đảm bảo nơi gửi phương tiện của nhân dân và du khách.
Ban Chỉ đạo không gian đi bộ quận Hoàn Kiếm tổ chức tuyền truyền đến các địa bàn dân cư, các tổ dân phố, các trường học và các hộ gia đình trên địa bàn quận về việc mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ Hà Nội kết nối với không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm để các tầng lớp nhân dân được biết, tạo sự đồng thuận khi triển khai.
Không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội và không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã được tổ chức hoạt động với mục tiêu hình thành thói quen đi bộ, nơi sinh hoạt cộng đồng và phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa nhằm phục vụ người dân; đã trở thành điểm đến của du khách.
Tuy nhiên, giữa không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội và không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận chưa có sự kết nối, bổ trợ cho nhau. Vì vậy, việc mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ Hà Nội sẽ tạo sự kết nối với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh, cộng hưởng giá trị, đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách.
Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm