Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Một cách nhìn mới về các vị “vua không ngai” ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(Nhân đọc tập sách “Tôi gặp các Ơi” của Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc, Nhà xuất bản Hồng Bàng, năm 2012)

(GLO)- Năm 1985, sau khi từ Hà Nội vào Tây Nguyên để dự liên hoan cồng chiêng, Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc được ông Trịnh Kim Sung-khi đó là Trưởng ty Văn hóa mời giáo sư dành thời gian để nghiên cứu và viết về chiến lược văn hóa của Gia Lai. 4 năm sau đó (1988-1991), Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc đã quay trở lại Tây Nguyên, lặn lội đến các buôn làng để tìm hiểu riêng về các Ơi (ông-N.V) mà nhiều người vẫn thường gọi họ là Pơtao (vua).

2 năm 2008-2009, ông lại có rất nhiều lần trở lại thăm các Ơi, thăm họ xem ai còn ai mất và cũng là để lấy thêm tư liệu, có thêm những kiến thức quý báu về văn hóa của các dân tộc bản địa nơi này. Tập sách “Tôi gặp các ơi” dày 391 trang của ông vừa mới được Nhà xuất bản Hồng Bàng giới thiệu đến với độc giả chính là một trong những “quả ngọt” của ròng rã ngần ấy năm điền dã.
 

 

Trong lời thưa trước ở phần đầu sách, Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc nêu rõ: “các Ơi theo tiếng Jrai nghĩa là các Ông, mà tôi được gặp là: Ơi Alunh, thường còn gọi nhầm là Pơtao Apui, tức Vua Lửa đời thứ 14; Ơi Chuch, thường còn gọi nhầm là Pơtao Ia, tức Vua Nước đời thứ 8; Ơi Bam thường còn gọi nhầm là Pơtao Angin tức Vua Gió đời thứ 5. Người Jrai gọi những người tôn kính và thiêng liêng đó là các Ơi, nhưng nhiều nước khác lại quen gọi họ là Pơtao như Lào gọi họ là Sadet, Pháp gọi họ là Roi, Anh gọi họ là Kinh, Việt Nam xưa gọi họ là Hỏa Xá, Thủy Xá, nay gọi là Vua Lửa, Vua Nước, Vua Gió… Gọi họ là Pơtao, nghĩa là Vua, có thể là một cách gọi sai, vì những người này chỉ là thầy cúng, chứ không phải là người cai trị đứng đầu làng, một T’ring, càng không thể là một nước vì người Jrai nói riêng, Tây Nguyên nói chung trước đây chưa có nước…”.

Vì vậy, thật dễ hiểu khi tại sao trong tập khảo luận, nghiên cứu này, Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc lại chia ra làm 6 phần (6 phần chứ không phải 6 chương) với những đề mục khiến người đọc lưu tâm ngay từ những dòng chữ đầu tiên, lần lượt như sau: Người Jrai, Những nghiên cứu của người khác về các ơi, Tôi gặp các Ơi. Những ghi chép và ảnh chụp điền dã của Nguyễn Tấn Đắc, Nguyễn Tấn Đắc hỏi những người Tây Nguyên về các Ơi, Đầu năm 2008, Nguyễn Tấn Đắc hai lần thăm lại các Ơi và Mấy lời cuối sách.

Để bạn đọc dễ bề so sánh, trong phần 2-Những nghiên cứu của người khác về các Ơi; Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc chọn lựa những nghiên cứu công phu nhất của người Việt Nam xưa và nay như Nguyễn Lệ Thi, Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, nhà văn Nguyên Ngọc… và của người nước ngoài như: G.C.Hickey, J.Dournes, O.Salemink… Trong phần lớn các nghiên cứu này, các Ơi đều được gọi là Pơtao. Và rồi, tự nhận mình là một người “dốt về Dân tộc học và Tôn giáo học”, Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc chỉ còn một cách là “lên gặp thẳng các Ơi để hỏi họ là ai, làm những công việc gì”, ngoài ra ông còn quan sát những người thân của họ, những người giúp việc mà đúng ra phải gọi là phụ cúng của họ. Theo đó, ông ghi tất những gì họ nói, chụp ảnh những gì họ làm, không hề thêm bớt, bịa đặt, suy diễn, thậm chí những lời nói của các Ơi có hơi mộc mạc, lộn xộn nhưng vẫn được giữ nguyên. Cứ theo những ghi chép này thì những người mà trước nay ta vẫn gọi là Vua Lửa, Vua Nước, Vua Gió, dân làng vẫn chỉ gọi là Ơi-là những thầy cúng được thần linh tin tưởng (trang 106), việc chọn Ơi là theo dòng họ, do dân chọn (trang 127), việc gọi là Pơtao Apui (Vua Lửa) vì thanh gươm quá nóng và Mơtao Ia (Vua Nước) là do cũng có gươm nhưng mát (trang 108)…

Không chỉ thế, Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc còn dành nhiều trang kể chuyện về các Ơi, kể một cách cụ thể, chi tiết từ việc vì sao họ được chọn là Ơi và khi đã là Ơi rồi, việc ăn, việc mặc, việc đi, việc cúng… và cả việc chết của họ diễn ra như thế nào. Bên cạnh đó, Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc còn đi hỏi những người ở Tây Nguyên về các Ơi, hỏi hơn 20 người và đều nhận được câu trả lời tương tự. Sự ghi chép mẫn cán của một người “thư ký trung thành” cùng với những hình ảnh đi kèm được Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc đưa ra trong tập sách chính là những minh chứng sát thực nhất để người đọc có thêm cơ hội tìm hiểu những vấn đề giáo sư đề cập đến.

Trong lời cuối sách, Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc viết: “Quá trình tìm hiểu các Ơi của tôi chủ yếu là theo phương pháp trực tiếp, điền dã. Những điều họ nói là dựa vào trí nhớ và lòng tin nguyên thủy có vẻ ngây ngô, hoang đường nhưng họ nói đều rất mộc mạc, chất phác, đáng tin. Qua những điều họ nói, tôi chỉ xin suy đoán vài điều mà không thể và không dám đưa ra những kết luận khoa học. Mong quý vị làm giúp cho việc này”.

Thu Huế

Có thể bạn quan tâm